Cốc cafe 8.000đ của Thủ tướng, cổng chào 0 đồng và cổng chào 200 tỉ đồng

Bùi Hải |

Tôi không thuộc diện người "ngay lập tức thấy xót xa" khi biết con số 200 tỉ chỉ để xây dựng chiếc cổng chào hoành tráng nhất Việt Nam, dù đây là nguồn vốn xã hội hóa.

Rất có thể, một tỉnh nhiều tiềm năng du lịch và nguồn thu sung túc như Quảng Ninh, nên có công trình gì đó để tự hào, để làm điểm nhấn.

Cũng rất khó để so sánh một cách đơn giản rằng số tiền 200 tỉ đó, bằng gần nửa tổng thu ngân sách cả năm của tỉnh nghèo Bắc Kạn. Động lực của đột phá, của dám nghĩ dám làm sẽ mất đi nếu các tỉnh cứ nhìn nhau dè chừng như thế.

Nhưng nếu được lựa chọn, tôi sẽ lựa chọn "những cái cổng chào tuyệt vời", không tốn một xu mà hai năm trước Quảng Ninh đã "xây dựng".

Tháng 11/2014, cả dàn lãnh đạo tỉnh từ Chủ tịch, Phó Bí thư, Phó chủ tịch Quảng Ninh đồng loạt khum tay hình trái tim, nở nụ cười rạng rỡ bên cạnh những địa điểm nổi tiếng, để mời gọi du khách đến tỉnh này.

Chiếc khum tay và nụ cười ấy, chính là loại cổng chào tuyệt vời nhất, ấm áp nhất, mở rộng lòng người nhất.

Cốc cafe 8.000đ của Thủ tướng, cổng chào 0 đồng và cổng chào 200 tỉ đồng - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phát động chương trình "Nụ cười Hạ Long". Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Giá trị của tượng đài không đến từ bao nhiêu tấn đồng, bê tông, gạch đá mà đến từ tầm vóc của danh nhân được tạc tượng.

Tầm vóc, cống hiến của lãnh đạo không chỉ đến từ những công trình đồ sộ mà còn đến từ những điều giản dị, có sức lay động nhân tâm.

Một Tổng thống Obama diễn thuyết có hay bao nhiêu, cũng khó có thể trở thành người truyền cảm hứng nếu như ông không biết cầm dù che mưa cho phụ nữ, không thảnh thơi ăn bún chả bình dân hoặc không tán gẫu với chị bán trà đá vỉa hè giữa một cơn mưa chợt đến.

Trong các Hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm, phát biểu chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ rất quan trọng. Nhưng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lúc 5h sáng xuất hiện ở chợ rau Long Biên, Hà Nội, lại có sức lay động đặc biệt.

Thời điểm mà sự lo lắng về thực phẩm bẩn đã đến mức báo động, ông Vũ Đức Đam đã "kéo" vị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại gần dân hơn, bằng việc trực tiếp thị sát và tận thấy hai luống rau: Luống để nhà ăn thì an toàn còn luống để bán thì nguy hiểm.

Cốc cafe 8.000đ của Thủ tướng, cổng chào 0 đồng và cổng chào 200 tỉ đồng - Ảnh 2.

Hình ảnh mô phỏng cổng chào tỉnh Quảng Ninh sau khi hoàn thành.

Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước xuống mảnh ruộng trồng rau an toàn ở thôn Trung Quang, Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội, thì không chỉ có anh nông dân Đặng Minh Tới, Trần Văn Đạo vui mừng.

Bao người tiêu dùng và nông dân khác cũng sẽ nhận được tín hiệu tích cực rằng: Việc cấy trồng và miếng ăn của họ sẽ được Chính phủ quan tâm sát sao, cụ thể hơn nữa.

Lời hứa của anh Tới, anh Đạo trước Thủ tướng ngay tại vuông ruộng của mình rằng: "Người sản xuất phải có lương tâm, không thể đầu độc người khác", cũng có sức nặng hơn hẳn bài phát biểu của các anh trong một hội nghị ở đâu đó cách rất xa bờ ruộng.

Bằng những việc làm giản dị: Vào tận bếp nếm cơm và đề nghị chủ quán cho xem hợp đồng mua bán thực phẩm; khoan khoái ăn sáng ở quán phở bình dân và thưởng thức ly café 8.000đ ở TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy ông đang nỗ lực "kéo" Chính phủ của mình lại gần dân hơn bao giờ hết.

Nỗ lực ấy là một con đường rất dài có thể đo bằng nhiều nhiệm kỳ, nhưng nó đang được khởi động tốt. Muốn có một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, thì việc đầu tiên Chính phủ ấy phải gần dân.

Công sở nguy nga, công trình đồ sộ; tác phong oai vệ, phát ngôn đao to búa lớn của quan chức không những đẩy dân ra xa mình mà còn khiến những mảnh đời chạy ăn từng bữa phải ngậm ngùi, chua xót.

Nếu chỉ xét về ý nghĩa biểu tượng, "ly café gần dân" giá 8.000 đồng Thủ tướng uống, vẫn có tác động xã hội tích cực hơn nhiều một công trình tiền tỉ không hiệu quả. Sức hút cái khum tay và nụ cười thân thiện của lãnh đạo Quảng Ninh hai năm trước, chắc gì đã thua sự hấp dẫn đến từ cổng chào 200 tỉ?

Tác giả Bùi Hải

Việc xây cổng chào hàng trăm tỉ ở đâu đó, dù là bằng tiền xã hội hóa, sẽ không trở nên phản cảm, nếu người dân thấy lãnh đạo của họ đã trăn trở và thực hiện rất nhiều điều giản dị, thiết thực để chăm lo cho cuộc sống của dân thường.

Xã hội hóa đóng góp để xây dựng các công trình công cộng, đều rất đáng quý. Nhưng đáng quý hơn nữa nếu những người có trách nhiệm tích cực kêu gọi xã hội hóa những lĩnh vực thiết thực cho đời sống cần lao.

>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn làm Chủ tịch Quảng Nam, đã quyết định không bắn pháo hoa đêm giao thừa để dành 300 triệu đồng lo tết cho người nghèo.

Giống một ngôi nhà, sẽ rất nực cười nếu xây một chiếc cổng rất to trong khi nhà chính thì rất nhỏ, và đặc biệt người trong nhà đang đói khát. Việc bỏ bắn pháo hoa ở Quảng Nam năm đó, cũng giống như quyết định không xây chiếc cổng chào rực rỡ trong ngôi nhà mà các thành viên phải chạy ăn từng bữa.

Còn gì đáng sợ hơn việc những cổng chào tiền tỉ (trong đó có thuế của dân) luôn mở toang một cách vô cảm trong khi "hàng triệu cổng chào trong lòng dân" thì im ỉm đóng vì bức xúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại