Con cháu của Thành Cát Tư Hãn tham chiến tại Syria: Khủng bố kinh hồn bạt vía

DK |

Lữ đoàn Liwa Fatimouh mà nòng cốt là Quân đội Muhammad bắt đầu tham chiến tại Syria từ năm 2014 với quân số tương đương 1 sư đoàn với trang bị hoàn toàn do Iran cung cấp.

Lịch sử sâu xa

Ngược trở lại chiến tranh Afganistan vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20, với sự hỗ trợ của Iran, Pakistan, Trung Quốc và phương Tây, một tổ chức tương tự Hezbollah của người Hồi Giáo Shia Afganistan (gồm đa số là người Haraza) được thành lập nằm trong liên minh Mujahiddin nhằm chống lại chính quyền Afganistan và Quân đội Liên Xô.

Tổ chức này được đặt tên là Quân đội của Muhammad (tên nhà tiên tri của Đạo Hồi).

Ngoài việc tham chiến tại Afganistan, lực lượng này tham gia chiến tranh Iran - Iraq tại vùng núi Loolan và Navcheh tại phía Bắc Iran (giáp với lãnh thổ Kurd - Iraq). Với kinh nghiệm chiến tranh du kích chống lại Liên Xô tại Afganistan, lực lượng này đã gây rất nhiều khó khăn cho chính quyền Iraq của Tổng thống Saddam Hussein.

Vào thời điểm Liên Xô rút quân khỏi Afganistan năm 1989 và Taliban giành chính quyền năm 1991, hàng trăm nghìn người Shia Afganistan phải tị nạn tại nước láng giềng Iran tạo nên một cộng đồng khoảng 3 triệu người tị nạn tại quốc gia này.

Vào năm 2013, với việc chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và Quân đội Ả Rập Syria không còn đủ khả năng đương đầu với các phe nhóm đối lập, Iran quyết định hành động.

Hezbollah Lebanon tham chiến trực tiếp trên chiến trường, các chỉ huy Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) tham gia trong Quân đội Ả rập Syria với vai trò cố vấn.

Con cháu của Thành Cát Tư Hãn tham chiến tại Syria: Khủng bố kinh hồn bạt vía - Ảnh 1.

Chiến binh Liwa Fatimouh tham chiến tại Syria.

Nhưng như vậy là không đủ vì thực tế lực lượng Hezbollah chỉ có thể huy động tối đa 5.000 chiến binh. Và Iran quyết định sẽ tổ chức một cuộc Thánh chiến mới của người Shia chống lại những kẻ khủng bố - đối lập gồm phần lớn là người Sunni bằng hai lực lượng mới.

Hai lực lượng được Iran xây dựng đó là các nhóm chiến binh Shia Iraq và Shia Afganistan tham gia các trận đánh quan trọng kiểm soát các đô thị lớn và bảo vệ các thánh địa Tôn giáo của người Hồi giáo Shia tại Syria.

Tham chiến tại Syria

Lữ đoàn Liwa Fatimouh mà nòng cốt là Quân đội Muhammad đã nói ở trên được tái lập, bắt đầu tham chiến tại Syria từ năm 2014 với quân số tương đương 1 sư đoàn (khoảng 10.000 người) với trang bị hoàn toàn do Iran cung cấp.

Con cháu của Thành Cát Tư Hãn tham chiến tại Syria: Khủng bố kinh hồn bạt vía - Ảnh 2.

Tang lễ của một chiến binh Haraza được tổ chức tại Iran.

Một điều trớ trêu là tại Syria thì người Afganistan dân tộc Uzbek và Pastun thì thường tham gia al-Qaeda trong khi người Haraza lại tham gia Liwa Fatimouh.

Lực lượng này từ năm 2014 tới năm 2017 đã tham chiến trong hàng loạt chiến dịch quan trọng. Có thể kể ra dưới đây:

- Chiến dịch phòng thủ Nam Syria năm 2015 chủ yếu tại tỉnh Daraa.

- Chiến dịch Tây Bắc Syria năm 2015 chủ yếu tại tỉnh Idlib, tỉnh Hama và tỉnh Aleppo.

- Chiến dịch giải phóng thành phố Aleppo năm 2016.

- Chiến dịch giải phóng thành phố Palmyra bên cạnh lực lượng đặc biệt của Nga và quân đội Syria năm 2016.

- Chiến dịch phòng thủ và phản công tại Bắc Hama năm 2017.

- Chiến dịch giải phóng Đông Syria - Thành phố Deir Ezzor và các đô thị dọc theo sông Euphrate năm 2017.

Cho đến thời điểm tháng 1 năm 2018 Lữ đoàn Liwa Fatimouh ghi nhận 2.100 liệt sĩ và 8.000 thương binh trong chiến đấu kể từ khi lữ đoàn này tham chiến tại Syria theo điều động của Iran.

Gia đình những chiến binh xuất thân người tị nạn Afganistan - Haraza này đều được đặc cách nhập quốc tịch Iran.

Có khoảng 500 nghìn người Haraza sống tại Iran, phần lớn là người tị nạn Afganistan. Dân tộc này theo hệ giáo Shia, nói ngôn ngữ Ba Tư và phát sinh từ việc hoà huyết giữa người Đột Quyết, người Mông Cổ và người gốc Thổ từ thời Đế chế Mông Cổ kiểm soát Trung Á.

Con cháu của Thành Cát Tư Hãn tham chiến tại Syria: Khủng bố kinh hồn bạt vía - Ảnh 3.

Chiến binh Liwa Fatimouh rất dễ được nhận ra bởi khuôn mặt đậm chất Á Đông của người Haraza Afganistan.

Babur, người thành lập Đế quốc Mughal (một tên gọi biến thể của Mongol - Mông Cổ) vào đầu thế kỷ 16, ghi nhận cái tên Hazara in trong tự truyện của ông, khi nhắc đến dân cư của Hazaristan, tọa lạc phía tây của vùng Kabulistan, phía bắc của Ghazna, và phía tây nam của Ghor tại Afganistan.

Một giả thuyết thường gặp là Hazara bắt nguồn từ từ "ngàn" (هزار hezār) trong tiếng Ba Tư. Đây có thể là một dịch ngữ từ ming (minggan) tiếng Mông Cổ, tức một đơn vị gồm 1.000 lính vào thời Thành Cát Tư Hãn.

Thời cổ đại, từ Hazar có lẽ từng được dùng thay thế với từ chỉ người Mông Cổ và hay là tên của dân tộc có gốc gác Mông Cổ này.

Rõ ràng với dòng máu các chiến binh trên ngựa Mông Cổ, người Haraza đã tiếp nối tên tuổi hào hùng của cha ông, góp phần tiêu diệt khủng bố đem lại hoà bình cho Syria nói riêng và Tây-Trung Á nói riêng trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại