Theo đó, các nhà khoa học Đại học Western Brittany ở Pháp đã thực hiện các phân tích chuyên sâu về thành phần và tuổi của một mảnh thiên thạch được đặt tên Erg Chech 002. Tại đây, họ đã phát hiện ra một thông tin đầy bất ngờ: Thiên thạch Erg Cheech 002 có niên đại còn lâu đời hơn cả Trái Đất, với thành phần và cấu tạo được hình thành từ vật chất của núi lửa.
Điều này cho thấy mảnh thiên thạch Erg Chech 002 có thể từng là một phần còn sót lại của một thiên thể thể được gọi là ‘tiền hành tinh" (protoplanet) - một khối đá lớn đang trong quá trình phát triển thành một hành tinh, theo một nghiên cứu mới.
Tiền hành tinh này đã có thể đã bị phá hủy hoặc bị 'hấp thụ' bởi các hành tinh đá lớn hơn trong quá trình hình thành Hệ Mặt trời của chúng ta.
Với tổng trọng lượng khoảng 32kg, mảnh thiên thạch EC 002 vừa được tìm thấy vào tháng 5 năm ngoái trong sa mạc Erg Chech ở tây nam Algeria. Các nhà khoa học nhanh chóng xác định đây là một thiên thạch có ‘lai lịch’ khá bất thường. Thay vì chứa các thành phần chondritic giống như hầu hết các thiên thạch được khai quật tại Trái Đất, kết cấu của EC 002 là đá lửa, với các tinh thể pyroxene.
Do đó, nó được phân loại là achondrite - một loại thiên thạch được làm bằng vật liệu có vẻ là vật chất núi lửa, với nguồn gốc từ một tiền hành tinh đã trải qua quá trình tan chảy bên trong, tạo ra sự tách biệt rõ ràng giữa phần lõi và lớp vỏ.
Được biết, trong số hàng chục nghìn mảnh thiên thạch đã được xác định, chỉ có tổng cộng 3179 mảnh thiên thạch achondrite được tìm thấy.
Tuy nhiên, hầu hết các mảnh thiên thạch thuộc loại achondrite dường như đều có chung 1 nguồn gốc, có thể là từ một tảng thiên thạch cỡ lớn, với thành phần chủ yếu là đá bazan. Điều này có nghĩa là chúng không thể cho chúng ta biết nhiều về sự đa dạng của các hành tinh trong Hệ Mặt trời thủa sơ khai.
Trong khi đó, cấu tạo của EC 002 không phải là đá bazan, mà là một loại đá núi lửa được gọi là andesit. Trong số tất cả các thiên thạch mà chúng ta đã tìm thấy cho đến nay, bao gồm cả thiên thạch achondrite, EC 002 được đánh giá là cực kỳ hiếm - mở ra một con đường mới để tìm hiểu sự hình thành hành tinh.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, EC 002 có niên đại cực kỳ 'cổ xưa'. Sự phân rã phóng xạ của các đồng vị nhôm và magiê cho thấy rằng hai khoáng chất này đã kết tinh vào khoảng 4,565 tỷ năm trước, trong một thiên thể hình hành cách đây 4,566 tỷ năm. Để so sánh, ‘tuổi thọ’ của Trái Đất là 4,54 tỷ năm tuổi.
Các nhà khoa học coi đây là cơ hội hiếm có để nghiên cứu về giai đoạn đầu của quá trình hình thành hành tinh và tìm hiểu thêm về ‘buổi bình minh’ của Hệ Mặt trời - khi các hành tinh mà chúng ta biết ngày nay vẫn đang dần thành hình.
"Thiên thạch này là đá magma lâu đời nhất được phân tích cho đến nay và làm sáng tỏ sự hình thành của các lớp vỏ nguyên thủy bao phủ các hành tinh cổ nhất", nhóm nghiên cứu cho biết.
Vậy tất cả các tiền hành tinh có lớp vỏ andesit đang ở đâu? Theo nghiên cứu, trong suốt thời kỳ đầy biến động ban đầu của Hệ Mặt Trời, hầu hết các tiền hành tinh này có khả năng không vượt qua giai đoạn sơ khai.
Hoặc chúng bị đập vỡ vụn khi va chạm với các vật thể đá khác, hoặc chúng bị hấp thụ bởi các hành tinh đá lớn hơn, chẳng hạn như Trái đất, sao Hỏa, sao Kim và sao Thủy.