1. Sự tỏa sáng của bộ đôi Hà Đức Chinh - Tiến Linh có lẽ đã nằm trong sự tính toán của HLV Park Hang-seo, khi mà các đối thủ của U22 Việt Nam ở SEA Games 30 không quá mạnh, thậm chí là rất yếu so với đà lớn mạnh của các cầu thủ trẻ Việt Nam, nhưng để cặp tiền đạo này tỏa sáng cùng nhau, có lẽ nó lại đến từ "cái khó ló cái khôn".
Trận đấu với U22 Singapore, Quang Hải chấn thương rời sân ở phút 18. Đây là trận đấu then chốt mà U22 Việt Nam buộc phải thắng để thảnh thơi bước vào trận cuối với U22 Thái Lan. HLV Park Hang-seo tung Tiến Linh vào sân đá cặp cùng Hà Đức Chinh. Trước thời điểm ấy, trong suốt hơn 4 trận đã đá ở SEA Games 30, Tiến Linh và Đức Chinh chưa từng đá cùng nhau.
Đến trận gặp Thái Lan, đến lượt Đức Chinh được tung vào sân đá cùng Tiến Linh ở phút 19. Thời điểm ấy, U22 Việt Nam của thầy Park đang sớm bị thủng lưới đến 2 bàn.
Cả hai trận đấu ấy, Đức Chinh và Tiến Linh thay nhau ghi bàn, và U22 Việt Nam đều có được bàn thắng khi hai chân sút này chơi cạnh nhau trên hàng công. Từ việc sử dụng cặp tiền đạo này một cách bắt buộc, thầy Park tìm được "vận son" của mình nơi cách bố trí này.
Trận bán kết trước U22 Campuchia và chung kết trước U22 Indonesia, ông Park tiếp tục bố trí Hà Đức Chinh và Tiến Linh đá chính. Hai trận đấu ấy, U22 Việt Nam toàn thắng, ghi 7 bàn và đoạt ngôi vô địch đầy xứng đáng.
Bốn trận đấu mà hai tiền đạo này được chơi cùng nhau, U22 Việt Nam ghi được 10 bàn, trong đó Đức Chinh ghi 4 bàn, Tiến Linh ghi 3 bàn. Từ phương án dự phòng bất đắc dĩ, họ trở thành "phương án 1" đầy sáng sủa cho U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo chinh phục VCK U23 châu Á 2020. Từ 3-4-3 quen thuộc, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã quyết định thử nghiệm hệ thống 3-5-2 ở đợt tập huấn trước giải đấu này.
2. Song SEA Games là một chuyện, còn VCK U23 châu Á lại là câu chuyện có khi lại khác hẳn. Hai năm về trước, U23 Việt Nam từng lập kỳ tích lẫy lừng, đoạt ngôi Á quân châu Á với không ít tiền đạo "tên tuổi" trong đội hình, như Công Phượng, Phan Văn Đức, Hà Đức Chinh, nhưng rốt cuộc tất cả đều phải nép mình dưới "cái bóng" vĩ đại của Quang Hải.
Giải đấu hai năm về trước ấy, U23 Việt Nam ghi được tổng cộng 8 bàn thắng, trong đó Quang Hải ghi đến 5 bàn, và nếu chỉ tính số bàn thắng ghi được trong 90 phút thi đấu chính thức, thì Quang Hải ghi đến 5/6 bàn thắng cả giải của U23 Việt Nam.
Nếu Quang Hải không ghi bàn duy nhất trong trận gặp U23 Australia, thầy trò HLV Park Hang-seo đã có thể bị loại ngay ở vòng đấu bảng. Nếu Quang Hải không ghi cả hai bàn thắng trong trận bán kết gặp U23 Qatar, có thể U23 Việt Nam đã không thể vào chơi trận chung kết cùng U23 Uzbekistan.
Những bàn thắng của Quang Hải ở VCK U23 châu Á 2018 bị khuất sau sự nổi bật về mặt cầm trịch lối chơi, cũng như đóng vai trò linh hồn của U23 Việt Nam, nhưng nó cũng chứng minh một điều rằng trước các đối thủ mạnh tầm châu lục, thầy trò HLV Park Hang-seo cần những khoảnh khắc tỏa sáng xuất thần để thu về những kết quả tốt, ngoài lối chơi hợp lý và sự gắn kết, tinh thần chiến đấu máu lửa của các cầu thủ.
VCK U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam mất đi Văn Hậu - cầu thủ kiến tạo cho Quang Hải ghi bàn thắng đầu tiên ở giải đấu 2 năm về trước. Vắng Văn Hậu, sự nguy hiểm ở cánh trái của U23 Việt Nam cũng sẽ giảm đi rất nhiều khi hậu vệ người Thái Bình này chơi cực kỳ cơ động, công thủ toàn diện, đem lại sự yên tâm lớn cho HLV Park Hang-seo.
Chuyển từ 3-4-3 sang 3-5-2, ông thầy người Hàn Quốc sẽ phải chấp nhận sự rủi ro rất lớn khi đối đầu với các đội bóng mạnh, khi lối chơi phòng ngự chặt chẽ làm nên thành công của ông cùng bóng đá Việt Nam suốt hơn 2 năm nay có thể sẽ bị phá vỡ bởi Quang Hải đang không có được phong độ tốt khi vừa mới bình phục chấn thương.
Mất Quang Hải, U22 Việt Nam vẫn có thể mạnh mẽ vượt qua được các đối thủ Đông Nam Á để lên ngôi vô địch SEA Games, nhưng trước các đối thủ tầm châu Á, ở giải đấu có sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt để tranh chiếc vé dự Olympic, dẫu có dùng "khẩu súng hai nòng" mang tên Đức Chinh - Tiến Linh hay không, thầy Park vẫn cần sự tỏa sáng xuất thần của Quang Hải.
Để Quang Hải có thể tỏa sáng rực rỡ như 2 năm về trước trong điều kiện vừa bình phục chấn thương, cũng như sẽ nhận được sự chăm sóc cực kỳ chu đáo của các hậu vệ đối phương, đang là "nhiệm vụ bất khả thi" của HLV Park Hang-seo. Nhưng suốt hai năm qua, có "nhiệm vụ bất khả thi" nào mà thầy Park chưa từng làm được?
"Hồi sinh" Quang Hải, hay cho cả châu Á thấy sự lợi hại của "khẩu súng hai nòng" Đức Chinh - Tiến Linh, lại phải chờ thầy Park thêm lần nữa khiến cả châu Á phải kinh ngạc thêm lần nữa vậy!