Cô giáo mắc ung thư và hành trình thiện nguyện giúp đỡ trẻ em nghèo

PHẠM ĐÔNG |

Gần như suy sụp khi biết tin mình đang mang căn bệnh ung thư, nhưng với khát vọng sống mãnh liệt, cô giáo Ngô Kim Loan đã dũng cảm vươn lên chiến đấu với nghịch cảnh. Hơn 7 năm đối diện với “bản án” cận tử, cô Loan đã dùng chính câu chuyện của mình để tiếp nối hành trình thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao và truyền năng lượng tích cực đến cộng đồng.

Khi ung thư không phải dấu chấm hết

Với vóc dáng mảnh khảnh, nhưng khi kể về hành trình 7 năm đối diện với căn bệnh ung thư quái ác, cô giáo Ngô Kim Loan (sinh năm 1976, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) vẫn giữ cho mình sự điềm tĩnh và niềm lạc quan đến kỳ lạ.

Đó là những lần cô ngã quỵ rồi lại tự vực dậy một cách phi thường, những lần tưởng đã chạm đến tận cùng nỗi đau nhưng nó giúp cô thêm vững tin và nhìn nhận cuộc sống với thái độ bình thản hơn.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương, cô Loan đã đăng ký thành lập nên Trường mầm non tư thục Tú Chi, nuôi dạy trẻ em ở địa phương.

Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua, đến năm 2012, cô nhận được tin sét đánh khi phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 3.

Bầu trời như sụp đổ trước số phận của cô giáo trẻ, những ngày đầu biết bệnh, cô Loan chỉ biết khóc và sống thu mình, chịu đựng những cơn đau quặn thắt đang hành hạ cơ thể.

Cô giáo Ngô Kim Loan tâm sự: “Có những đêm căn bệnh hành hạ thân xác khiến tôi phải ngồi để ngủ. Nhưng chính những ngày sống trong nỗi đau và sự cùng cực ấy, giúp cho tôi càng thêm thấu hiểu, đồng cảm hơn với những số phận cùng cảnh ngộ.

Mỗi lần đi khám bệnh, đi truyền hóa chất định kỳ ở viện K, chứng kiến cảnh những người bệnh tiều tụy nằm vật vạ sau những cơn đau, trên tay chỉ có vỏn vẹn một nắm cơm trắng và một chút muối vừng mà lòng tôi như nghẹn đắng.

Ung thư không phải là dấu chấm hết mà nó là động lực giúp cho tôi sống tốt hơn trong phần đời còn lại”.

Theo cô Loan, đồng cảnh dẫn đến đồng cảm, những suất cơm từ thiện từ đó cũng được cô thực hiện. Ngoài giờ lên lớp, cô Loan lại cùng bạn bè tất bật đi mua nguyên liệu thực phẩm, chuẩn bị bữa ăn phù hợp với thể trạng bệnh nhân.

Chút vật chất tuy còn ít ỏi nhưng phần nào cũng làm giảm đi gánh nặng kinh tế và động viên tinh thần những người bệnh đang điều trị dài ngày tại viện K, giúp họ có thêm động lực để sống tốt hơn, bình thản đối diện với nỗi đau bệnh tật.

Chỉ cần họ không buông tay, không dừng bước, sự sống ấy vẫn sẽ được tiếp nối nơi cận kề sinh tử này.

Trải qua những đợt truyền hóa chất dài ngày, cô luôn mong muốn và khao khát được làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng trong những ngày tháng ngắn ngủi còn lại, lấy chính trải nghiệm cũng như sự thấu hiểu của mình để giúp đỡ những mảnh đời còn nhiều bất hạnh.

Những suất cơm từ thiện, những chuyến đi tình nguyện tới những bản nghèo vùng biên giới xa xôi cứ vậy mà thêm nối dài trong hành trình của cô giáo trẻ.

Điềm nhiên chấp nhận cơn bạo bệnh chỉ như một điều tất yếu trong cuộc sống, cô Loan thường khiến những người tiếp xúc, gặp mặt bị ấn tưởng bởi một hình ảnh rạng rỡ và nụ cười luôn thường trực trên môi ngay cả khi cô vừa truyền hóa chất tại bệnh viện.

Thời gian đang chảy ngược và cô quý trọng sự sống đó bằng cách tích cực tham gia nhiều chương trình, hoạt động vì cộng đồng.

Những chuyến đi từ thiện vùng cao

Đều đặn mỗi năm, cô Loan đều tìm thông tin rồi liên hệ với các thầy cô ở các điểm trường khó khăn vùng cao như Hà Giang, Sơn La, Điện Biên... quyên góp kinh phí, tổ chức những hoạt động ý nghĩa như: Tặng đồ chơi, đồ dùng học tập, sách vở, thiết bị giảng dạy cho những em học sinh ở bản nghèo.

Niềm vui và ý nghĩa cuộc sống được nhân lên từ những điều nhỏ bé như thế, cô Loan vẫn còn rưng rưng cảm xúc khi nhớ về hình ảnh những đứa trẻ ở xã Lóng Sập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vui sướng thế nào khi lần đầu tiên được cho quà.

“Tôi là một bệnh nhân chống chọi với căn bệnh ung thư đã hơn 7 năm nay. Gianh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đã giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống này thật đáng quý. Mỗi ngày được sống là một ngày tôi cảm thấy mình thật sự hạnh phúc.

Ung thư không phải là căn bệnh quá khủng khiếp như mọi người vẫn nghĩ, nhưng nó đòi hỏi con người ta phải có lòng dũng cảm để chiến đấu giành giật lại sự sống.

Ai cũng có một lần được đối diện với cái chết, nên khi còn sống hãy sống một cuộc đời có giá trị, một cuộc đời không có gì để tiếc nuối” - cô Kim Loan bày tỏ.

Không chỉ bận rộn với công việc quản lý với cương vị là Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Tú Chi, hằng tuần cô Loan vẫn thường xuyên đứng lớp giảng dạy kỹ năng sống cho gần 200 em học sinh.

Những bài học vỡ lòng về cách ứng xử đối với ông bà, cha mẹ, mọi người xung quanh đến những câu truyện dân gian, cổ tích ý nghĩa được cô khéo léo lồng ghép vào mỗi tiết học bổ ích, không kém phần sôi nổi.

Theo cô Loan, giáo dục ở cấp Mầm non tuy không phức tạp nhưng đó chính là nền móng để hình thành nhân cách tốt, giúp cho những đứa trẻ tự tin hơn, vững bước trong hành trình trải nghiệm của bản thân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại