Cô giáo được người dân cõng vượt lũ đến trường, nụ cười trong gian khó "gây bão" mạng xã hội

Ngân Hà |

Mưa lũ, nước suối lên cao, cô giáo vùng cao đang công tác tại huyện miền núi Hướng Hóa (Tỉnh Quảng Trị) phải nhờ đến sự trợ giúp của người dân mới có thể đến trường. Dẫu vậy, họ vẫn nở nụ cười tươi tắn, rạng ngời.

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền khoảnh khắc các thầy cô giáo vùng cao tại Quảng Trị vượt mưa lũ để đến trường gây xúc động. Được biết, nhiều ngày nay, tại các tỉnh thành miền Trung, trong đó có Quảng Trị có mưa lớn. Mực nước các sông, suối trên địa bàn dâng cao, gây chia cắt, khiến việc đi lại của người dân và các thầy cô giáo vô cùng khó khăn. Trong loạt ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, các thầy cô giáo phải nhờ đến sự trợ giúp của người dân địa phương để vượt lũ đến trường.

Cô giáo được người dân cõng vượt lũ đến trường, nụ cười trong gian khó gây bão mạng xã hội - Ảnh 1.

Các thầy cô giáo ở Hướng Hóa (Quảng Trị) phải di chuyển hơn 2 ngày đường mới đến được điểm trường

Theo đó, như mọi lần, các thầy cô giáo bắt đầu đến điểm trường từ sáng thứ 2 (Ngày 13/11). Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, mưa lũ kéo dài, họ không thể đến trường đúng như dự tính mà đã phải tá túc lại ở nhà dân sinh sống hai bên đường.

Sau đó, lựa chọn thời điểm thời tiết ổn hơn, đường đi bớt trắc trở, các thầy cô mới tiếp tục hành trình của mình. Họ phải nhờ đến sự trợ giúp của người dân, sử dụng các phương tiện tại chỗ để di chuyển qua những đoạn đường khó đi.

Có đoạn nước dâng cao, chảy xiết, giáo viên nữ còn được người dân cõng đi. Gian nan, vất vả là không kể hết, nhưng những khó khăn ấy vẫn không thể ngăn bước các thầy cô giáo "cõng chữ lên non" cho các em học sinh. 

Gần 5 năm dạy học ở điểm trường Trỉa thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), cô giáo Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh đã quen với sự vất vả khi sống ở núi rừng.

Trong loạt ảnh ghi lại khoảnh khắc vượt lũ của các thầy cô giáo, nụ cười rạng rỡ của cô Kiều Oanh khiến người ta không khỏi xúc động.

Cô giáo được người dân cõng vượt lũ đến trường, nụ cười trong gian khó gây bão mạng xã hội - Ảnh 2.

Cô Oanh và các đồng nghiệp phải nhờ đến sự hỗ trợ của người dân để đến được điểm trường

Cô Oanh chia sẻ, vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, cô thường dậy sớm chuẩn bị đồ đạc, lên đường đến trường để bắt đầu một tuần làm việc mới. Sau đó, cô và các đồng nghiệp ở lại tại trường cho đến cuối tuần mới về nhà.

Cô Oanh chia sẻ: "Năm 2019, tôi được phân công giảng dạy tại điểm trường Trỉa. Đa số thời gian trong tuần, tôi và các thầy cô giáo khác ở lại tại trường, cuối tuần mới về nhà. Tôi có hai con nhỏ, phải gửi mẹ đưa đón đi học và chăm sóc. 

Con đường đến trường của chúng tôi cũng vô cùng ghập ghềnh, khó khăn. Sáng hôm qua (15/11), sau hơn 2 ngày, với sự trợ giúp của người dân, tôi cùng 6 đồng nghiệp đang giảng dạy tại các điểm trường Cát và Trỉa mới đến được nơi mình công tác do gặp nước suối lên cao, chảy xiết."

Trong quá trình công tác, không ít lần cô Kiều Oanh gặp tình huống như vậy. Đặc biệt, có khi đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, các thầy cô phải vào nhà người dân xin tá túc rồi đợi khi nước rút mới tiếp tục lên đường.

Sau khi những khoảnh khắc cô Kiều Oanh và các đồng nghiệp vượt mưa lũ đến trường được lan tỏa, cô Oanh đã có những tâm sự về công việc mà mình đang gắn bó:

"Trường thì xa mà thân gái… nhọc nhằn

Em vẫn vượt qua dù rất khó khăn

Cõng cái chữ lên vùng cao, bản vắng

Vì đàn con đang ngóng đợi em về

Động cơ nào làm em say mê

Đến với vùng cao với đàn trò nhỏ

Mùa đông về chỉ có mưa và gió

Lạnh run người bên bếp lửa mong manh

Thân gái dặm trường giữa chốn rừng xanh

Em cặm cụi uốn từng nét chữ".

Cô giáo được người dân cõng vượt lũ đến trường, nụ cười trong gian khó gây bão mạng xã hội - Ảnh 4.

Trong quá trình công tác, không ít lần cô Kiều Oanh và các đồng nghiệp gặp phải tình huống này.

Tại các huyện vùng cao, nước lũ lên nhanh và xuống cũng rất nhanh nên dù có theo dõi thời tiết chặt chẽ thì vẫn có khi các thầy cô phải đối diện với tình huống như trên. 

Với sự bất thường của thời tiết ở miền núi, nhất là trong mùa mưa lũ, có thời điểm giáo viên không thể đến trường đúng như kế hoạch đã đề ra. 

Dẫu cơ sở hạ tầng của nhiều điểm trường trên địa bàn còn hạn chế hoặc đã xuống cấp, đường đi ở nhiều nơi còn trắc trở nhưng khi đến lớp, cô Oanh cũng như các đồng nghiệp khác vẫn giữ tinh thần lạc quan yêu đời.

Núi cao vực sâu đến mấy, nhưng ở đâu có tình yêu thương, có sự hy sinh cố gắng thầm lặng của các thầy cô giáo, thì ở nơi đó ắt có niềm hạnh phúc và tiếng cười của đàn em thơ.

Cô giáo được người dân cõng vượt lũ đến trường, nụ cười trong gian khó gây bão mạng xã hội - Ảnh 6.

Các thầy cô giáo vùng cao đã cống hiến và gắn bó cả quãng đời thanh xuân, tình nguyện “cõng chữ lên non” đến với các đồng bào, trẻ em miền núi.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại