Có thật "Brexit không phải thảm kịch, mà là cơ hội lớn" cho Nga?

Ngọc Minh |

Kể từ khi những tranh cãi quanh kịch bản Anh rời EU (Brexit) nổ ra, Nga luôn đặt mình vào thế quan sát và vô cùng thận trọng trong mỗi bình luận.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: "Nga không có gì Nga không liên quan tới quá trình này. Chúng tôi không có bất cứ lợi ích nào từ nó". Truyền thông nước này cũng có thái độ tương tự - số lượng các ý kiến ủng hộ và phản đối Anh rời EU rất cân bằng.

Dù gần như không có dấu hiệu gì cho thấy Nga sẽ gây ảnh hưởng tới quyết định đi hay ở của Anh, song cũng như nhiều chuyên gia, nhà phân tích người Anh Sean Walker cho rằng, với Nga, Brexit "không phải là thảm kịch, mà là cơ hội lớn".

Không khó để nhận ra những lợi ích mà Nga có được từ Brexit, xét từ góc độ chính trị.

Ở EU, cùng với Ba Lan và các nước vùng Baltic, Anh là quốc gia theo đuổi lập trường chống Nga cứng rắn nhất. Bởi vậy, nếu Anh rút khỏi khối này, luận điệu chống Nga ở EU sẽ dịu đi, Nga dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy EU nới lỏng các lệnh trừng phạt và sau đó là dỡ bỏ hoàn toàn.

Ở EU, Anh cũng đóng vai trò then chốt trong liên minh châu Âu - Đại Tây Dương và gần như chắc chắn, sẽ tìm cách củng cố "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ. Brexit đồng nghĩa với việc, Brussels có thể phải tìm cách gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, dần thoát ra khỏi sự bảo trợ của Washington, các mối quan hệ ràng buộc châu Âu với Mỹ cũng vì thế mà suy yếu.

Tuy nhiên, Brexit có thật là không gây ra thảm kịch đối với Nga hay không là điều cần phải xem xét.

Có thật Brexit không phải thảm kịch, mà là cơ hội lớn cho Nga? - Ảnh 1.

Số phận của Anh tại EU sẽ được định đoạt bằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6.

Đúng là Anh luôn là "ngọn cờ đầu" trong cuộc chiến không khoan nhượng với Nga, song khi ở trong một tập thể, thái độ này của Anh đã được Brussels kiềm chế rất nhiều.

Một khi Anh rời EU, hành động đầu tiên, vượt ngoài chính sách mà châu Âu tuân thủ mà quốc gia này thực hiện, theo nhà phân tích Anton Tamarovich, sẽ là tăng cường thế đối đầu với Nga và tăng cường trừng phạt.

Tất nhiên, xét về kinh tế, việc Anh đi hay ở lại EU đều không ảnh hưởng quá lớn tới quan hệ kinh tế, thương mại song phương Anh - Nga, do kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 quốc gia này, sau khi Nga bị trừng phạt không mấy ấn tượng.

Dù vậy, Nga có thể gánh chịu thiệt hại gián tiếp khá lớn, bà Elena Ananieva, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Viện Khoa học Nga đánh giá.

"Moscow không phải hoàn toàn thời ơ với vị trí trung tâm tài chính của London - nơi mà cổ phiếu của các công ty hàng đầu Nga - Gazprom, Rosneft, Lukoil, Sberbank... được giao dịch hàng ngày".

Theo bà Ananieva, Brexit có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế các quốc gia EU khác - những quốc gia mà Nga đã thiết lập liên hệ (ví dụ như Hà Lan hay Cộng hòa Síp). Brexit cũng có thể tác động tiêu cực tới dự trữ vàng và ngoại tệ ở Nga, khi đồng euro giảm giá trị.

Một yếu tố nữa khiến kinh tế Nga, vốn đang sụt giảm, có thể sẽ phải tiếp tục hứng chịu "cú đánh" mới, là vai trò ngày càng lớn của NATO trong bối cảnh bất ổn chung tại châu Âu.

Ông Tamarovich nhận định: "NATO sẽ gia tăng lực lượng quân sự đóng tại châu Âu, mở các căn cứ quân sự mới gần biên giới Nga cũng như gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, đe dọa tới nền kinh tế vốn đang suy giảm của Nga".

Nguy hiểm hơn, tình hình bất ổn và sự thay đổi cán cân quyền lực ở EU có thể gây ra những tác động tiêu cực với Nga", ông Anton Tamarovich chỉ ra.

Scotland hiện đang "đe dọa" sẽ thực hiện "giấc mơ ly khai" nếu Anh rời EU, còn chính quyền Bắc Ireland thì lên tiếng về khả năng tái diễn xung đột cũ ở đây. Những xung đột ở Anh sẽ lây lan sang nhiều các vùng đất vẫn còn tồn tại các vấn đề về chủ quyền, như vùng Catalonia ở Tây Ban Nha, Fladers ở Bỉ, Corsica ở Pháp...

Theo ông Tamarovich, xung đột gia tăng ở châu Âu có khả năng sẽ nhanh chóng lây lan ảnh hưởng sang những vùng lãnh thổ lân cận, trong đó, rất có thể có cả Nga.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại