Bà Vũ Thị Dành (84 tuổi), làm một cái thiệp để tặng chồng là ông Nguyễn Đình Bưởi (91 tuổi), hiện đang nằm ở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội). Bà vừa cười vừa nói: "Em tặng cho ông cả một cuộc đời luôn rồi chứ không phải mỗi cái thiệp".
Ông dễ xúc động, nên nghe bà nói xong ông chực chờ khóc luôn. Thấy vậy bà liền tiến lại ôm rồi vỗ vai, xoa đầu để dỗ ông. Chứng kiến cảnh tượng ấy, dù đã quen nhưng những điều dưỡng ở trung tâm vẫn không khỏi xúc động. Các chị vẫn nhiều lần bảo nhau, ước gì cũng được như ông bà.
Có một chuyện tình ở trung tâm dưỡng lão, bên nhau một đời ngày nào cũng quấn quýt.
Qua lời kể của những người chăm sóc ông bà tại viện, cặp vợ chồng già quê ở Hải Dương, đã đến trung tâm từ cuối năm 2019.
"Từ ngày vào trung tâm là ông bị tai biến, phải nằm tại giường, mọi sinh hoạt đều được các bạn nhân viên hỗ trợ. Còn bà thì vẫn tự sinh hoạt được, nên bà muốn làm mọi thứ cho ông. Từ việc tắm rửa gội đầu, nấu cháo, bà vẫn cùng với điều dưỡng làm cho ông.
Mặc dù bị tai biến nhưng ông rất tỉnh táo, ông không muốn đi đâu nếu không có bà đi cùng. Mỗi lần đi đâu bà đều thủ thỉ với ông: "Ông ở nhà với các cháu điều dưỡng, em đi một lát rồi về với ông". Dạo trước bà bị đau cột sống phải sang cơ sở khác để tập luyện, nên ngày nào bà cũng gọi video về để nói chuyện với ông", đại diện trung tâm kể lại.
Dù đã có các điều dưỡng nhưng bà Dành vẫn muốn tự tay chăm sóc cho chồng.
Khi ai hỏi về đám cưới của mình, bà Dành thường ngồi trầm ngâm rồi kể lại cái thời đói rách nhưng chẳng khi nào ông bà thiếu tình yêu. Năm 1958, sau đám cưới đơn giản, bà theo ông lên Hà Nội. Ngày bà mang thai đứa con đầu lòng cũng là lúc ông nhận quyết định công tác trên Lào Cai. Mãi đến khi con được 7 tháng thì ông mới được về thăm nhà, nhưng về rồi lại đi luôn.
Đến năm 1962, bà chuyển lên Lào Cai làm với ông. Thời gian qua đi, ông bà cùng nhau nuôi dưỡng 4 người con. Đến khi về hưu, không còn nhà ông bà quyết định về Hải Dương tự khai phá, làm ăn.
Nắm tay nhau khi qua không biết bao nhiêu khó khăn của cuộc đời, ông bà chưa từng cãi vã to tiếng hay va chạm gì. Cũng có những bất đồng nho nhỏ nhưng khi cùng nhau chăm sóc các con thì đâu lại vào đấy. Bà bảo, mình cũng ý thức được phải sống làm sao để các con nhìn vào, sống mẫu mực để làm gương cho con, không để gia đình bị tổn thương làm ảnh hưởng đến các con, các cháu.
Đến lúc các con lớn lại chỉ còn 2 ông bà cùng nhau ăn, cùng nhau làm, tôn trọng lẫn nhau. Về già bà và ông còn tình cảm hơn lúc trẻ. Cả hai quấn quýt chẳng mấy khi rời, bà vẫn xoa lưng, bóp tay chân cho ông khi nhức mỏi, khẽ ôm hay vỗ về mỗi khi chăm sóc ông. Tiếng gọi "ông", xưng "em" khiến cả trung tâm bật cười rồi ngưỡng mộ và xúc động.