Có một thị trường 580 tỷ USD trên toàn thế giới đang "ngủ quên" tại Việt Nam?

Thế Trần |

Chúng tôi đang nhắc tới thị trường thực phẩm dành cho người Hồi giáo, thị trường mà doanh nghiệp Việt chỉ mới hoạt động ở giai đoạn khởi đầu hoặc bộc phát mà chưa có lộ trình cụ thể.

Bà Nguyễn Phi Vân, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho chính phủ Malaysia, đã có cuộc trò chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam trước khi 10 doanh nghiệp Việt sẽ tham dự triển lãm tại Thái Lan đầu tháng 8 này. Các doanh nghiệp Việt sẽ tham dự hội chợ tại Bangkok là Vinamilk, Vinamit, Minh Long, Thiên Long, Cỏ May…

Trong cuộc trò chuyện với các doanh nghiệp trước khi họ mang các sản phẩm Việt giới thiệu cho bạn bè quốc tế, bà Vân đã nhắc tới thị trường thực phẩm cho người Hồi giáo mà các doanh nghiệp Việt cần chú ý vì đó là mảnh đất rất màu mỡ.

“Thị trường cho người Hồi giáo là một trong những thị trường rất lớn, được xem là một cụm thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay và ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên các doanh nghiệp cần có một chiến lược riêng cho thị trường đạo Hồi”, nữ chuyên gia nói.

Theo bà Vân, thị trường đạo Hồi không chỉ dừng lại trong khu vực ASEAN (ở các nước Indonesia, Malaysia, Brunei)… mà có luôn các thị trường ở Trung Đông, châu Âu…

Bà Phi Vân cho biết, doanh nghiệp thâm nhập thị trường này phải xem thị trường cho người đạo Hồi là một cụm thị trường, có chiến lược chung cho cụm thị trường đó. Sau đó chia ra cụm thị trường này nằm ở khu vực địa lý khác nhau như thế nào để thâm nhập theo từng cụm địa lý.

Khác biệt cơ bản của thị trường đạo Hồi là chứng nhận Halal, những doanh nghiệp Việt làm về mỹ phẩm, thực phẩm cần hết sức quan tâm đến chứng nhận Halal. Bởi không phải cứ có chứng nhận Halal là vào được tất cả các thị trường cho người Hồi giáo, mà nhiều nơi lại có những quy định khác nhau...

Bà Phi Vân khuyên, cách tiếp cận thị trường về mặt địa lý, chuỗi cung ứng, văn hóa… bao giờ cũng dễ dàng hơn, nên doanh nghiệp Việt hãy thâm nhập thị trường đạo Hồi ở ASEAN trước.

Bà Phi Vân phân tích, tại ASEAN khu vực theo đạo Hồi nhiều nhất là Indonesia, nhưng vào thị trường này không dễ, vì đây là một thị trường đang mở cửa, có rất nhiều rào cản về pháp lý, nhập khẩu, nên xin phép rất khó khăn…

Do đó, DN Việt nên vào Malaysia trước, lấy Malaysia làm "bàn đạp" để qua Myanmar, Brunei và sau đó là ảnh hưởng đến Indonesia.

Và doanh nghiệp phải hiểu, đối tượng tiêu dùng mà doanh nghiệp muốn vào tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia nằm ở đâu, ở khu vực nào, thị trường nào lớn, thành phố nào lớn...

Về việc thâm nhập thị trường, chuyên gia Phi Vân chia sẻ thêm, điều mà doanh nghiệp nước khác làm tốt hơn là họ tư duy thị trường tốt, có chiến lược thị trường hay, biết được nhu cầu thị trường đó cần gì, sau đó mới quay ra làm sản phẩm.

Bà Vân khuyên, DNVN cần thay đổi tư duy thiểu kiểu: Bán cái tôi đang có thành tôi chuẩn bị làm ra sản phẩm phù hợp với những thị trường mà tôi muốn đến, như thế mới thành công.

Thị trường thực phẩm cho người Hồi giáo tiềm năng như thế nào?

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từng chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị rằng hiện người theo Hồi giáo chiếm khoảng 25% dân số toàn thế giới, tức khoảng hai tỉ người.

Sản phẩm thực phẩm đặc thù cho người đạo Hồi phải có chứng chỉ Halal và hàng năm các tín đồ đạo Hồi chi khoảng 580 tỉ đô la Mỹ để mua thực phẩm có chứng chỉ này.

Ông Hòe cho biết thêm, các trung tâm tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới nằm ở khu vực Trung và Nam Á với số tiền chi ra mỗi năm cho thực phẩm dạng này khoảng 175 tỉ đô la Mỹ. Kế đến khu vực châu Phi sẽ chi khoảng 115 tỉ đô la Mỹ, Trung Đông chi khoảng 111 tỉ đô la Mỹ, Đông Nam Á chi khoảng 95 tỉ đô la Mỹ.

"Đó là những con số hấp dẫn để ngành thực phẩm đầu tư và có lợi nhuận, cũng là phân khúc thị trường tiềm năng đối với ngành hàng thủy sản", ông Hòe nhận định.

Theo công bố của Diễn đàn Halal thế giới mà ông Hòe dẫn lại thì giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỉ đô la Mỹ. Nếu tính cả nhóm sản phẩm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác thì con số này sẽ đạt từ 1.200 đến 2.000 tỉ đô la Mỹ một năm.

“Ngày nay thực phẩm Halal được công nhận, phổ biến và tiêu dùng rộng rãi đối với cả người tiêu dùng không phải Hồi giáo vì sự bảo đảm về tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh và chất lượng.

Nhãn Halal bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí tôn giáo đã trở thành một trong những tiêu chuẩn mới bảo đảm cho người tiêu dùng về sự an toàn và chất lượng sản phẩm”, ông Hòe nói thêm.

Dẫn các thông số từ Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM), ông Abdullah Abdulrohman, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Halal Việt Nam (có trụ sở tại TPHCM), cho rằng vào năm 2010 toàn thế giới đã có 1,8 tỉ người theo đạo Hồi và con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030, chiếm 27% dân số thế giới.

Ông cũng cho biết, 62% người Hồi giáo sống ở khu vực châu Á nói chung và 127 triệu người Hồi giáo sống ở các nước khu vực Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu thực phẩm Halal đến 80%. Vì vậy, ông nhận định đây là một thị trường lớn, rất tiềm năng.

Tuy nhiên, việc xâm nhập thị trường thực phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua chỉ mang tính khởi đầu và bột phát, chưa có lộ trình cụ thể.

Vì thực tế cho thấy, việc xuất khẩu mặt hàng có chứng nhận Halal của Việt Nam sang thị trường Hồi giáo đang gặp khó khăn, do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu hàng lương thực, thực phẩm thiếu thông tin về yêu cầu và chất lượng đối với sản phẩm Halal; việc quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm Halal của Việt Nam đối với cộng đồng Hồi giáo thế giới chưa được chú trọng.

Một sản phẩm được chứng nhận Halal phải đáp ứng các yêu cầu về nguyên liệu sản xuất, ví dụ như các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật thủy hải sản, hóa vô cơ, không sử dụng cồn dươi mọi hình thức; không sử dụng nguyên liệu động vật bị cấm và/hoặc giết mổ không theo nghi lễ Hồi giáo (zabihah).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại