Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người H'Mông và những chuyện dở khóc, dở cười

Trình Ca |

Đường đến lớp lầy lội, không có điện, bất đồng ngôn ngữ... đó là vài khó khăn trong hành trình lên vùng cao giảng dạy của cô giáo miền xuôi.

Tâm sự của cô giáo vùng cao

Mới đây, một cô giáo ở trường mầm non vùng sâu vùng xa đăng tải câu chuyện nghề nghiệp trong group đông thành viên trên facebook.

"Chào các bạn, không có việc gì làm nên lên đây kể chuyện "Lớp học song ngữ" của mình cho các bạn nghe.

Học sinh của mình 100% dân tộc H'Mông và không biết nói tiếng phổ thông, à cả lớp biết nói từ "Nhớ". Cô nhắc gì kệ cô, miễn đằng sau có câu "Nhớ chưa" là cả lớp đồng thanh "Nhớ". Mình biết học sinh chẳng hiểu câu đó là gì đâu.

Thường các em thứ 6 không mang cơm ăn vì trưa cô giáo về. Tuần ấy nắng, đường dễ đi nên mình định dạy cả chiều thứ 6. Chiều thứ 5 nhắc học trò: "Mai cả lớp mang cơm đi nhớ chưa?". Cả lớp đồng thanh "Nhớ" và biết sao không? Hôm sau chẳng ai mang đi cả.

Đến tầm 9 giờ mình hỏi: "Sao lớp mình hôm nay không mang cơm?" thì nhao nhao lên: "Cô gió cú chi mùa máu, cô gió cú chi mùa máu".

Mới lên nên mình chả hiểu nói cái gì, nghĩ học sinh muốn đi vệ sinh nên gật đầu. Chỉ chờ có thế các em ùa ra cổng như bầy ong vỡ tổ. Cô đứng mồm chỉ biết "ơ ơ" và chẳng còn ai để dạy nữa.

Cô bảo lấy vở tập tô thì học sinh cất ghế.

Cô bảo rải chiếu thì đi kê bàn

Cô bảo đi lấy khăn thì đi thẳng ra cổng và cô cũng không biết định đi đâu.

Còn rất nhiều chuyện dở khóc, dở cười nữa. Giờ là 18h41 phút, mình định đi ngủ.

Ở trên này có hôm mình ngủ từ lúc hơn 17h chiều. Trên này sương mù suốt, mùa Đông tối đến rất sớm, điện không có chẳng biết làm gì.

Thanh xuân của mình đó, ở một nơi như thế này, nhiều lúc đi đường ngã xe cũng nghĩ hay là bỏ. Nhưng nhiều lúc vui vẻ lắm, có củ khoai, quả hồng rừng hay con chuột cũng đem cho, mặc dù sợ chứ nói gì đến ăn".

Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người HMông và những chuyện dở khóc, dở cười - Ảnh 3.

Trường học năm ngoái.

Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người HMông và những chuyện dở khóc, dở cười - Ảnh 2.

Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người HMông và những chuyện dở khóc, dở cười - Ảnh 1.

Hiện tại, trường được chuyển sang lớp học có nền gạch hoa.

Những đêm nằm khóc vì nhớ ngày ở Hà Nội

Cô giáo đã viết những dòng tâm sự tên là Hưng sinh năm 1994. Hưng tốt nghiệp trường Sư phạm Yên Bái, dạy học ở Hà Nội một năm rồi về quê công tác gần một năm nay.

Cô giáo trẻ dạy ở trường mầm non tại Giằng Pằng, điểm lẻ gần như xa nhất của trường Mầm non Sùng Đô, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người HMông và những chuyện dở khóc, dở cười - Ảnh 4.

Cô giáo Hưng ở trong lớp học.

"Lúc quyết định về quê dạy, em nghĩ về cho gần bố, gần mẹ. Nhà chẳng khá giả gì, nếu không muốn nói là nghèo nên cũng chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ lên vùng cao. Em làm hồ sơ xét duyệt và được phân về đó.

Đang dạy ở Hà Nội nhộn nhịp về miền núi em cũng chán lắm. Em tìm hiểu kỹ, xác định vùng núi thì hoàn cảnh nhưng đến thấy còn "thảm" hơn tưởng tượng. Em chẳng nghĩ còn có một nơi như vậy.

Ở đó cực kỳ nghèo khổ. Phòng học vách gỗ, các em đi học hi hữu lắm mới có miếng thịt mỡ còn không chỉ ăn măng ớt. Bố mẹ sinh đẻ nhiều nên chẳng quan tâm được. Các bé bẩn lấm lem. Đầu có khi từ lúc sinh ra đến giờ chưa gội qua một lần. Em chỉ biết dùng từ "Khổ kinh khủng" để miêu tả.

Trên đó không có điện, nhà dân có điện chạy máy nước nên cũng xin dùng nhờ nhưng lâu lâu lại hỏng. Điện chỉ cắm được cái bóng để thắp sáng.

Đường đi bùn, lầy lội kinh khủng. Đến bây giờ em đi vẫn bị ngã suốt. Có lần ngã chống tay, đau quá mới nói với mẹ. Em không dám kể nhiều chuyện buồn chán ở đó. Thi thoảng nói với gia đình học sinh rất khổ, bố mẹ chép miệng "Tội các cháu quá" chứ biết làm sao", cô giáo Hưng tâm sự.

Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người HMông và những chuyện dở khóc, dở cười - Ảnh 5.

Hình ảnh con đường lầy lội.

Đang ở Hà Nội dạy học, Hưng quyết về quê và đến điểm trường vùng sâu vùng xa. Đối với cô, đó là sự thay đổi lớn, không dễ gì thích ứng nổi. Nhiều lúc buồn, sợ hãi nhưng Hưng cũng chẳng rõ động lực nào giúp kiên trì bám lớp gần năm qua.

"Nơi hẻo lánh vậy mà có lần em ngủ một mình nguyên tuần. Đêm ngủ tỉnh 5,6 lần cầu mong trời sáng vì sợ. Hôm sau không nghĩ mình đã trải qua một đêm vậy. Nhưng có một tối thì có hai tối, những ngày như thế cũng qua.

Nhiều lúc em ngồi dậy khóc một mình. Chẳng phải khóc vì khổ sở mà nhớ đám trẻ con ở Hà Nội. Các bé hay nói lời âu yếm, yêu thương cô giáo. Học sinh trên này không thể hiện tình cảm vậy.

Em biết các bé cũng yêu cô giáo nhưng không biết cách bộc lộ cảm xúc. Cứ cuối tuần bé lại bảo: "Thứ Hai cô gió tụa nhé" (Thứ Hai cô giáo lên nhé). Chúng nói đi, nói lại như sợ cô về không lên nữa".

Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người HMông và những chuyện dở khóc, dở cười - Ảnh 7.

Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người HMông và những chuyện dở khóc, dở cười - Ảnh 6.

Các bé ở lớp mầm non.

Trong hoàn cảnh như vậy nhưng có nhiều lúc Hưng phải rưng rưng xúc động với tấm lòng của các bậc phụ huynh nơi đây.

"Học sinh và các phụ huynh quý cô giáo lắm, cũng hay mang đồ sang tặng, lúc thì rau dớn, lúc bó đậu già.

Có một một phụ huynh đi rừng về hái được quả hồng rừng. Em biết là ăn được nhưng quả chín quá, bị nát rồi, lại được gói trong cái vạt áo cáu bẩn đến mức không thấy màu nữa nên hơi ngại.

Chú bảo: "Cô gió ơi tao cho cô gió đấy. Cô gió ăn đi". Em bảo: "Cô giáo không biết ăn quả này đâu. Chú mang về cho bọn trẻ ăn nhé". Chú nói luôn: "Cô gió ăn đi, chết tao chịu". Sau đó em cũng nhận rồi mang lên lớp chia cho cả học sinh cùng ăn nữa".

Cô giáo miền xuôi với lớp toàn học sinh người HMông và những chuyện dở khóc, dở cười - Ảnh 8.

Các bé trong ngày trời nắng hiếm hoi.

Dạy dỗ học trò, gần gũi với những đứa trẻ vùng cao, ước mong của Hưng vào mùa Đông này cũng chỉ xoay quanh các bé.

"Em chỉ mong các con có đủ áo ấm mặc và dép đeo đầy đủ trong mùa Đông, bữa cơm được cải thiện nữa. Các con bé tí nhưng suốt ngày ăn măng ớt tội lắm. Em cũng hi vọng các con sẽ có nhiều đồ chơi để hoạt động. Nói chung, em có nhiều, nhiều những ước mong cho các bé mầm non ở đây lắm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại