"Tên mình 4 chữ khá dài. Ngày xưa đi học mẹ dạy viết tên trên tập vở 1 2 cuốn đầu thôi, xong bắt tự viết để nếu viết xấu mấy đứa bạn chê thì thấy nhụt mà rèn chữ lại. Còn chữ đẹp thì thấy tự vui về có hứng viết tiếp.
Rồi cứ mỗi học kì cặm cụi viết với mỗi lần mình kí tên làm gì xong viết nguyên họ và tên bên dưới đều dài và mất thời gian nên mẹ đã đặt luôn con dấu này cho mình từ hồi mình học lớp 9.
Và từ đó cuộc đời mình huy hoàng hơn, sang chảnh hơn khi chỉ cần cầm con dấu đóng bộp bộp dô tập vở, rõ đẹp luôn. Đi đâu cũng xách theo con dấu, kí tên xong rồi đóng dấu luôn.
Bạn bè hồi đó đứa nào cũng ngưỡng mộ vì mỗi mình mình có con dấu. Cảm giác giống như làm boss từ năm lớp 9 mặc dù đến giờ vẫn cầm con dấu và làm con sen.
Và con dấu đó bây giờ vẫn theo mình, năm nay mình đã 27 tuổi rồi, con dấu luôn nằm trong cặp của mình khi đi làm hay đi đâu, mình có thói quen kí tên xong luôn lôi con dấu ra đóng. Nhiều bạn hỏi mình làm sếp hả vì thấy mấy sếp mới hay đóng dấu.
Đi làm công ty có báo làm con dấu mới để đẹp hơn và kiểu con dấu sang hơn, nhưng mình nhất quyết vẫn giữ con dấu đã cũ kĩ này".
Con dấu của Diệu Tiên.
Đây là câu chuyện của một cô gái về con dấu mẹ làm cho từ năm học lớp 9. Trải qua 13 năm, con dấu vẫn ở đó, đồng hành cùng cô qua hết những tháng năm học hành và cả khi đi làm nữa.
Cô gái ấy là Nguyễn Trương Diệu Tiên, 27 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ngày ấy, mẹ Tiên làm cho cô con dấu đóng tên cũng vì một lý do khá dễ thương:
"Tên mình dài ở phần họ Nguyễn Trương nên ngày nhỏ mình không canh được khung trong phần nhãn tập, vở, sách giáo khoa hay giấy làm kiểm tra. Mỗi lần viết đều viết to ở họ và không đủ phần cho tên.
Ngày nhỏ mẹ bắt viết tay từng cuốn tập chứ không ghi dùm. Mẹ ghi làm mẫu mấy cuốn để canh xong rồi bắt ghi. Một phần vì bắt tự ghi để quý tên mình từng chữ một. Một phần vì mình có thi vở sạch chữ đẹp nên bắt ghi để nếu chữ xấu bị chê thì thấy xấu hổ về tự rèn còn nếu chữ đẹp được khen thì lấy động lực.
Kí tên thì mẹ luôn bắt ghi kèm họ và tên, ghi rõ họ tên không ghi tắt chữ nào. Mình đi làm giấy tờ thường khung để ghi tên rất nhỏ, mình viết hay lệch khung, và không đủ chữ, người ta toàn bắt viết tắt (chữ Trương viết tắt thành T. người ta hay đọc là Thị).
Sau này mẹ thấy cực quá nên làm luôn con dấu để cái gì liên quan đến mình đều đóng dấu vào", Diệu Tiên chia sẻ.
Tiên và mẹ.
Khi đấy, cả lớp chỉ mỗi Tiên có con dấu này. Ban đầu khi đến lớp, ai cũng nói cô nhà đại gia, bố mẹ làm to nên mới sắm cho cái này. Thế nhưng nó chỉ có giá mấy chục nghìn mà thôi.
Con dấu đã cùng Tiên gắn bó suốt 13 năm cho đến tận bây giờ. Cô đã hình thành thói quen đi làm cái gì cũng ký tên, đóng dấu khiến người ta cứ ngỡ Tiên phải làm chức vụ lớn, làm sếp.
"Mẹ chẳng bao giờ cho mình viết tắt tên, dù là ô nhỏ cỡ nào cũng không được. Tên mình có họ cả ba mẹ, đệm là tên mẹ. Công ty có kêu làm mộc mới đẹp và kiểu sang hơn để làm việc với khách hãng. Mộc mới đẹp và sang thật nhưng không quen tay với không có cảm giác xịn bằng của mẹ. Mình quen canh dấu mộc của mẹ tặng để đóng rồi. Giống kiểu ngày xưa được mẹ cầm tận tay lúc rèn chữ".
Ngay từ khi còn nhỏ Diệu Tiên đã được mẹ tặng cho dấu mộc.
Con dấu nhỏ thôi nhưng cũng có đủ những ý nghĩa. Bây giờ, Tiên vẫn trân trọng nó bởi nó không đơn thuần giúp cô đóng nhanh tên mà còn nhắc nhở ngày xưa Tiên đã thích thú thế nào khi cầm nó trên tay.
"Sau này khi làm mẹ chắc hẳn mình cũng cố gắng tinh tế từng chút một như mẹ. Các bạn hãy luôn trân trọng những điều nhỏ nhặt từ người thân tặng vì bạn không biết sau này họ có đồng hành cùng bạn lâu hay không", Tiên chia sẻ.