Cần Giờ là huyện duy nhất thuộc TP. HCM giáp biển, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Không chỉ nổi tiếng bởi những địa điểm du lịch nổi tiếng, Cần Giờ còn hấp dẫn du khách bởi những con đường “đẹp quên lối về”.
Đường Rừng Sác có điểm đầu là bến phà Bình Khánh (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ), điểm cuối ở giao lộ với đường 30/4 (xã Long Hoà, huyện Cần Giờ). Đây là tuyến đường huyết mạch dẫn vào trung tâm huyện, dài 36,5 km, rộng từ 30-120 m, có 6 làn xe với tổng vốn đầu tư 1.420 tỷ đồng.
Tuyến đường được khởi công từ năm 2004 và chính thức thông xe vào năm 2011. Từ khi được hoàn thành, con đường trở thành cửa ngõ hướng ra biển của thành phố, có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ và đảm bảo quốc phòng - an ninh; đồng thời, tạo cơ sở thuận lợi để các đơn vị ngành điện, nước đẩy mạnh đầu tư các công trình phục vụ người dân.
Vào năm 2016, đường Rừng Sác được đề xuất đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư 2.167 tỷ đồng vì bị xuống cấp với nhiều ổ gà và thảm nhựa bong tróc sau nhiều năm sử dụng. Nhưng sau đó dự án nâng cấp không được thực hiện.
Đường Rừng Sác chạy qua 8 cây cầu. Hiện nay, hệ thống biển báo giao thông và đèn tín hiệu giao thông cũng được hoàn thiện. Trong ảnh là cầu Dần Xây, dài 387,5 m.
Trải qua thời gian sử dụng, đơn vị quản lý đã trồng hoa giấy dọc con đường. Ngoài màu hồng chủ đạo, hoa giấy ở Rừng Sác còn hội tụ những gam màu khác như trắng, đỏ, cam…, biến nơi đây thành tuyến đường hoa giấy dài và rực rỡ bậc nhất TP. HCM.
Những cánh rừng ngập mặn xanh ngát chạy song song suốt đoạn đường Rừng Sác. Trên các luồng sông, người dân huyện Cần Giờ phát triển các mô hình nuôi hải sản, đặc biệt là nuôi hàu.
Bên cạnh đó, tại ngã ba đường Lâm Viên - Rừng Sác, rừng đước khô xanh rì là điểm check-in nổi tiếng tại Cần Giờ. Tuy vậy, do đường quá đẹp và thẳng nên nhiều du khách mê mải, dễ đi nhầm đường hay đi quá điểm đến hàng chục km.
Ngoài ra, trên cung đường Rừng Sác còn có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. UNESCO đã công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn. Nơi đây cũng được công nhận là một khu du lịch trọng điểm của Việt Nam hay “viên ngọc xanh” giữa lòng TP. HCM.
Tiến vào trong thị trấn Cần Thạnh, những con đường như Lương Văn Nho, Duyên Hải… được đầu tư khang trang. Theo quy hoạch giao thông huyện Cần Giờ trong tương lai sẽ có thêm nhiều tuyến đường mới.
Các tuyến đường ở huyện đều được gìn giữ nhiều mảng xanh, tạo cảnh quan thoáng mát. Chị Hương (21 tuổi), chia sẻ: “Hiện tại, với tốc độ đô thị hoá để lên quận nhưng huyện Cần Giờ vẫn đảm bảo được hệ sinh thái xanh: rừng ngập mặn, khu rừng nguyên sinh… Đặc biệt những tuyến đường đi vào trung tâm huyện cũng được đầu tư đúng theo tiêu chí ốc đảo xanh mà huyện hướng tới. Vậy nên khi đến đây, tôi rất thích đi bộ vào buổi sáng để tận hưởng bầu không khí trong lành, thoáng đãng”.
Những con đường ở Cần Giờ khá gần bãi biển hoặc bến đò, du khách dễ dàng ngắm được hoàng hôn hay bình minh khi đi trên những cung đường này. “Từ đường Duyên Hải, tôi rẽ vào một con hẻm nhỏ dẫn ra biển, và bị bất ngờ bởi không gian yên tĩnh, thư giãn của bãi biển nơi đây. Những con sóng dập dềnh, thuyền lênh đênh trên mặt nước và ánh hoàng hôn buông xuống tạo nên khung cảnh cực kỳ thơ mộng”, chị Liên (20 tuổi), chia sẻ.