Chiếc cốc huyền thoại gắn liền với bao nỗi vui buồn của người Hà Nội
Có một trải nghiệm không thể bỏ qua khi đặt chân tới Hà Nội: đó là bia hơi vỉa hè. Những cốc bia rẻ bèo, người ta vẫn hay nói vui với nhau là rẻ hơn cả nước lã ấy ẩn chứa sức hấp dẫn lạ kỳ.
Bao năm qua, nó đã làm say đắm hàng chục triệu người. Những du khách lần đầu tiên đến Hà Nội, có người đã lắc đầu trước ý tưởng đi uống bia hơi vì cho đó là điều không thú vị.
Nhưng nếu thử một lần, ngồi trên chiếc ghế nhựa thấp nơi góc phố, ngắm nhìn dòng người đông đúc và uống với nhau cốc bia mát lạnh, hẳn đó sẽ là kỉ niệm đáng nhớ trong chuyến viếng thăm Thủ đô Việt Nam!
Bia hơi vỉa hè có nồng độ cồn thấp, chỉ khoảng 3-4%. Khi đã chảy xuống cuống họng, nó vẫn kịp để lại cảm giác mát lạnh và rõ ràng, thơm đậm mùi của rơm, gạo, đâu đó, phảng phất chút mùi của cây hoa bia (hublông).
Những cốc bia hơi mát lạnh từ lâu đã là "gia vị" cho cuộc vui thêm đậm đà.
Những cốc bia được người ta uống cạn khi vui cũng như lúc buồn. 8h sáng hay 12h đêm, mùa hè nắng nôi hay lúc trời lạnh cắt da, người Hà Nội vẫn rủ nhau đi uống bia.
Và mỗi lúc như thế, khi ngồi ở bất cứ hàng quán nào, từ trên "phố bia hơi" sầm uất Tạ Hiện cho đến những gian hàng bé xíu nằm rải rác khắp TP, thực khách chỉ sử dụng chung một loại cốc uống bia.
Đó là chiếc cốc vại làm bằng thủy tinh dày. Nó có màu xanh xanh, trăng trắng, đục ngầu rất đặc trưng. Khi chạm tay, cảm giác cả chiếc cốc đều sần sùi.
Đưa lên mắt ngắm nhìn, thấy hàng vạn, hàng nghìn bọt khí vây quanh thành cốc, giống như những bọt bia đang tan dần trong lớp thủy tinh xanh nhạt.
Cốc vại bia cầm thì nặng tay nhưng khi vừa rót bia vào, thành cốc nhanh chóng lạnh buốt. Màu vàng của bia hơi trộn lẫn với màu xanh của chiếc cốc tạo nên sự hài hòa, mát dịu.
Cầm chiếc cốc trên tay, bạn có thể nhìn rõ lớp bọt bia trắng xốp phập phồng trên miệng và những dòng tăm sủi bọt nối đuôi nhau nổi lên từ đáy cốc. Hình như, chỉ khi rót vào cốc vại, bia hơi mới phát huy được hết sức hấp dẫn vốn có của nó.
Chiếc cốc mô tả ở trên, thực ra được thiết kế khá đơn giản với thân hình côn, miệng loe, đáy tròn và có các thanh gờ dọc ở thành cốc để các ngón tay bám, cầm cho chắc. Uống bia hơi với loại cốc này, chúng ta tha hồ nâng lên rồi lại hạ xuống, chạm cành cạch liên tục mà không sợ vỡ.
Hoặc nếu vỡ cũng không sao vì giá thành của chúng rất rẻ. Nó được làm từ nguyên liệu tái chế và sản xuất hoàn toàn thủ công.
Ra đời cách đây 40 năm, bao thế hệ đã uống bia bằng chiếc cốc vại xù xì ấy nhưng hình như, chúng ta còn mải quan tâm xem, bia hôm nay có ngon không, câu chuyện nói với nhau đang vui hay đang buồn mà bỗng chốc quên mất chiếc cốc mình cầm trên tay. Hoặc giả đó là một vật vẫn quen dùng, nên chẳng ai buồn để ý (?).
Hàng chục triệu người đã dùng cốc vại nhưng chắc chắn rất ít người trong số đó biết rằng, chiếc cốc ấy là sản phẩm của họa sĩ, nhà giáo nổi tiếng và có cả một quá trình thử thách sức tồn tại đầy gian truân.
Cốc vại bia - Minh chứng rằng những gì càng đơn giản càng có sức sống bền lâu
Vào những năm bao cấp chịu lệnh cấm vận của Mỹ, bia hơi bỗng trở thành thức đồ uống xa xỉ. Thiếu bia, chúng ta thiếu luôn cả cốc để uống bia.
Lúc đó, khi đang làm việc ở Phòng Kỹ thuật Liên hiệp xã Tiểu thủ Công nghiệp Trung ương, phát hiện nhu cầu đó nên họa sĩ Lê Huy Văn nhận trách nhiệm thiết kế ra chiếc cốc uống bia, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Năm 1974, chiếc cốc vại lần đầu tiên ra mắt thị trường. Ít lâu sau, từ trên bản vẽ, nó được sản xuất đại trà và chỉ mất 2 năm, cốc vại đã "xâm lấn" toàn bộ thị trường Hà Nội.
Chỉ có điều, người ta biết đến cốc vại, biết nơi sản xuất chứ chẳng mấy ai để ý đến người đã dành nhiều công sức sáng tạo ra nó.
Họa sĩ Huy Văn năm nay đã 75 tuổi và chiếc cốc vại, tính đến giờ gắn bó với ông đã gần nửa cuộc đời.
Theo họa sĩ Huy Văn, thời kỳ đó, người Việt chưa coi trọng tác quyền và ít bận tâm đến nghề thiết kế. Nhiều người nghĩ, cốc vại chưa phải là thiết kế đẹp và sự đón nhận của người tiêu dùng trong thời buổi khó khăn, không nói lên được điều gì.
Họ thậm chí coi sản phẩm này chỉ là giải pháp tình thế với hy vọng, trong tương lai sẽ có mẫu cốc đẹp hơn thay thế.
Chỉ có những ai hiểu về thiết kế mới nhận ra rằng, cốc vại thực sự là một "Good Design". Nó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: giá thành rẻ, có công năng tốt, nguyên liệu phù hợp, thiết kế đơn giản, dễ sản xuất.
Họa sĩ Huy Văn phân tích, có 3 lý do chính khiến chiếc cốc vại tồn tại lâu bền. Thứ nhất, nó được thiết kế chắc chắn, mộc mạc, phù hợp với việc uống bia. Mẫu cốc đơn giản cũng giúp quá trình sản xuất, vận chuyển trở nên thuận lợi hơn.
Trước kia, cốc vại có dung tích 0,5l, miệng cốc loe to để dễ chồng xếp lên nhau. Ngày nay, chiếc cốc thu nhỏ lại, bớt loe hơn nhưng nhìn chung, thiết kế không thay đổi nhiều.
Chai cocacola đội nón bài thơ do ông thiết kế hiện tại vẫn được lưu trữ ở bảo tàng của hãng ở Atlanta (Mỹ).
Lý do thứ hai, vì được làm từ nguyên liệu tái chế nên giá thành cốc vại rẻ lại hạn chế ô nhiễm môi trường. Cuối cùng là do cảm thụ, thói quen của người tiêu dùng. Khi họ đã quen với sản phẩm, nhận thấy được tiện ích của nó thì thật khó để dịch chuyển sang một sản phẩm khác.
"Uống bia phải có bạn hiền, có không khí nên phải dùng cốc vại chạm nhau leng keng mới vui. Chiếc cốc khỏe khoắn lại có bọt khí vui mắt, ai chẳng thích!
Cốc vại làm từ thủy tinh tái chế, vỡ rồi cho vào lò nung lại ra cốc mới, không lo ô nhiễm môi trường. Giá cốc quá rẻ, có vỡ cũng không thiệt hại đáng kể nên nhà hàng nào chẳng thích! Sản xuất dễ, hợp với ngành thủ công nên xưởng nào chẳng làm được!", họa sĩ Huy Văn vui vẻ giải thích.
Năm nay, họa sĩ Huy Văn đã 75 tuổi, tính ra, hơn nửa đời ông đã gắn bó với cốc vại. Trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ ấy, cốc vại đã nhiều lần được thử thách khi liên tục, đứng trước nguy cơ bị thay thế.
Bằng chứng là chính tác giả Huy Văn cũng từng nghĩ đến chuyện cải tiến mẫu cốc cho đẹp hơn nhưng ông nhanh chóng dẹp bỏ ý định này khi nhận thấy, mẫu cốc mới có chi phí sản xuất quá cao so với cốc vại.
Năm 2010, CTCP Thương mại bia Hà Nội (HABECO Trading) đưa ra mẫu thiết kế mới. Loại cốc này có màu trắng, hình trụ hơi thuôn đáy to, thân cốc có tạo đường vân dọc và vân hình ô van.
Năm 2011 dự kiến có khoảng 50.000 đến 75.000 chiếc cốc được sản xuất nhưng rồi nó nhanh chóng chỉm nghỉm vì không thể nào đánh bật được ưu điểm và sự tín nhiệm của người tiêu dùng dành cho cốc vại.
Cũng có vài nhà hàng, quán bia định dùng cốc nhựa giả pha lê để thay thế cốc vại. Nhưng hình như loại cốc trong vắt, nhẹ tếch ấy không đủ làm hài lòng người tiêu dùng. Dân Hà Nội vẫn chỉ ưa dùng loại cốc vại thủy tinh bọt thô cổ truyền, tuy sần sùi nhưng chạm cốc leng keng vui tai.
Nhiều lúc ngồi ngắm cốc vại, tác giả Huy Văn vừa thoáng tự hào vì đến nay, nó đã đi sâu vào đời sống, trở thành vật dụng thiết yếu của người dân. Tuy nhiên, thi thoảng ông lại thấy rất buồn và chỉ mong một mai ra đường, thấy chiếc cốc vại được thay thế hoàn toàn bằng sản phẩm mới.
"Điều ấy có nghĩa là ngành thiết kế nước mình phát triển hơn, có người giỏi hơn tôi, đã nghĩ ra những chiếc cốc vừa đẹp, vừa có nhiều ưu điểm hơn cốc vại".
Có điều, 40 năm đã qua đi nhưng mong mỏi của vị họa sĩ già vẫn chưa có cơ hội thành hiện thực. Có lẽ, người Hà Nội lưu luyến chiếc cốc vại quá chăng hay còn tiếc rẻ nó như một kỉ niệm của quá khứ vang bóng? Không, sự tồn tại của cốc vại hoàn toàn vì lý do chính đáng.
Cốc vại chưa phải quá khứ, nó vẫn đang là hiện tại và chẳng ai dám khẳng định, chiếc cốc huyền thoại ấy sẽ tồn tại đến khi nào.
Sự tồn tại qua 4 thập niên của cốc vại cũng là minh chứng cho việc những gì càng đơn giản, càng có sức sống lâu bền. Bởi vì nó bình dị giống như không khí nên ngày thường người ta dễ quên. Chỉ lúc nào không có mới thấy thiếu, thấy như bị ngạt thở và vội vã đi kiếm tìm. Đã thân quen như thế, sao có thể dễ dàng mất đi?
Theo họa sĩ Huy Văn, cốc vại được nhiều người ngoại quốc yêu thích và đánh giá cao. Julio de Leo, nhà thiết kế và tiếp thị người Ý, từng nhận xét: "Cảm giác vị ngọt của bia Hà Nội là nhờ ở cốc bia có bọt thủy tinh".
Năm 1991, ông quyết định mua 5 container xuất khẩu loại cốc này sang Ý. "Và rất nhiều bạn bè tôi, khi đến Việt Nam đều muốn chụp ảnh lưu niệm với chiếc cốc vại bia".
Lê Huy Văn là một nhà thiết kế, họa sĩ được đào tạo bài bản tại Đức. Cả đời ông đã làm ra rất nhiều sản phẩm nổi tiếng, trong đó có mẫu xe Honda Sufat W, máy đóng vở học sinh và chai cocacola đội nón bài thơ... là những tác phẩm được nhiều người biết tới.
Riêng chai cocacola đội nón bài thơ của ông từng đạt HCV ý tưởng sáng tạo khu vực châu Á và được trưng bày tại bảo tàng của hãng này ở Atlanta (Mỹ).
"Người ta biết đến tôi và nhiều sản phẩm do tôi thiết kế nhưng không mấy ai biết về cốc vại bia, thậm chí có người còn tưởng đó là sản phẩm không có tác giả", họa sĩ Huy Văn kể. Nửa đời sống cùng tác phẩm của mình, âm thầm theo dõi sự tồn tại, chuyển biến của nó.
Mỗi khi ra đường, thấy người dân uống bia bằng cốc vại với tinh thần phấn khích, vị họa sĩ chỉ lặng lẽ đi lướt qua và giữ lại trong lòng một niềm vui nhỏ bé, thầm lặng.
"Nhiều sản phẩm khác đem về tiền bạc, danh tiếng nhưng tôi vẫn không "khoái" bằng chiếc cốc vại. Nó là minh chứng hùng hồn nhất rằng thiết kế tốt không phải cái gì cầu kì, hoa mĩ mà phải đẹp, đơn giản, dễ dùng, dễ sản xuất, có tính ứng dụng và được người tiêu dùng yêu thích", họa sĩ Huy Văn nói thêm.