Nỗ lực dàn dựng tỉ mỉ, công phu
Mỗi ngày trôi qua, chính quyền Trump lại đem đến một câu chuyện mới, khiến người ta tự hỏi liệu sắp tới là cú lội ngược dòng kỳ lạ, một phát kiến mới hay một lời chỉ trích gay gắt?
New York Times ghi nhận, kể từ thời chiến tranh, bản tin thời sự chưa bao giờ "sôi sùng sục" đến thế; và khi ngài Tổng thống đang chiến đấu với quá nhiều "kẻ thù", việc đưa tin cũng không khác thời chiến là bao. Tuy nhiên, có phải truyền thông đang đánh giá Trump qua những thước đo đã lỗi thời?
Theo thông lệ, giới chính trị gia lấy tỷ lệ ủng hộ của công chúng hoặc các mục tiêu chính trị đã đạt được làm thước đo của "thành công" và "thất bại". Thế nhưng có lẽ chẳng thể đánh giá Trump bằng những tiêu chuẩn trên, vì Trump dường như đặt sự chú ý của công chúng lên trên tất thảy; và với Trump đây mới là chuẩn mực phù hợp, theo New York Times.
Mặc dù Trump vẫn thích là người chiến thắng hơn kẻ thua cuộc, đối với ông chủ Nhà Trắng thì bản thân cuộc chiến mới là thứ quan trọng - để tạo ra bối cảnh thu hút và hoành tráng chiếm trang đầu tất cả các báo, giữ chân khán giả và tạo ra một vũ trụ, nơi mà tất cả sự chú ý đều dồn về phía Trump và mọi động thái dù là nhỏ nhất của ông.
New York Times đánh giá, tính theo tiêu chuẩn này thì Trump đã đánh bại mọi Tổng thống tiền nhiệm.
Nhiệm kỳ Tổng thống của Trump cho đến nay đều gói gọn trong cụm từ "chiến tranh không ngừng nghỉ." Tổng thống Mỹ "gây sự" với cơ quan tình báo, người nhập cư từ các nước Hồi giáo, tòa án liên bang, Mexico, Thủ tướng Úc, và trên hết là với truyền thông - bị ông gọi là "kẻ thù của nhân dân."
Điều này tạo nên một khung cảnh hoành tráng trên các trang báo, nơi mọi tin tức đều xoay quanh trung tâm sự chú ý là Trump - có lẽ đây hoàn toàn là chiến lược truyền thông hết sức tỉ mỉ của ông chủ Nhà Trắng, theo New York Times.
Không chỉ vậy, yếu tố khiến mọi tin tức về Trump đều gây xôn xao dư luận là sự khó đoán trước và vô cùng thất thường. Trong một ngày, Trump có thể chỉ trích một ai đó bất kỳ, bất ngờ đảo lộn chính sách nhập cư bằng tuyên bố "sẵn sàng thỏa hiệp", nhưng lại lập tức thể hiện một phong cách rất đĩnh đạc trong diễn văn được ca ngợi của ông trước Quốc hội.
Tính chất bất ngờ, khó dự đoán và gây đảo lộn của tin tức về Trump chính là thứ "gây nghiện", và có lẽ đối với Trump, không có thắng lợi nào to lớn bằng việc là trung tâm sự chú ý, và người dân từ già trẻ lớn bé đều phải nói chuyện về ông.
Nguy cơ nhãn tiền
Chiến lược độc nhất vô nhị này thực sự có hiệu quả truyền thông rất cao. Người ngoài thường cho rằng Nhà Trắng vốn là trung tâm của sự chú ý, nhưng sự thật không phải vậy.
Những bài diễn văn của Tổng thống Obama rất được quan tâm theo dõi, nhưng nhiều đề xuất và chính sách của ông không hề xuất hiện trên truyền thông. Barack Obama sở hữu danh tiếng của một ngôi sao thế giới, nhưng theo tiêu chuẩn truyền thông thì ông "quá tốt" và "quá dễ đoán" để thâu tóm sự chú ý thực sự đáng kể.
Trong khi đó, Trump đã chứng tỏ rằng ông có thể chủ trì cuộc họp báo kéo dài một giờ đồng hồ để chỉ trích các đối thủ mà vẫn thống trị hàng loạt tít báo. Người dân nước Mỹ và trên thế giới quan tâm đến Tổng thống Trump hơn các tổng thống tiền nhiệm trong nhiều thập kỷ; chúng ta hiếu kỳ theo dõi Trump chống lại "những kẻ xấu" ở Mexico, phản đối người nhập cư từ những nơi như Sudan và Somalia, và chỉ trích CNN trên Twitter và Fox News.
Mặc dù chiến lược "quảng bá" độc đáo này của Trump hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên, nó có thể hé lộ điểm yếu lớn nhất của ông chủ Nhà Trắng: nỗi sợ bị rơi vào quên lãng.
New York Times nhận định, nếu tập trung quá nhiều vào việc thu hút sự chú ý của công chúng - vốn rất ngắn hạn, những công trình và đề xuất của Trump có thể sẽ dang dở, thậm chí chẳng đi đến đâu khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông kết thúc.