"Cơn bão" Flores: Bao giờ võ thuật Việt Nam mới thoát khỏi "kiếp nạn" này?

Kinh Luân |

Dẫu cho 9 năm về trước, trận đấu của Tuấn "hạc" với Flores đến từ việc võ sư người Việt Nam quá bức xúc trước những lời lẽ ngạo mạn của võ sư Canada, thì anh cũng đã sai.

1. Võ sư Long Phi Thanh - chưởng môn, cũng là người khai sinh ra võ phái Long Phi Thanh để duy trì và phát triển dòng võ Thiếu Lâm Nững Xị - một trong những dòng võ mang đậm tính thực chiến từng kể rằng ngày đầu lập phái, ông cũng đã từng cho học trò tham gia đánh đài. Đấy là những năm 70 của thế kỷ trước.

Thế nhưng ngay ở lần thượng đài đầu tiên, một học trò của ông đã khiến đối phương nằm viện hàng tháng trời, mặc dù đó chỉ là tình huống anh này say đòn, lao vào tầm đánh hiệu quả và dính đòn combo, được xuất ra theo phản xạ kỹ năng.

Hậu quả là cậu học trò của ông Long Phi Thanh "đánh ngã" tới 4 người, bởi nghề đạp xích lô của "nạn nhân" là cửa kiếm tiền duy nhất để nuôi vợ và hai con nhỏ. Ngày ấy, ngoài việc đi thăm nuôi, ông còn phải giúp tiền cho vợ con người kia đắp đổi qua ngày, do trụ cột của gia đình họ đang nằm viện.

Cơn bão Flores: Bao giờ võ thuật Việt Nam mới thoát khỏi kiếp nạn này? - Ảnh 1.

Tính sát thương lớn của dòng võ khiến võ sư Long Phi Thanh cấm môn đồ giao đấu.

Không phải tiền bạc, công sức chăm sóc nạn nhân, mà chính lối ra đòn hiệu quả cùng khả năng sát thương lớn của đòn Thiếu Lâm Nững Xị rốt cuộc đã buộc võ sư Long Phi Thanh phải suy nghĩ rất nhiều, và võ phái Long Phi Thanh đã không cho phép môn đồ giao đấu với bên ngoài từ đó, dù là dưới bất cứ hình thức nào.

Người viết từng được ngồi tâm sự với một võ sỹ Muay Thái người Thái Lan, từng là bạn tập của Nguyễn Trần Duy Nhất và đang dạy võ tại Việt Nam. Võ sỹ này học Muay Thái từ nhỏ, và bắt đầu lên đài thi đấu khi mới chỉ có 9 tuổi, để mưu sinh.

Trong những câu chuyện rất dài ngày ấy, anh có nhắc đến những trận đánh Muay Thái Boran - nói nôm na là đánh Muay Thái theo kiểu sơ khai, không dùng găng mà chỉ quấn thừng vào tay mà đánh. So với những lần thượng đài đánh Muay Thái theo luật lệ, những trận đấu như thế không nhiều, anh có thắng, có thua, nhưng không lần nào là không có máu đổ.

Cơn bão Flores: Bao giờ võ thuật Việt Nam mới thoát khỏi kiếp nạn này? - Ảnh 2.

Muay Thái Boran chỉ còn được phép dùng biểu diễn.

Những trận đấu ấy, thù lao được trả cho những võ sỹ lên đài cao gấp 10 lần so với những lần thượng đài thông thường - cả người thắng và kẻ thua. Tất cả những trận đấu ấy đều được tổ chức chui, nhưng thu hút rất nhiều khán giả, hoặc nếu ít, thì toàn những khán giả giàu có.

2. Quay lại với câu chuyện Tuấn "hạc" - Flores, câu hỏi liệu Tuấn "hạc" 9 năm về trước liệu có thể làm gì khác ngoài việc đấu với Flores sau lời thách đấu với tất cả các võ sư có mặt ở lễ vinh danh thầy anh, cũng như các võ sư khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam (theo lời Tuấn "hạc") quả là không dễ để trả lời, nhưng có một điều có thể khẳng định được: trận đấu này không nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Quả tình, Flores có cái lý riêng của mình khi hết lần này đến lần khác tìm cách "đòi nợ" Tuấn "hạc", nhưng tìm cách sửa chữa một sai lầm bằng một sai lầm khác, liệu có phải là cách mà một người tập võ chân chính làm?

Rất có thể Tuấn "hạc" chẳng sợ Flores đâu, bởi dẫu có gần 10 năm trôi qua rồi, nhưng võ sỹ Việt Nam vẫn là người chiến thắng. Và trong trường hợp này, võ sư này đã hành động thực sự văn minh khi chấp nhận lời thách đấu của Flores, nhưng chỉ khi được pháp luật cho phép.

Hãy nhớ rằng, trận đấu 9 năm trước, ý nghĩa của nó nhẹ nhàng hơn so với những gì hai đấu thủ "lời qua tiếng lại" trên truyền thông hiện tại rất nhiều, Tuấn "hạc" ngày ấy đã dừng chân, dù cho hoàn toàn có thể tung ra cú đá "hạ gục" Flores như võ sư người Canada này từng làm với võ sư Đoàn Bảo Châu hồi năm ngoái. Còn bây giờ, ai dám chắc...

Có thể với không ít người, hành động ôm lấy chồng vào lòng sau khi dính trọn cú ra đòn khá nặng cân của Flores, cũng những hình ảnh võ sư Đoàn Bảo Châu mắt tím bầm vẫn tươi cười ôm hôn người đánh mình là rất đẹp, đẫm tình cảm, nhưng nếu đọc lại đoạn đầu bài viết về võ sư Long Phi Thanh, và biết rằng khoảng cách giữa một cú đá tím mắt và cú đá "đi viện" không xa nhau lắm đâu, thì hẳn sẽ phải suy nghĩ lại.

Và hãy nhớ rằng nếu năm xưa, Flores giao đấu cùng Tuấn "hạc" trên danh nghĩa là cao thủ của Vịnh Xuân Nam Anh, còn hiện tại thách đấu là với tư cách cá nhân. Nếu có điều gì không may xảy ra, ai sẽ là phải chịu trách nhiệm?

Clip võ sư Đoàn Bảo Châu đấu với võ sư Pierre Francois Flores

Năm 1970, có một trận đánh nổi tiếng khiến những người yêu thích võ thuật Sài Gòn ngày ấy sẽ còn phải nhớ mãi, giữa võ sỹ Long Mouse (tên thật là Đới Văn Quý) và võ sỹ Kinh Kha của môn phái Bạch Mi (lúc đó đang biên chế trong đội bảo vệ của phủ tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu). Long Mouse thấp bé hơn, kém đến 20kg cân nặng, và Kinh Kha cao đến 1,8m.

Suốt 2 hiệp đấu, Long Mouse chỉ ra có một đòn duy nhất, và cú chỏ lật khét tiếng của Thiếu Lâm Nững Xị ngày ấy đã đánh vỡ mắt trái của Kinh Kha.

3. Thực ra, nhu cầu phân tài cao thấp, giao lưu là không hiếm trong võ thuật, và đây là nhu cầu có thật, từ giao đấu để tập luyện trong các môn phái cho đến giữa các môn phái với nhau.

Trung Quốc là một quốc gia có nền võ thuật cổ truyền lâu đời, cũng như rất nhiều môn phái, dòng võ cổ truyền khác nhau. Hơn 50 năm trước, để giải quyết nhu cầu phân tài cao thấp giữa các môn phái, cũng như giữa cá nhân các võ sỹ, Trung Quốc đã cho ra đời môn võ thuật hiện đại Wushu.

Bỏ qua nội dung taolu - là nội dung biểu diễn, tán thủ - là nội dung đối kháng của Wushu ngoài việc thiết lập một hệ thống thi đấu thống nhất, còn là nội dung giải quyết được rốt ráo nhu cầu phân định cao thấp, thắng thua thông qua thi đấu đối kháng trên võ đài, với luật lệ chặt chẽ, cũng như trang bị cần thiết để đảm bảo cho sức khỏe, tính mạng của những võ sỹ tranh tài.

Cơn bão Flores: Bao giờ võ thuật Việt Nam mới thoát khỏi kiếp nạn này? - Ảnh 5.

Trang bị găng, giáp, mũ cùng hệ thống luật chặt chẽ là cách mà Wushu tán thủ bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho các võ sỹ, mà vẫn đảm bảo được tính tranh đua.

Được đưa vào tranh tài lần đầu tiên năm 1953 và 3 năm sau được chính thức công nhận là môn tranh tài thể thao chính thức, Wushu đi từng từng bước vững chắc vào hệ thống thi đấu thể thao Olympic. Ở Việt Nam, võ cổ truyền cũng đang từng bước đưa võ Việt lên thành một môn chính thức theo con đường của Wushu.

Dẫn ra những điều trên, để nói rằng nếu thực sự muốn phân định cao thấp, thắng thua, Flores hoàn toàn có "đất diễn", miễn là tuân thủ đúng quy định của pháp luật, luật lệ thi đấu, ví dụ của Wushu hay võ cổ truyền Việt Nam chẳng hạn, thay vì cứ nhất thiết phải đánh nhau "như ngoài chợ", nhưng từng làm với Tuấn "hạc" 9 nắm về trước, hay Đoàn Bảo Châu, võ sư Hoài Linh hồi năm ngoái.

Nhưng nếu như thế, liệu chuẩn võ sư Vịnh Xuân Nam Anh này có nhận được nhiều sự quan tâm đến như thế? Câu trả lời xin được dành cho võ sỹ người Thái mà người viết đã từng trò chuyện ở phần đầu bài viết, với những tâm sự về Muay Thái Boran.

Trong mắt rất nhiều võ sư uy tín Việt Nam, câu chuyện về Flores là một "kiếp nạn" của võ thuật Việt Nam, bởi: "Đấy không phải là võ thuật, không phải là tinh thần võ đạo, cũng chẳng liên quan gì đến tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam cả", trích lời một võ sư danh tiếng từng có trên 30 năm tập luyện và dạy võ.

Bởi theo ông, có rất nhiều cách để giao lưu, để học tập giữa những người tập võ cổ truyền. Có thể chỉ là vài đòn "vào tay", thậm chí là một bài quyền. Chẳng phải Tuấn "hạc" mang trên mình cái biệt danh ấy là vì bài Hạc quyền mà anh từng thể hiện, khiến rất nhiều võ sư phải tấm tắc khen ngợi đó sao?

Diệp Vấn đóng cửa giao đấu.

Và thậm chí nếu phải giao đấu, thì võ sư này tâm sự mình thích nhất cuộc tỷ thí trong bộ phim "Diệp Vấn", khi hai cao thủ đóng cửa giao đấu. Khi cuộc đấu ngã ngũ, họ mở cửa tươi cười, không để cho các học trò biết ai thắng, ai thua.

Suy cho cùng, võ thuật đã từng giúp con người chiến đấu sinh tồn, để rồi có thể sống cạnh nhau một cách hòa bình, thay vì một mất một còn với nhau. Và trong một xã hội văn minh, điều quan trọng không phải là môn võ này đứng trên môn võ khác, môn phái này đứng trên môn phái khác, mà là tinh thần cao thượng, dũng cảm của một võ sỹ chân chính.

Và chẳng thiếu cách để phân định hơn thua, cao thấp. Có điều, liệu người ta thích những cuộc đấu trong khuôn phép, luật lệ hơn, hay thích tấm tắc với cú đá của Flores vào mặt Đoàn Bảo Châu, những cú ra đòn đổ máu của Muay Thái Boran hơn, hỏi - e rằng đã là tự trả lời...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại