LTS: Việc ông Steve Bannon, một cố vấn chiến lược cấp cao và là cánh tay phải của Tổng thống Donald Trump, tin vào những quan điểm "lạ", và dự báo mơ hồ về khả năng xảy ra chiến tranh hay "Ngày tận thế" là điều làm công chúng quan tâm.
Chúng ta nên hiểu "Ngày tận thế" mà Steve Bannon đề cập như thế nào? Trí Thức Trẻ trân trọng đăng tải góc nhìn của TS. Hoàng Anh Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao - về vấn đề này.
Tổng thống Donald Trump có lẽ có nhiều điểm tương đồng so với cựu Tổng thống Ronald Reagan hơn các tổng thống Cộng hòa khác trong cách thức "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Cố vấn cấp cao của Trump tin vào chiến tranh và "Ngày tận thế"
Trên trang Huffington Post gần đây xuất hiện bài viết của việc Steve Bannon - cố vấn chiến lược chủ chốt của Tổng thống Donald Trump và trước đó là chủ của trang tin cực hữu Breibart News – tin vào "bước ngoặt thứ tư" trong lịch sử nước Mỹ. "Bước ngoặt" này có thể là cuộc chiến tranh hạt nhân không thể tránh khỏi.
Trong bài viết này, Steve Bannon tin rằng lịch sử Mỹ trải qua chu kỳ 4 giai đoạn, đi từ khủng hoảng lớn, đến thức tỉnh, rồi lại gặp một khủng hoảng lớn. Cuộc khủng hoảng sắp tới mà Bannon đề cập đến được gọi là "Bước ngoặt Thứ 4".
Bài viết cho biết, Bannon giữ quan điểm cho rằng loài người đang ở giữa một cuộc chiến hiện hữu, và tất cả mọi thứ đều là một phần của xung đột ấy. Các hiệp ước cần bị xé bỏ, kẻ thù phải bị nêu tên, văn hóa phải thay đổi. Những xung đột toàn cầu cần được xảy ra để chứng tỏ lý thuyết trên là đúng.
Đối với Bannon, "Bước ngoặt Thứ 4 đã đến" và một đấng cứu tinh có thể đã xuất hiện. Vào tháng 1/2017, Bannon đã trả lời trên Washington Post: "Điều chúng ta đang chứng kiến là sự khai sinh của một trật tự chính trị mới.
Xét về tâm lý con người và của một quốc gia: Giàu có thường "ham sống sợ chết", sợ chiến tranh. Trong cuộc chiến tranh hạt nhân chắc chắn không có kẻ thắng, người thua, kể cả hùng mạnh như Mỹ. Vậy tại sao nội các toàn những người giàu, tỷ phú của Trump lại nói nhiều đến chiến tranh hạt nhân và Ngày tận thế như vậy?
Có lẽ lịch sử sẽ gợi ý câu trả lời.
"Cú lừa thế kỷ" của Tổng thống Reagan
Vào giữa thời kỳ của đỉnh cao Chiến tranh lạnh và cuộc chạy đua vũ trang vũ khí hạt nhân và thông thường, ngày 23/3/1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bất ngờ lên TV, công bố "Sáng kiến phòng thủ chiến lược" (Strategic Defense Initiative - SDI).
SDI theo mô tả của Reagan là một hệ thống lá chắn, đặt bên ngoài vũ trụ, gồm hàng trăm vệ tinh gắn vũ khí lade cực mạnh có tác dụng phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo của Liên Xô. Mục đích là làm cho nước Mỹ sống sót qua đòn tấn công hạt nhân thứ nhất và tiêu diệt đối phương bằng đợt tấn công hạt nhân thứ hai.
Với SDI, bộ ba tấn công vũ khí chiến lược gồm các tên lửa xuyên lục địa của Liên Xô phóng đi từ đất liền, trên tàu ngầm, và máy bay ném bom chiến lược sẽ trở nên vô dụng. Mỹ dự kiến sẽ chi 1500 tỷ USD trong 10 năm cho SDI và đẩy cuộc chạy đua vũ trang lên tầm cao mới, lợi dụng ưu thế sức mạnh khoa học kỹ thuật của Mỹ.
Lúc này Liên Xô đang ở vào giữa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Nền kinh tế vốn đang kiệt quệ của Liên Xô không cho phép Liên Xô tiếp tục cuộc chạy đua vũ trang mới với Mỹ nữa.
Và sau đó, dàn lãnh đạo mới của Liên Xô do Gorbachev lên làm Tổng bí thư đã đi vào đối thoại, chấm dứt đối đầu, đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân... chấm dứt ưu thế vũ khí hạt nhân chiến lược của Liên Xô so với Mỹ.
Kỳ thực thì Liên Xô và Gorbachev đã bị lừa. Ronald Reagan không chỉ là diễn viên trên sân khấu điện ảnh, mà "diễn" rất đạt trong vở kịch SDI và SDI được coi là cú lừa thế kỷ.
Thực tế về khoa học công nghệ đầu những năm 1980 Mỹ không đủ khả năng khoa học kỹ thuật, công nghệ và tài chính để thực hiện dự án hao người tốn của như SDI.
Nhưng Reagan, các nhà phân tích chiến lược Lầu năm góc, báo chí liên tục tung tin về SDI và những thử nghiệm "thành công" của SDI khiến lãnh đạo Liên Xô bị lừa và nhanh chóng rơi vào thế trận do Mỹ bày ra.
Cựu Tổng thống Ronald Reagan phát biểu về "Sáng kiến phòng thủ chiến lược" (SDI ) trên TV năm 1983. Ảnh: Corbis
Liên Xô không chỉ bỏ tiền của vào chạy đua vũ trang, nghiên cứu hệ thống SDI của riêng mình và đối phó với SDI của Mỹ. Kỳ thực, số tiền Mỹ bỏ vào SDI chủ yếu là để đánh lừa và qua mặt các cơ quan phản gián Liên Xô.
Vậy "Ngày tận thế" (Apocalypse Now) mà Steve Bannon đề cập nên được hiểu thế nào?
Có thể sẽ chẳng có chiến tranh hay Ngày tận thế nào cả. Thông điệp là: Mỹ đã có phương án cho cuộc Đại chiến thế giới thứ ba. Mỹ cũng chả ngán Ngày tận thế. Các địch thủ của Mỹ hãy cẩn thận mà "cư xử cho phải phép".
Các tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trump khẳng định sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, hiện đại hóa quân đội.
Trong khi đó kinh tế Nga, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn giảm tốc: GDP Nga mất gần 1.000 tỷ USD trong năm 2015, 2016.
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm 1.000 tỷ USD từ đỉnh cao gần 4.000 tỷ USD của năm 2014. Dự tính cả đà tăng trưởng kinh tế lẫn tốc độ sụt giảm kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn tiếp tục lao dốc trong thời gian tới. Trong khi chính quyền Trump nói bóng gió đến xung đột Biển Đông thì Trung Quốc lại làm giảm nhẹ nguy cơ này
Có thể cũng như Reagan, "kịch bản xung đột" và "Apocalypse Now" chỉ là một đòn gió. Và cũng như Reagan, cách thức Trump làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại đang được thực hiện theo 3 cách:
Thứ nhất, tập trung củng cố sức mạnh Mỹ về kinh tế với "Trumponomics" (Học thuyết điều hành kinh tế kiểu của Trump)
Thứ hai, làm suy yếu các đối thủ tiềm năng và thực tại qua các đòn tấn công kinh tế, chạy đua vũ trang. Không chỉ có Trung, Nga, thậm chí một EU mạnh cũng không phải là điều Mỹ và chính quyền Trump mong muốn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chính quyền mới hoan nghênh Brexit, trong khi Đại sứ mới của Mỹ tại EU đã nói bóng gió đến sự tan rã của EU trong tương lai.
Thứ ba, yêu cầu các đồng minh chia sẻ gánh nặng kinh tế, tài chính, quân sự với Mỹ.
Phải chăng một kịch bản "SDI mới" đang lặp lại?