Cơ hội và thách thức ở Trung Đông trong năm 2018

Vân Anh |

Liệu năm 2018 “lò lửa” Trung Đông sẽ tiếp tục nóng? Mặc dù sự hoài nghi là có thể hiểu được, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, sẽ có sự thay đổi.

Mặt trận Syria

Cuộc chiến chống IS gần như đã qua, cuộc chiến ở Syria cũng đi đến hồi kết thúc. Chính phủ Syria kiểm soát các khu vực trọng điểm giành lại được từ tay IS. Tuy nhiên, máu sẽ còn đổ nếu quân đội Syria tiếp tục chiếm giữ những khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy, kể cả một số nơi gần thủ đô và ở tỉnh Idlib phía bắc. Mặc dù vậy, lệnh ngừng bắn do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp đã làm giảm đáng kể giao tranh hằng ngày.

Syria đang trong giai đoạn chuyển từ chiến tranh sang khắc phục hậu quả chiến tranh. Thiệt hại về người và của ở Syria sau 7 năm chiến tranh là khổng lồ, với gần nửa triệu người thiệt mạng, hàng chục nghìn người mất tích, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề.

Tổng thống Bashar al-Assad trụ vững, nhưng số phận của ông chưa được đảm bảo. Được sự hậu thuẫn của Nga và Iran, ông al-Assad dường như chiến thắng trong cuộc chiến này, nhưng quá nhiều những đối thủ giận dữ đang quay sang các nhóm cực đoan như al-Qaeda và IS, tạo cớ để Mỹ và phương Tây quay trở lại và mạo hiểm với Nga. Kết cục ở Syria thế nào trong năm 2018 vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Chiến trường Tigris

Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã được tuyên cáo chấm dứt sau 4 năm. Những hành động tàn ác của IS như biến phụ nữ thành nô lệ, thảm sát rùng rợn, khủng bố hàng loạt đã khiến phần lớn Iraq chìm trong bạo lực và đổ nát. Cuộc chiến do liên minh Mỹ dẫn đầu diễn ra ác liệt ở Fallujah, Ramadi, Hawija, Tal Afar và cuối cùng là Mosul. Liệu Iraq có tái thiết được trong năm 2018 sẽ là câu hỏi quan trọng, chỉ được trả lời khi Baghdad giành lại được quyền điều hành đất nước.

Theo AP, Chính phủ Iraq đang thiếu tiền mặt ước tính cần 100 tỉ USD, trong khi giới chức ở Mosul cho biết số tiền đó chỉ đủ để tái thiết thành phố này. Khoản tiền này ở đâu ra vẫn chưa rõ ràng, và Mỹ - nước dẫn đầu liên minh giội xuống Mosul khoảng 27.700 quả bom từ tháng 10.2016 đến tháng 7.2017 - dường như đang phủi tay.

Trong khi 2,7 triệu người Iraq đã quay trở về các vùng đất giành lại được từ IS thì hơn 3 triệu người khác không thể, trong đó có khoảng 600.000 người Mosul. Hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng. Theo giới chức Ramadi, hơn 70% diện tích thành phố này bị phá hủy hoặc hư hỏng. Các khu vực bị phá hủy phần lớn là của người Sunni, trong khi chính phủ Baghdad do người Shiite chiếm ưu thế. Nếu những nỗ lực tái thiết thất bại, các khu vực của người Sunni có thể sẽ náo loạn một lần nữa.

Saudi Arabia

Saudi Arabia hiện đang ở trong giai đoạn thay đổi. Thái tử 32 tuổi Mohammed bin Salman của Vương quốc Saudi Arabia, người dự kiến sẽ được chính thức nối ngôi vào năm 2018, mới đây đã thề sẽ đưa đất nước này trở về với đạo Hồi ôn hòa, nói rằng, tình trạng quá bảo thủ ở nước ông là bất bình thường trong 30 năm qua.

Ông đồng thời yêu cầu quốc tế ủng hộ việc chuyển đổi vương quốc này thành một xã hội cởi mở, trao quyền cho công dân và thu hút các nhà đầu tư. Mới đây nhất, Saudi Arabia đã bỏ những lệnh cấm kéo dài 3-4 thập kỷ qua như cấm phụ nữ lái xe, đồng thời cho mở cửa trở lại các rạp chiếu phim. Thái tử cũng là người đứng sau các vụ bắt giữ hàng loạt hoàng tử khác vì cáo buộc tham nhũng.

Saudi Arabia đi đầu trong cuộc chiến ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố và quá thân thiết với Iran. Cuộc chiến Syria, ở một góc độ nào đó, được xem là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran, khi Tehran ủng hộ Tổng thống ai-Assad, còn Riyadh hậu thuẫn phe nổi dậy.

Tại Yemen, nơi Saudi Arabia ủng hộ chính phủ bằng các cuộc không kích chống phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn, hàng nghìn thường dân thiệt mạng. Vì vậy, mối đe dọa của Saudi Arabia với Iran và các nước theo dòng Sunni khác khiến một số nhà quan sát cho rằng nó sẽ vượt qua cả sự chống đối Do Thái.

Thỏa thuận cuối cùng về Jerusalem?

Có lẽ điểm nóng nhất ở Trung Đông vào cuối năm 2017 và tiếp diễn trong 2018 là Jerusalem. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nói đến “thỏa thuận cuối cùng”. Nhưng thật khó để tưởng tượng ngay cả khi một nhà lãnh đạo Israel ôn hòa hơn có thể đáp ứng các điều khoản của Palestine, bao gồm cả chia sẻ Jerusalem và Thành cổ.

Ngay cả khi hai bên có đồng ý theo một cách nào đó, thì Israel và Nhà nước Palestine tương lai vẫn cần có đường biên giới chạy qua thành phố này. Và người Palestine sẽ đòi hỏi sự công nhận ít nhất là “quyền trở về” trên lý thuyết của hàng triệu con cháu người tị nạn.

Hai thập kỷ của các cuộc đàm phán thất bại sẽ tiếp tục kéo dài. Trong bối cảnh không mấy hứa hẹn này, nhiều người Palestine đang nói về việc dẹp bỏ chiến lược của hai quốc gia và thay vì thế yêu cầu sáp nhập và thực hiện các quyền bình đẳng. Nhưng điều này thực sự còn khó khăn hơn nhiều lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại