Quang cảnh chung bên trong Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg (Pháp) vào ngày 11-5-2016. Ảnh: Christopher Furlong
Nghị quyết trên được đưa ra bởi một số nghị sĩ Hungary , bao gồm cả một số thành viên đảng Fidesz của Thủ tướng Orban. Mục đích của nghị quyết nhằm tìm cách giải tán Nghị viện châu Âu theo hình thức hiện tại, cũng như yêu cầu quyền phủ quyết cho các quốc gia thành viên đối với bất kỳ dự luật nào của EURO, theo đài RT của Nga.
"EU phải thay đổi bởi vì nó không được chuẩn bị để đối mặt với những thách thức ngày nay" - nghị quyết được công bố trên trang web của quốc hội Hungary nhấn mạnh, đồng thời còn chỉ trích các biện pháp trừng phạt "thiếu cân nhắc" của EU đối với Nga liên quan xung đột ở Ukraine.
Nghị quyết trên được 130 nghị sĩ ủng hộ (50 nghị sĩ phản đối) cũng chỉ trích rằng tình trạng suy thoái kinh tế của khối đã làm ảnh hưởng tới công dân Hungary.
Nghị quyết nhấn mạnh "chỉ các quốc gia thành viên mạnh mẽ và có năng lực mới có thể bảo vệ công dân của họ". Do vậy, nhiệm vụ của EU phải hướng tới việc ủng hộ các thành viên "quản lý khủng hoảng hiệu quả". Nghị quyết cũng nói thêm rằng khuôn khổ hiệp ước của EU "không còn phù hợp để làm cơ sở hợp tác trong kỷ nguyên khủng hoảng".
Các nghị sĩ Hungary sau đó yêu cầu đánh giá lại những Hiệp ước của EU để đảm bảo về mặt pháp lý "tính trung lập về chính trị và ý thức hệ" của Ủy ban châu Âu và tổ chức lại Nghị viện châu Âu. Điều này để các nghị sĩ được cơ quan lập pháp tại các quốc gia thành viên lựa chọn thay vì thông qua bầu cử trực tiếp.
Quốc hội của các quốc gia thành viên EU cũng nên có quyền phủ quyết "những dự luật vô ích của EU", cũng như mở rộng quyền đề xuất các dự luật mới ở cấp độ EU cho các chính phủ và nhà lập pháp ở các nước thành viên, vẫn nội dung trong nghị quyết của Hungary có đoạn.
Ngoài ra, nghị quyết còn đưa ra một số đề xuất khác như xây dựng "quân đội chung châu Âu" nhằm đảm bảo lục địa này có thể "tự vệ", cũng như bảo vệ các dân tộc thiểu số bản địa ở châu Âu; công nhận nguồn gốc văn hóa và Cơ đốc giáo của châu Âu là "cơ sở của hội nhập châu Âu". Hội nhập cũng không nên được coi là "mục tiêu tự thân" mà đóng vai trò là "phương tiện" để hỗ trợ "tự do quốc gia" của các quốc gia thành viên.
Nghị quyết được quốc hội Hungary thông qua tiếp sau Hội nghị về tương lai châu Âu kéo dài từ 4-2021 đến 5-2022 với các cuộc tranh luận từ các công dân đến từ các quốc gia thành viên EU, nhằm chia sẻ ý tưởng và giúp định hình tương lai chung của khối.
Báo cáo tổng kết của Hội nghị đã kêu gọi hội nhập sâu rộng hơn và "hài hòa hơn" trong EU. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của việc xoá bỏ nguyên tắc nhất trí để ủng hộ "việc ra quyết định của đa số đủ điều kiện" trong một số lĩnh vực từ giáo dục đến Chính sách An ninh và Đối ngoại chung.
Hungary đã chỉ trích báo cáo này và nói rằng hội nghị đã trở thành "một công cụ" cho các lực lượng "quan tâm đến việc xóa bỏ chủ quyền của các quốc gia thành viên và tăng cường quyền lực của bộ máy EU", theo RT.
Chính quyền của Thủ tướng Orban gần đây đã mâu thuẫn với Brussels về một số vấn đề, đặc biệt là đối với các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Moscow liên quan đến xung đột tại Ukraine.