Có một Qatar "bị mắc kẹt" ngay trong lòng đất nước giàu có bậc nhất thế giới

Lam Thiên |

Qatar giàu có và mê đắm với những người dân bản địa và khách du lịch, khi hầu hết các dịch vụ ở đây luôn đạt mức 5 sao. Những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập bình quân đẹp đến mức người ta nghĩ mọi thứ ở Qatar là dễ dàng cho tất cả...

Thị thực - cánh cửa duy nhất dẫn tới thiên đường

Joe - một lái xe thuê - đến từ Philippines. Công cụ làm việc của anh là một chiếc BMW - không phải dòng xe mới và phổ biến tại Doha - nhưng anh gây ấn tượng với cây viết Christopher Wink bởi sự thân thiện của mình.

Đoạn đường Joe chở Wink từ trung tâm hội nghị tới khách sạn đi qua rất nhiều công trình dang dở mà Qatar xây dựng để chuẩn bị cho World Cup 2022. Khi được khách hàng hỏi liệu có thấy Qatar thích hợp để tổ chức World Cup, dưới khí hậu khắc nghiệt và hạ tầng như vậy, Joe cười nói: "Có thể".

Có một Qatar bị mắc kẹt ngay trong lòng đất nước giàu có bậc nhất thế giới - Ảnh 1.

Qatar giàu có, nhưng không phải là "thiên đường" với tất cả mọi người.

Nếu tính toán trên những con số về thu nhập, GDP và tiềm lực tài chính, Qatar hẳn là một sự lựa chọn không tồi. Thế nhưng, sự thờ ơ và nụ cười nhợt nhạt trên môi Joe khiến Wick suy ngẫm nhiều hơn thế.

Tính đến tháng 7/2016, Qatar có 2,1 triệu dân, trong đó có 300.000 người bản địa. 94% lựu lượng lao động của quốc gia này có hộ chiếu nước ngoài. Họ làm trong nhiều lĩnh vực, từ thương nhân, doanh nhân đầu tư, những nhà trí thức hoặc những người làm việc chân tay (như Joe).

Với người dân bản địa và những người có thị thực, chính quyền hoàng gia duy trì một chế độ phúc lợi như trong mơ: được hỗ trợ xe hơi, miễn phí giáo dục, chăm sóc y tế. Với những doanh nhân đầu tư vào Qatar, mức thuế thấp nhất thế giới là món quà đủ lớn đối với họ. Giới trí thức thì nhận lương cao, hầu như không lo thất nghiệp tại một quốc gia có tỷ lệ người không có việc làm chỉ 0,1%.

Nhưng giống như người anh em Dubai, ở Qatar cũng có những con người "bị mắc kẹt", giữa chi phí sinh hoạt đắt đỏ và tấm hộ chiếu bị tước đoạt.

Mắc kẹt ở Qatar

Mỗi năm, có hơn 13,8 tỷ USD tiền kiều hối chảy từ Qatar tới các nước như Ấn Độ, Pakistan, Nepal... Khi Wink hỏi Joe về việc ngồi trong chiếc xe BMW đắt đỏ này có giúp anh kiếm được nhiều hơn công việc vốn có ở Philippine hay không, Joe (vẫn với nụ cười nhợt nhạt) trả lời "Có thể".

Theo tìm hiểu của Wink với những lái xe người Philippines khác, họ đều tốt nghiệp cử nhân tại đất nước của mình. Nghe theo những công ty tuyển dụng lao động, họ ký hợp đồng, bay tới Qatar với mong muốn cải thiện thu nhập.

Khi tới nơi, những chủ lao động thu lại hộ chiếu của các lao động mới nhập cư, đưa ra bản hợp đồng thiếu hụt mọi điều khoản quan trọng: không có thời hạn xét tăng lương, không trợ cấp, không đãi ngộ.

Không thị thực, cũng đồng nghĩa với việc không được bảo hộ. Joe, Arvin và Bayani xin được ở lại lái xe. Họ sống trong những khu nhà tập trung cho công nhân, một nơi cách rất xa Doha lộng lẫy, chỉ đến được nhờ những chiếc xe tải lăn bánh trên những con đường đầy rác và cát nóng.

Joe kiếm được khoảng 320 USD một tuần, tức hơn 1.200 USD một tháng, con số không hề tệ so với các đồng nghiệp. Nhưng nếu so sánh với số tiền mà một du khách phải trả để có thể được thụ hưởng các dịch vụ "chuẩn Qatar", 1.200 USD ấy chỉ tạm đủ cầm cự được 1 tuần.

14% cư dân bản địa của Qatar là triệu phú, một tỷ lệ lớn nhất thế giới. Ngay cả với 85% trong tổng dân số 2,1 triệu người đang sống tại quốc gia vùng vịnh này vốn là người di cư, những lao động chính, thì chỉ chưa đầy 1% trong đó phải chịu cảnh sống dưới chuẩn nghèo. Ấy thế nhưng sống không dưới chuẩn nghèo và tiết kiệm được một món tiền để mua sắm thứ gì khác ngoài quần áo và đồ ăn là không dễ.

"Đắt đỏ, rất đắt đỏ, tất cả mọi thứ", Arvin tâm sự.

Đường chân trời Doha sáng rực rỡ trong chiều tà khi hoàng hôn hắt nắng muộn lên hàng triệu tấm kính của những công trình chọc trời lúc Joe lái xe đưa Christopher Wink về gần khách sạn. Với những người lao động nhập cư tại Qatar, câu hỏi quan trọng nhất với họ mỗi ngày có lẽ là "đến vùng Vịnh liệu có xứng đáng không, với mức lương ấy?".

- Nếu được lựa chọn, anh có muốn rời khỏi Qatar để trở về quê nhà Philippines không?

Im lặng một lát, Joe cười khẽ:

- Có lẽ không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại