Con bị rối loạn cử động, mẹ ân hận khi biết nguyên nhân đến từ thói quen của mình

Ngân Hà |

Sau khi cậu con trai 4 tuổi bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn cử động tạm thời, người mẹ mới giật mình nhận thức được hành vi của mình.

Con mắc bệnh bởi sự dễ dãi trong cách chăm con của nhiều bậc cha mẹ

Một câu chuyện đang làm nóng mạng xã hội những ngày qua, khi một người mẹ đưa lên facebook đơn thuốc chẩn bệnh của đứa con nhỏ. 

Theo người mẹ, các bác sĩ chuẩn đoán con bị mắc chứng rối loại TIC, hay còn gọi là rối loạn cử động với các biểu hiện như: nháy mắt, nhíu mũi do dùng điện thoại thông minh (smartphone) quá nhiều ngay từ khi còn nhỏ.

Con bị rối loạn cử động, mẹ ân hận khi biết nguyên nhân đến từ thói quen của mình - Ảnh 1.

Đơn thuốc cùng chẩn đoán bệnh mà chị Thủy nhận được sau khi đưa con đi khám

Liên hệ với chị Phan Hồng Thủy - người mẹ chia sẻ câu chuyện, được biết chị cùng gia đình hiện đang sống và làm việc tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Con nhỏ của chị tên ở nhà là Subin, năm nay cháu lên 4.

Hiện tại, chị vô cùng lo lắng vì đã không lường trước hết được hậu quả mà con đang phải gánh chịu vì sự dễ dãi trong cách chăm con của mình.

Cụ thể hơn, chị Hồng Thủy chia sẻ bé nhà chị rất hiếu động và nghịch ngợm. Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, mỗi khi không quản được thì mẹ cho con dùng điện thoại chơi điện tử hoặc xem phim hoạt hình.  

Cho đến khi bé có các biểu hiện bất thường như nháy mắt, cơ mặt giật mỗi khi xem ti vi hay điện thoại và đặc biệt là con nhíu mũi thường xuyên thì chị mới tá hỏa tìm hiểu nguyên nhân.

Con bị rối loạn cử động, mẹ ân hận khi biết nguyên nhân đến từ thói quen của mình - Ảnh 2.

Bà mẹ một con không ngờ, sự chủ quan của mình lại vô tình khiến bé mắc phải chứng bệnh TIC.

Chị Hồng Thủy cho biết: "Bé chơi từ lúc 2 tuổi đến giờ không có vấn đề gì. Nhưng 1 tháng trở lại đây bé có biểu hiện bất thường. Lúc đầu mình nghĩ con thích đùa, thế là mình la, thậm chí đánh con vì sợ thành thói quen xấu khó bỏ nhưng những biểu hiện đó vẫn không hề cải thiện".

Vì thế, chị Hồng Thủy đã đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên khoa Thần kinh. Chị ngỡ ngàng khi bác sĩ cho biết, bé bị rối loạn TIC tạm thời.

Chị rất buồn khi bác sĩ cho biết, có bé uống thuốc sẽ hết, và có bé hết sẽ bị tái đi tái lại, tùy vào cơ địa mỗi em. Có bé sẽ vĩnh viễn bị nháy mắt và nhíu mũi như thế.

Hiện tại, chỉ qua thời gian ngắn nên tình hình của bé Subin vẫn chưa cải thiện nhiều. Tuy nhiên chị Thủy cho biết, sau khi cấm tuyệt đối việc chơi điện thoại, con trai chị đã không còn bị giật cơ mắt, các dấu hiệu bệnh cũng giảm bớt.

Chị tâm sự trong day dứt: "Bác sĩ dặn nếu thấy bé có biểu hiện của bệnh thì cũng không nên la mắng hoặc đánh đập vì sẽ tạo áp lực cho con, ảnh hưởng tâm lí trẻ. Từ từ nếu nó hết thì sẽ tự hết thôi dặn mình uống hết một tháng thuốc thì không cần tái khám na

Bác sĩ bảo rằng không phải quá lo lắng nhưng là một người mẹ, mình không lo sao được. Sinh con ra không có tật, tự dưng bây giờ thành như thế. Ai làm mẹ mà không lo". 

Chia sẻ về hướng điều trị, chị được bác sĩ cảnh báo nên hạn chế và tốt nhất là dừng lại không cho con xem nữa để thị giác được ổn định.

Chỉ nên xem ti vi nhiều nhất là 30 phút một ngày và nên ngồi xa khi xem. Chị Thủy cũng kiên quyết: "Bây giờ mình không cho con đụng đến điện thoại hay ti vi, dù con khóc cỡ nào cũng không. Chỉ mong được cải thiện tốt.

Trước đây, mình cũng đã đọc một số cảnh báo nhưng do quá chủ quan nên cứ nghĩ con không sao. Giờ mới hiểu được. Cũng may là khi mới bắt đầu thì phát hiện kịp, hy vọng con chỉ bị tạm thời".

Liệu có sự liên quan giữa chứng bệnh TIC với việc trẻ dùng điện thoại thông minh?

Con không kiểm soát được cơ mặt, người mẹ trẻ cảm thấy rất lo lắng nên mới đăng cảnh báo lên mạng xã hội.

Chị cũng muốn gửi lời cảnh tỉnh các mẹ cho con chơi điện thoại, ipad, xem ti vi nhiều thì nên dừng lại, đừng nghĩ là sẽ không sao bởi xem nhiều rất hại mắt. Có ngày hậu quả đáng tiếc xảy ra lại hối hận và buồn phiền như chị hiện tại.

Bài cảnh báo của chị bất ngờ trở nên "sốt" trong cộng đồng mạng với 50.000 lượt quan tâm, chia sẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít ý kiến tỏ ra nghi ngờ:

"Thật sự mình không nghĩ bài đăng của mình lại có sức ảnh hưởng lớn đến thế. Mình cũng thấy vui, coi như từ kinh nghiệm "xương máu" của mình trở thành bài học cho các ông bố, bà mẹ khác không được chủ quan, lơ là con cái.

Tuy nhiên, có một số người nói rằng mình câu "like", rồi tỏ ý nghi ngờ kiểu: "Không biết có thật không". Thực sự thì nổi tiếng một cách "ngang trái" như thế này mình không hề muốn, chỉ mong ước con bình thường trở lại như trước thôi"- Người mẹ đến từ Kiên Giang bộc bạch.

Con bị rối loạn cử động, mẹ ân hận khi biết nguyên nhân đến từ thói quen của mình - Ảnh 3.

Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian chơi với con, thay vì cho trẻ sử dụng điện thoại để giải trí bởi những tác hại tiềm tàng có thể gặp phải.

Theo tìm hiểu, rối loạn TIC (Tic disorder) là một loại rối loạn vận động, được định nghĩa như sự sai lệch của vận động không chủ ý. Độ nặng của rối loạn khác nhau ở từng trẻ. Rối loạn Tic có thể đi kèm với nhiều rối loạn thần kinh vận động khác. 

TIC thường xảy ra ở trẻ từ 2-5 tuổi, khi lớn lên bệnh có thể tự giảm rồi biến mất. Nguyên nhân chưa được xác định rõ, thường do di truyền, hoặc tâm lý xã hộ, rối loạn sinh hóa thần kinh, yếu tố khí chất ở những trẻ tính tình không ổn định.

Đặc biệt, các chuyên gia khẳng định, nếu trẻ tiếp xúc nhiều với smartphone có thể là một trong những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Không những bị rối loạn cử động, theo các bác sĩ, việc dùng điện thoại quá sớm còn khiến trẻ trở nên căng thẳng, cáu gắt. Trẻ mất tập trung, gây chậm phát triển tâm thần và các rối loại lo âu, stress.

Do đó, các bậc phụ huynh cần kiểm soát, hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh bởi những nguy cơ rối loạn về cử động có thể mắc phải, nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt, ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của trẻ.

Đối với trẻ mắc bệnh, cần tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, nâng đỡ tâm lý người bệnh kết hợp với hướng dẫn gia đình. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại