VietNamNet trao đổi với Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, TTCP Phạm Trọng Đạt và Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Lê Thị Thủy về đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Bà Thủy cho biết vẫn đang tranh luận vì bàn về đối tượng khó quá.
Lúc đầu dự thảo đề án chỉ tính xây dựng theo hướng kiểm tra, giám sát về kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Sau các cuộc hội thảo, có nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến đề nghị quy định kiểm tra, giám sát cả cấp ủy các cấp nữa.
Ngay cả khi mở rộng thì cũng có ý kiến khác nhau. Nếu làm ở cấp huyện cấp tỉnh thì cấp xã lại không có. Khi đó ở cấp xã, bí thư chi bộ cũng không phải kê khai tài sản. Đến cấp uỷ huyện thì hơi loãng.
“Mình thì muốn đi theo hướng của nước ngoài, tập trung làm trên trước dưới sau, trong trước, ngoài sau. Tức là chỉ tập trung ở nhóm cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Nhưng giờ vẫn có quan điểm khác là muốn làm đồng loạt. Vì vậy cần phải họp để xin ý kiến, định hướng của TƯ”, bà Thủy nói.
Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ cũng nêu thêm khó khăn nữa là nhóm cán bộ cấp vụ của các bộ, ngành vẫn đang tranh luận không biết nằm vào đâu cho hợp lý.
“Một bên sợ rộng quá, kiểm soát không có hiệu quả, một bên lại lo hẹp quá lại bỏ lọt đối tượng phải quét nên cũng khó quyết”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, việc kiểm soát sau kê khai tài sản hiện nay còn ở một chừng mực. Kê khai tài sản là 1 trong 9 biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nếu làm được thực chất, kiểm soát được sẽ thúc đẩy các giải pháp khác tốt hơn.
Bà Thủy nêu cách làm của các nước là cứ đưa tài sản kê khai lên trên mạng, chỉ cần tra là ra bản khai. Tuy nhiên bà cũng lưu ý, vấn đề là phải đi sâu vào bản chất việc kê khai. Còn bản khai trên mạng chỉ là công khai phần nổi.
“Ví dụ tôi có tài sản 100 triệu đồng thì tôi kê ngay nhưng không thể rõ được 100 triệu đó nằm ở đâu, do đâu có. Các nước cũng không công khai những việc này với quan điểm bảo vệ bí mật cá nhân cũng như đảm bảo an toàn”, Bà Thủy phân tích.
Bà cho rằng, bản kê khai của mình yêu cầu công khai rất đầy đủ, rõ ràng từng mục một, nhà thế nào, đất thế nào, xe cộ, tiền mặt thế nào… và công khai theo quy định.
Tuy nhiên, vấn đề là cần kiểm soát được việc kê khai thế nào, đúng hay sai thì còn ở một chừng mực và giờ đang phải bàn khuôn chuẩn đối tượng để kiểm tra, giám sát thế nào cho hiệu quả.
“Khi có đối tượng rồi thì ra được cái đuôi ngay”, bà nhấn mạnh và cho biết UB Kiểm tra TƯ đang thảo luận để ra được quy định vừa phù hợp với thực tế, vừa đảm bảo hiệu quả.
Dự kiến từ nay đến cuối năm phải xong đề án này để trình xin ý kiến Ban Bí thư và bao giờ cũng phải có 2 phương án.
Người nhà quan chức cũng phải kê khai
Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt
Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cũng cho rằng số lượng kê khai nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng là đối tượng kê khai có đúng không, chính xác không và kê khai rồi thì có quản lý được không, có cơ chế giám sát được không, có biết tăng giảm thế nào không.
“Kê khai mà không quản lý được, kê khai mà không công khai thì kê làm cái gì”, ông Đạt nhấn mạnh.
Theo ông Đạt, phải có cơ chết giám sát và quản lý được tài sản của người kê khai, chứ bây giờ kê thế nào biết thế ấy.
Chính vì vậy, người dân không nắm được nên không phát hiện ra được gì, ngay cả cơ quan nhà nước cũng không phát hiện được.
Điều quan trọng không phải là 1 triệu, 2 triệu, hay mấy trăm nghìn người kê khai mà phải biết được nguồn gốc tài sản đấy từ đâu.
“Tôi đề nghị kê khai tài sản của cả những người thân trong gia đình những người có chức vụ quyền hạn. Vì quan chức có anh nào kê khai đó là nhà cửa, tài sản của họ đâu, toàn kê là của người khác thôi.
Người khác trên 18 tuổi phải chịu trách nhiệm chứ”, ông nhấn mạnh và cho rằng sau này sửa luật PCTN sẽ lưu ý vấn đề này.