Liên quan đến vụ việc con dâu 'khai tử' bố mẹ chồng còn sống, sáng 26/8, bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội đang có hướng dẫn, giải quyết vụ việc và Sở Tư pháp Hà Nội đã có văn bản trả lời Cơ quan điều tra Công an quận Tây Hồ từ năm 2016.
Theo bà Hương, công chứng đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục nhưng khó tránh khỏi khi người đề nghị công chứng cố tình 'gài bẫy'.
Chị V. khai bố mẹ chồng đã chết (trong khi cả hai vẫn còn sống) và báo mất giấy chứng tử khi công chứng viên hỏi.
Sau đó, Phòng công chứng đã gửi văn bản tới UBND phường Nhật Tân để niêm yết xác minh theo quy trình. 30 ngày sau khi niêm yết xác minh, phường lại trả lời không có tố cáo, khiếu nại gì nên đơn vị đã căn cứ vào đó để làm.
Bà Hương cho rằng theo quy định, không có giấy chứng tử thì sẽ không thể làm thủ tục kê khai di sản. Nếu nói mất rồi, công chứng viên phải yêu cầu có xác nhận của phường về việc tử vong.
Nhưng trường hợp này, do cả ba mẹ con đã cam đoan nên công chứng viên đã tin tưởng.
“Nếu cứng nhắc thì không giải quyết được việc cho dân, mà linh động giải quyết, khi xảy ra sự việc như vậy thì lại rắc rối… Công chứng viên không có trách nhiệm khi người đề nghị công chứng cố tình lừa dối” – bà Hương nói.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, TAND TP Hà Nội sẽ hủy bản công chứng hiện nay vì phát sinh việc gian dối và xác định rõ trách nhiệm dân sự của các bên liên quan.
Trong trường hợp này, bố mẹ chồng của chị V. vẫn có quyền lợi được hưởng quyền thừa kế và không phụ thuộc vào nội dung di chúc của anh Tiến để lại.
Bà Hương chia sẻ thêm, qua vụ việc này cũng cho thấy sự xuống cấp đạo đức xã hội. Ai đời cha mẹ vẫn còn sống mà con dâu lại đi cam đoan đã chết.
Như VTC News đưa tin, vụ việc vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp (SN 1932, trú phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) bị con dâu khai báo đã chết cách đây 10 năm trong khi 2 ông bà vẫn đang sống khỏe mạnh, hàng tháng vẫn nhận chế độ lương trợ cấp người cao tuổi đang gây xôn xao dư luận.
Ngày 25/8, trả lời PV, ông Đỗ Văn Hợp cho biết, từ năm 1998, vợ chồng ông mua cho con trai cả là anh Đỗ Mạnh Tiến và chị Vũ Thị V. một mảnh đất rộng khoảng 200m2.
“Trước kia, khu đất tôi mua cho con trai là số 70 + 70A, tổ 7, Cụm 1, Phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) nay là số 62A, ngõ 399, đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội)” – ông Hợp nói.
Sau đó, đến năm 2005, anh Tiến chết vì bệnh hiểm nghèo. Lúc này, chị V. đã tới Phòng Công chứng số 3 Hà Nội thực hiện thủ tục kê khai để nhận di sản thừa kế gồm chị V. và 2 con gái.
Trong thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4/7/2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú – Phòng Công chứng số 3 Hà Nội ký duyệt nêu rõ: “Người để lại di sản: Ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết ngày 8/1/2005 theo Giấy chứng tử số 3, quyển số 1 do UBND phường Nhật Tân cấp ngày 21/1/2005. Cha, mẹ đẻ ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết”.
Được biết, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế, trong đó có sự việc vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An đã chết.
Tiếp đó, đến tháng 5/2015, vợ chồng ông Hợp phát hiện chị V. đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ mảnh đất trên cho người khác tại Phòng Công chứng số 1 Hà Nội theo các giấy tờ có thông tin không đúng sự thật đã được niêm yết tại UBND phường Nhật Tân và được Phòng Công chứng số 3 Hà Nội chứng thực.
Ông Hợp nói: "Tôi không hiểu sao không có giấy chứng tử mà vẫn bị xác nhận đã chết. Khi phát hiện vụ việc, tôi đã sốc đến ngất xỉu. Tôi không ngờ con dâu tôi lại vô đạo đức đến vậy".