Niêm yết rồi vẫn phải định giá lại
Theo tính toán của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, chỉ riêng việc thoái vốn ở Sabeco và Habeco sau khi niêm yết có thể thu về cho Nhà nước lên tới 2 tỷ USD.
Song, một số nhà đầu tư tính toán, số tiền bán vốn ở hai doanh nghiệp này có thể cao hơn nhiều con số trên.
Còn với 10 doanh nghiệp SCIC đang nắm giữ, trong đó có Vinamilk, số tiền bán vốn có thể lên đến nhiều tỷ USD.
Riêng Vinamilk, hồi cuối 2015, công ty này trong một bản kiến nghị gửi đến các cơ quan đã ước tính, nếu giá cổ phiếu vào 120.000 đồng/cổ phiếu thì Nhà nước thu được 64.900 tỷ đồng. Còn nếu cổ phiếu có giá 150.000 đồng thì giá trị lên đến 81.150 tỷ đồng. Như vậy bán Vinamilk có thể thu về 2,9 đến 3,6 tỷ USD.
Một số quỹ đầu tư nước ngoài còn định giá Vinamilk ở mức cao hơn, khoảng trên 4 tỷ USD.
Niêm yết Habeco, Sabeco trên thị trường chứng khoán chỉ là giá tham khảo, vẫn cần định giá lại
Chính vì thế, việc làm thế nào có một mức giá sát với thị trường khi bán phần vốn nhà nước ở những doanh nghiệp là điều đặc biệt chú ý.
Trả lời PV. VietNamNet, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đánh giá cao việc buộc Habeco, Sabeco và nhiều doanh nghiệp khác phải niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước.
“Đầu tiên niêm yết xem giá trị thực của Sabeco, Habeco là bao nhiêu. Khi bán thì thuê tư vấn định giá lại, không thể nào lấy giá lúc cổ phần hóa được.
Niêm yết trên thị trường chứng khoán chỉ là giá tham khảo, phải định giá lại xem còn giá trị nào tiềm năng mà trong báo cáo tài chính chưa thể hiện được. Làm được thế thì gọi được vốn trong và ngoài nước để mua và sẽ hạn chế thất thoát”, ông Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, ông Tiến cho biết thêm: Khi nói chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài, họ nói nếu làm được như vậy, công khai thì họ sẽ tới. Niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thanh khoản tốt hơn.
Còn với 10 DN thuộc SCIC, trong đó có Vinamilk, ông Tiến cho biết: Thủ tướng đã chỉ đạo làm sớm. SCIC lên kế hoạch thoái vốn ở Vinamilk bắt đầu từ năm nay, 9 doanh nghiệp còn lại cũng phải lên kế hoạch để thực hiện trong năm nay và đầu năm sau.
“Việc bán Vinamilk là rất nhạy cảm nên phải làm đúng quy định, đúng pháp luật, tránh gây bất ổn thị trường. Vinamilk “hot” (nóng) như thế, nếu bán không cẩn thận nhà đầu tư dồn tiền hết vào Vinamilk, các doanh nghiệp khác đưa ra lại không ai mua. Như thế được anh này hỏng hết anh kia, không ổn”, ông Tiến nói.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp.
Giữ thương hiệu Việt: nắm chắc “cổ phần vàng”
Thủ tướng cũng nhấn mạnh không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài khi bán vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, đồng thời có biện pháp để giữ lại thương hiệu Việt.
Về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng: Quan trọng nhất là phải có rào kỹ thuật để giữ lại thương hiệu. Việc này có thể làm được. Chẳng hạn bán vốn ở doanh nghiệp bia, thay vì phải nắm lượng vốn lớn để có quyền phủ quyết, nhà nước có thể nắm giữ “cổ phần vàng”.
Khi đó, mọi sự thay đổi về thương hiệu phải được “cổ phần vàng” này đồng ý. Người nắm “cổ phần vàng” có thể không cần cổ tức, nhưng muốn thay đổi thương hiệu phải được“cổ phần vàng” đồng ý. Đó là cách nước ngoài hay làm.
Còn ở Việt Nam, trong Luật Doanh nghiệp 2014 cũng đã có quy định về vấn đề này. Theo đó, để giữ được thương hiệu, quy định về “cổ phần vàng” phải được đưa vào điều lệ doanh nghiệp vì đó là tuyên ngôn của doanh nghiệp.
Nếu ngành, lĩnh vực nào Nhà nước không cần nắm giữ, nhưng vẫn muốn giữ thương hiệu như một bản sắc dân tộc thì phải đưa vào trong điều lệ. Sau này, khi xảy ra tranh chấp thì đem điều lệ ra. Tất nhiên điều lệ cũng tuân thủ cơ bản về luật.
“Điều lệ cũng phải có quy định: muốn sửa điều lệ thì phải được “cổ phần vàng” đồng ý. Cho nên, điều lệ ban đầu rất quan trọng để giữ được một thương hiệu khi bán vốn nhà nước. Điều lệ mà không quy định là chịu thua”, đại diện Bộ Tài chính lưu ý.