Đây cũng là bước đột phá trong ngành công nghiệp máy bay không người lái, liên quan đến một chiếc camera cỡ nhỏ được kết nối với bộ phát để gửi trực tiếp video từ Flycam đến kính FPV, smartphone (điện thoại thông minh) hoặc màn hình trên tay cầm điều khiển.
Tiếp sau bước đột phá này là sự xuất hiện của các FPV Drone Racing - các phương tiện bay mới được phát triển để thích hợp với môn thể thao đua máy bay không người lái ở cấp độ nghiệp dư và chuyên nghiệp.
FPV Drone Racing thường được thiết kế với bộ khung làm bằng sợi carbon giúp nó nhẹ nhàng hơn, bền hơn trong trường hợp va chạm.
Bộ khung này cũng được chế tạo để dễ dàng tùy biến các thành phần khác của drone như động cơ, pin, cánh quạt. Tất cả giúp việc sửa chữa và thay thế nhanh chóng và thuận tiện.
Quan trọng hơn, điều này giúp giảm giá thành của FPV Drone Racing chỉ vào khoảng từ 200 đến 350 USD (từ 4 đến 7 triệu đồng).
Tất cả những ưu điểm nói trên của FPV Drone Racing đã nhanh chóng lọt vào tầm mắt của các lực lượng vũ trang và bán vũ trang, biến loại drone tưởng chừng vô hại này thứ vũ khí cực kỳ lợi hại.
Một ví dụ cụ thể là iFlight Nazgul 5.
Đây là một bộ kit giúp người dùng nhanh chóng lắp ráp ra một chiếc FPV Drone Racing cơ bản.
Và ít ai ngờ rằng chiếc drone nhỏ này có thể mang theo một đầu đạn PG-7VL (của súng chống tăng vác vai RPG-7V/B-41) nặng tới 2,6 kg chỉ bằng cách buộc dây thít nhựa.
Quan trọng hơn, với tốc độ nhanh - các FPV Drone Racing có thể đưa đầu đạn vào tháp pháo hoặc các phần giáp mỏng hơn trên tăng thiết giáp.
Mặc dù đạn PG-7VL hiện đã không còn hiệu quả trước các loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện đại, nhưng nó vẫn là "cơn ác mộng" với xe bọc thép chở quân, xe chiến đấu bộ binh, các phương tiện kỹ thuật, các ổ đề kháng và thậm chí là các MBT cũ.
Theo các chuyên gia của tờ Eurasian Times, sự kết hợp giữa iFlight Nazgul 5 và PG-7VL dù có phạm vi hoạt động hạn chế chỉ 5 km nhưng cũng có thể thay thế cho các Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) có khả năng "đột nóc" tăng thiết giáp như FGM-148 Javelin của Mỹ.