1. Kỳ SEA Games hai năm về trước, dẫu cho lứa U20 vừa dự World Cup trên đất Hàn Quốc trở về với rất nhiều những hảo thủ mà sau này sẽ cùng HLV Park Hang-seo đưa bóng đá Việt Nam bay cao với những kỳ tích mang tầm khu vực và châu Á, thì với HLV Hữu Thắng, họ vẫn chưa "đủ trình" để sánh vai cùng những cầu thủ U19 HAGL ngày nào của bầu Đức, với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Hồng Duy...
Quang Hải, dù ngày ấy từng được HLV Hoàng Anh Tuấn đặt vào tay chiếc băng đội trưởng, thì trong mắt HLV Hữu Thắng, vẫn chỉ là "con dao xếp" nho nhỏ, thích thì dùng, không thích thì cất đi.
SEA Games 2017 khởi đi với chiến thắng 4-0 của U22 Việt Nam trước U22 Timor Leste. Mãi đến phút 66, Hữu Thắng mới tung Quang Hải - đội trưởng U20 Việt Nam vào sân. Chưa đầy 60 giây sau, tiền vệ người Đông Anh đã đặt dấu ấn với quả phạt góc tạo điều kiện cho Công Phượng solo ghi bàn. Thêm 180 giây nữa, Quang Hải phối hợp 1-2 với Công Phượng trước tung ra cú đánh gót đầy tinh quái, giúp "Messi Việt Nam" mang về quả phạt đền nâng tỷ số lên 3-0.
SEA Games 2017: U22 Việt Nam 0-3 U22 Thái Lan
Chỉ sau có hơn 3 phút, Quang Hải giúp U22 Việt Nam kéo cách biệt với đối phương lên thành 3 bàn. Cũng trong thời gian anh có mặt trên sân, Tuấn Anh ghi nốt bàn thứ tư cho đội nhà. Tổng cộng, đến 3/4 bàn thắng của các học trò HLV Hữu Thắng được ghi khi Quang Hải vào sân. Trước Quang Hải, U22 Timor Leste là một bài toán khó. Sau Quang Hải, đấy chỉ như đề thi lớp Một.
Gần 30 phút trước U22 Timor Leste chứng minh rằng Quang Hải không chỉ xứng đáng có suất đá chính, mà còn xứng đáng là một trong những con bài quan trọng nhất trong chiến dịch SEA Games năm ấy của U22 Việt Nam.
Nhưng HLV Hữu Thắng không nghĩ vậy. Sau suất đá chính cùng bàn thắng nâng tỷ số lên 2-0 trong trận gặp U22 Campuchia, Quang Hải tiếp tục ngồi ngoài, nhường chỗ cho 6 cầu thủ HAGL "thổi bay" U22 Philippines với tỷ số 4-0, để rồi trong trận hòa 0-0 cực kỳ đáng tiếc trước Indodesia - dẫu cho đội bạn chơi thiếu người suốt 1/3 trận đấu, Quang Hải chỉ được tung vào sân ở phút 75.
Và ở trận đấu thảm họa trước Thái Lan, tiền vệ trẻ này chỉ được tung vào sân thay Hồng Duy ở phút 63, kiếm được quả phạt đền mà nếu Công Phượng thực hiện thành công sẽ thắp lên hi vọng ngược dòng cho U22 Việt Nam. Nhưng rồi Công Phượng "vứt" quả phạt đền ấy qua xà ngang, và thầy trò HLV Hữu Thắng cúi mặt rời giải trong bẽ bàng tột cùng.
2. Tròn một năm sau cái ngày thảm hại đến tận cùng ấy của bóng đá Việt Nam, chẳng ai còn nhớ đến Hữu Thắng, chẳng ai còn nhớ đến thất bại của SEA Games năm ấy nữa. Ngày ấy, U23 Việt Nam vượt qua Bahrain để lọt vào tứ kết Asiad 2018, với Quang Hải là cầu thủ nổi bật nhất, từ Thường Châu tuyết trắng cho đến Bekasi ghi dấu ấn lẫy lừng của bóng đá Việt Nam.
Và ở kỳ tích mang tên Á quân châu Á của U23 Việt Nam trên đất Trung Quốc, Quang Hải chính là người tung ra cú sút tung lưới U23 Hàn Quốc, ghi bàn thắng mở tỷ số cho trận mở màn của thầy trò HLV Park Hang-seo ở giải đấu này. Người nhấc chân cho quả bóng từ đường chuyền của Văn Hậu tìm đến đúng chân Quang Hải, ấy là Công Phượng.
HLV Guillaume Graechen - người thầy đã theo lứa U19 HAGL của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... từng nói rằng: "Quang Hải dường như đã chơi bên cạnh các cầu thủ HAGL từ rất lâu". Điều đó có lẽ lý giải chính xác nhất sự khác nhau một trời một vực giữa HLV Hữu Thắng với Park Hang-seo, giữa thất bại và thành công, giữa tội đồ và người hùng của bóng đá Việt Nam.
Quang Hải đâu chỉ xuất sắc bởi kỹ thuật thượng thừa, nhãn quan sắc bén. Điều khiến Quang Hải trở thành "bảo vật" trong tay cả HLV Hoàng Anh Tuấn lẫn Park Hang-seo, ấy là khả năng kết nối các đồng đội xung quanh thành một thể thống nhất, khả năng linh hoạt tự điều chỉnh bản thân để bù đắp cho các đồng đội, là linh hồn trên sân của đội bóng.
Nếu như thầy Park là Lã Bố với những "phép màu" đưa bóng đá Việt Nam thành công, thì Quang Hải chắc hẳn phải là cây Phương thiên họa kích sáng chói, khiến mọi đối thủ phải e dè, giúp cho "chủ nhân" đủ sức địch muôn người, bất khả chiến bại.
Quang Hải chưa bao giờ được vinh dự đeo lên tay mình tấm băng đội trưởng đội tuyển Việt Nam. Dưới thời HLV Park Hang-seo, tấm băng ấy từng là của Văn Quyết - người không còn hợp với lối chơi của ông, là của Quế Ngọc Hải - trung vệ đang chấp chới khi thiếu vắng đi Đình Trọng ở bên cạnh.
Anh Đức vẫn khá sắc bén trong vai trò trung phong, nhưng rõ ràng tầm ảnh hưởng của "cựu binh" này với toàn đội là khá hạn chế. Để lựa chọn ra một cầu thủ đủ tầm đóng vai thủ lĩnh trên sân, với HLV Park Hang-seo rõ ràng đang là một bài toán khó.
Suốt một thời gian dài, Quang Hải chơi không tốt trong màu áo CLB Hà Nội. Không lạ, bởi tính cho đến hiện tại, tiền vệ người Đông Anh đã phải chơi đến 43 trận trong năm nay, một con số quá tải với bất cứ siêu sao bóng đá quốc tế nào, chứng đừng nói là châu Á hay Đông Nam Á. Nhưng khi đội bóng cần mình tỏa sáng, Quang Hải lập tức đáp lời.
Trận thắng đội bóng Turkmenistan - Altyn Asyr, trên sân Hàng Đẫy vừa qua ở AFC Cup cho thấy tố chất siêu sao, cũng như tố chất thủ lĩnh của Quang Hải. Khi CLB thủ đô phải quay cuồng giữa cơn bão chấn thương, Quang Hải bừng sáng, với không chỉ hai bàn thắng siêu phẩm, mà là lối chơi xông xáo, cầm nhịp để kéo cả đội bóng lao về phía trước, khiến đối phương phải khiếp sợ.
Đã từng nếm đủ mùi đau thương hai năm về trước trước người Thái, đã từng đưa bóng đá Việt Nam thăng hoa trước chính người Thái với chiến thắng 1-0 ở King's Cup 2019, chiến thắng 4-0 lẫy lừng trong màu áo U23 Việt Nam trên sân Mỹ Đình, giờ đây Quang Hải khát khao hơn bao giờ hết với trận thắng đội tuyển Thái Lan ở một giải đấu chính thức, sau 3.908 ngày chờ đợi mỏi mòn của người hâm mộ Việt Nam.
Đã đến lúc công khai đặt trọng trách vào tay Quang Hải rồi, HLV Park Hang-seo. Tấm băng đội trưởng, tại sao không hả thầy Park?