Không cam phận "lót đường"
Nếu không tính châu Đại Dương vốn chỉ có New Zealand "một mình một ngựa", châu Á bị coi là liên đoàn với các đội tuyển yếu nhất tại World Cup 2018.
Không phải ngẫu nhiên mà AFC dù có tới 46 thành viên cũng chỉ được trao 4,5 suất tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, ngang với khu vực Nam Mỹ với vỏn vẹn 10 thành viên.
Trong lịch sử, thành tích tốt nhất của một đại diện châu Á là bán kết. Song chiến tích mà Hàn Quốc đạt được năm 2002 gây quá nhiều tranh cãi. Còn lại, các đội bóng từ AFC thường bị coi là "lót đường", "mỏ điểm".
Nhưng tại World Cup 2018, mọi thứ đã thay đổi. Châu Á với sự chuẩn bị kỹ càng và quyết tâm cao độ tạo nên hàng loạt bất ngờ.
Nhật Bản vượt qua bảng đấu với các đối thủ khó nhằn như Senegal, Ba Lan, Colombia để vào vòng 1/8. Hàn Quốc tạo nên địa chấn khi đánh bại và khiến nhà ĐKVĐ Đức rời giải ngay vòng bảng.
Nhật Bản vượt qua vòng bảng nhờ hơn Senegal ở điểm số fair-play.
Iran suýt chút cũng đã buộc Ronaldo và đồng đội phải về nước sớm. Họ rời nước Nga với 4 điểm trong tay, để lại đằng sau 2 trận đấu hào hùng trước TBN và BĐN.
Saudi Arabia bị loại sớm chỉ sau 2 vòng đấu. Nhưng đội bóng này vẫn kịp đứng dậy và vượt qua Ai Cập của Salah trong lượt trận cuối. Ngay cả Australia cũng chơi đầy quả cảm và từng làm Pháp phải run rẩy.
Thành tích mà các đội bóng châu Á có được không phải tự nhiên mà đến. Tất cả đều phải nhờ vào những quá trình dài, trải qua vô số khó khăn và thất bại.
Hoàng tử Saudi Arabia Turki Al-Sheikh từng nói sau trận thua 0-5 trước Nga: "Chúng tôi đã đầu tư cho lứa cầu thủ này tất cả mọi thứ có thể. Chúng tôi đưa về những đội ngũ huấn luyện tốt nhất và bỏ tiền thuê họ làm việc trong 3 năm liền.
Nhưng giờ chúng tôi có thể thấy rằng tiềm năng của lứa cầu thủ hiện tại là có giới hạn. Họ chỉ đạt được khoảng 5% so với kỳ vọng".
Đó là những lời trong lúc bực tức. Nhưng nó cũng chỉ ra rằng người Saudi Arabia đầu tư mạnh tay ra sao cho nền bóng đá.
Những tấm gương từ Nhật Bản hay Hàn Quốc thì có lẽ không còn quá xa lạ. 2 nền bóng đá này đều tạo dựng được nền tảng tốt với hàng loạt lò đào tạo trẻ cũng như các CLB thuộc hệ thống trường học.
Thủ môn Jo Hyeon-woo, người khiến ĐT Đức phải khóc hận, bắt đầu tập luyện với vị trí "gác đền" từ khi còn rất nhỏ. Anh không gia nhập đội trẻ một CLB nào mà gắn bó với các đội bóng trường học lên đến tập cấp đại học.
Jo Hyeon-woo ngăn cản cầu thủ Đức.
Đến năm 22 tuổi, Jo Hyeon-woo mới ký hợp đồng chuyên nghiệp với Daegu FC. Nhưng chỉ 5 năm sau, anh đã rực sáng tại World Cup và từ chối các cú dứt điểm từ Hummels hay Julian Brandt.
Các đội bóng châu Á cũng lựa chọn cho mình lối chơi phù hợp, tùy thời điểm mà phòng ngự chặt hoặc tổng tấn công. Họ đưa ra đối sách riêng với từng đối thủ, không bị dập khuôn trong một sơ đồ cứng nhắc.
Lời thật lòng của HLV Park Hang-seo
Khi được hỏi về khả năng dự World Cup của Việt Nam, HLV Park Hang-seo nói: "Liệu người Việt Nam đã sẵn sàng cho việc có đội bóng giành vé dự giải đấu lớn nhất hành tinh này hay chưa? Câu trả lời là chưa.
Phong trào bóng đá ở Việt Nam phát triển chưa thực sự mạnh mẽ. Ở V-League, chỉ Hà Nội và HAGL có đào tạo trẻ tốt, các CLB khác thì chưa. Trung tâm PVF có cơ sở chất lượng nhưng cũng chỉ đào tạo 180 học viên. Như thế là quá ít để lựa chọn cầu thủ.
Muốn có đội tuyển dự World Cup thì tất cả phải đồng lòng, từ Liên đoàn, các đội bóng, truyền thông cũng như người hâm mộ. Hãy bắt tay xây dựng kế hoạch, làm từng bước từ bây giờ thay vì ngồi mơ mộng".
HLV Park Hang-seo muốn tạo thêm những kỳ tích như U23 Việt Nam từng làm tại VCK U23 châu Á
Những gì diễn ra tại World Cup càng tăng sự thuyết phục trong lời của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Nhiều nền bóng đá tại châu Á đang tiến bộ nhanh nhờ vào chiến lược tốt và đầu tư bài bản. Nhóm các đội dự World Cup thực sự là tấm gương cho phần còn lại.
Ngoài ra, những Trung Quốc, Qatar, Thái Lan hay Uzbekistan cũng đang cho thấy nhiều điều hứa hẹn trong tương lai.
Việt Nam cũng nằm trong số các nền bóng đá có bước tiến. Song để giành một tấm vé World Cup, chúng ta vẫn còn một con đường rất xa phải đi.
Bản thân HLV Park Hang-seo cũng đang làm đúng như những gì ông nói. Thay vì nhận lời mời sang tận Nga xem World Cup, nhà cầm quân 59 tuổi chọn cách theo dõi qua màn ảnh nhỏ để dành thời gian "xem giò" cầu thủ tại V.League và đến Indonesia "do thám" đối thủ tiềm tàng.