Có những đề thi khiến thí sinh làm... ra nước mắt

Mỹ bình |

Nhiều đề thi Văn hiện nay được cho là cố “gồng gánh” cái mới, có độ khó... vượt quá tầm với của học sinh bình thường.

Đề thi "hack não"?

Nhiều ý kiến cho rằng đề thi Ngữ văn lớp 9 dành cho học sinh giỏi cấp thành phố của Hà Nội gây "hại não" khi quá tầm học sinh.

Phần 1 đề thi đưa ra đoạn trích phỏng theo tác phẩm “Khóc giùm” của nước ngoài. Một cô bé đi học về muộn giải thích với mẹ rằng mình phải dừng lại trên đường để giúp một bạn bị hỏng xe đạp. Người mẹ hỏi: “Nhưng con đâu có biết sửa xe?”, cô bé nói: “Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc”. Từ đây, đề thi yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện.

Có những đề thi khiến thí sinh làm... ra nước mắt - Ảnh 1.

Đề thi được cho là quá khó

Chuyên viên Ngữ văn một Phòng Giáo dục & đào tạo tại TP. HCM nhận định nội dung đề thi quá mù mờ. “Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc”, không biết câu này có trích đúng nguyên gốc không vì không rõ nghĩa.

Ở phần 2, đề thi yêu cầu học sinh hiểu như thế nào về nhận định trích trong sách lí luận Văn học (NXB Giáo dục, 2002): "Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem như là “chủ ngữ”, còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem là “vị ngữ” là quá tầm học sinh.

“Muốn làm tốt câu này phải vững lý luận Văn học trong khi đó học sinh lớp 9 lại chưa được học lý luận Văn học. Từ đây nảy sinh tình huống học sinh phải “bơi” và giáo viên phụ trách dạy học sinh giỏi phải dạy trước chương trình để đối phó”, chuyên viên này nói.

Các giáo viên chuyên môn cho rằng, yêu cầu của một đề thi bao giờ cũng phải trả lời được 3 câu hỏi: Cho ai? Nội dung gì? Ra như thế nào? Đề thi không nên chạy theo dư luận mà nên mang hơi thở chung cuộc sống.

“Người ra đề phải có thời gian nhất định, cân nhắc, chỉn chu từ câu chữ đến nội dung và nắm bắt được trình độ học sinh chứ không nên ra theo tùy hứng. Ngay từ đầu đọc đề thi mà có cảm hứng thì học sinh dễ dàng bộc lộ tính sáng tạo. Ngược lại, nếu đề thi đánh đố, thí sinh dễ cảm thấy hoang mang, tính sáng tạo sẽ bị triệt tiêu ngay từ đầu”, vị này nhấn mạnh.

Đề thi thử nhưng... khó thật

Một đề thi tạo "bão" khác là đề thi Ngữ văn kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần 1 của trường THPT Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk). Nhiều ý kiến cho rằng đề thi này quá dài. Với thời gian 90 phút, học sinh được yêu cầu làm cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học là không hợp lý. Ngoài ra, có nhiều câu phải đọc lại nhiều lần mới hiểu, đề thi này chưa thực sự phù hợp với thi thử tốt nghiệp THPT.

Có những đề thi khiến thí sinh làm... ra nước mắt - Ảnh 2.

Đề thi thử nhưng... khó thật

Cụ thể, phần đọc hiểu trích một đoạn văn bản (Gi, Nê-ru, theo Nhân dân chủ nhật, tháng 12-1997, sách Ngữ văn 12 tập 1), từ đó đưa ra 4 câu hỏi.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. HCM) cho biết: “Đề thi chọn ngữ liệu đọc hiểu dài và nội dung khó hiểu. Có thể học sinh phải đọc nhiều lần mới hiểu được nội dung, ý nghĩa văn bản. Đặc biệt, câu hỏi thứ 3 yêu cầu học sinh hiểu như thế nào về câu nói “Một người không thể hiểu được quan điểm của người khác tức là trong một chừng mực nào đó anh ta hạn chế về trí tuệ và văn hóa…” thì rất khó trả lời tốt trong một vấn đề đặt ra không phải là dễ”.

Đến với phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết đoạn văn trong khuôn khổ 200 chữ cũng bị cho rằng rất khó trình bày ngọn ngành, sáng tỏ quan điểm trong giới hạn chữ quá ít.

Những kiểu câu nghị luận xã hội này chỉ phù hợp với một đề thi tuyển chọn học sinh giỏi. Với kỳ thi THPT quốc gia, viết câu nghị luận xã hội là một bài văn thì phù hợp hơn”, thầy Đức Anh nhận định.

Tương tự, câu nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận âm thanh tiếng đàn trong bài thơ "Đàn ghi ta của Lor-ca" (tác giả Thanh Thảo) là quá sức học sinh trong khuôn khổ 90 phút. Chưa kể, kiểu đề này còn bị cho là quá quen thuộc, thậm chí không muốn nói là cũ kỹ.

“Tổng thể đề thi chưa thực sự phù hợp với đề thi thử tốt nghiệp THPT quốc gia. Nếu thi thử mà vừa dài, vừa khá khó thì học sinh có thể cảm thấy hoang mang, lo lắng”, thầy Đức Anh nhấn mạnh.

Khi ra đề, nên chọn đề vừa sức để các em đọc sẽ có cảm hứng muốn làm bài mà không hoang mang, đề phải đảm bảo đánh giá được kiến thức mà học sinh đã học trong chương trình lớp 12. Đề thi trên chưa đảm bảo được một trong những yêu cầu này”, thầy Đỗ Đức Anh nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại