Có gì đặc biệt ở Lưỡng hội 2017 - Sự kiện lớn cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập?

Kiều Tỉnh |

Đầu tháng 3 hàng năm, Trung Quốc tổ chức song song kỳ họp của Quốc hội (NPC, hay Nhân đại) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân (CPPCC, hay Chính Hiệp), gọi là "Lưỡng hội".

Kỳ họp thứ 5 Chính Hiệp khóa XII khai mạc ngày 3/3, tiếp đó là kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII họp vào ngày 5/3. Hai hội nghị này thường kéo dài khoảng 10 ngày để thảo luận và thông qua các quyết sách trong năm. Dư luận Trung Quốc và nước ngoài đều cho rằng năm nay có nhiều nét đổi mới.

Lưỡng hội 2017 có ý nghĩa rất lớn. Đây là kỳ họp đầu tiên sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập địa vị "Hạt nhân lãnh đạo Tập Cận Bình" (vào tháng 10/2016). Đây là Lưỡng hội cuối cùng trước khi ông Tập kết thúc nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, đồng thời cũng là kỳ họp cuối cùng nhiệm kỳ 5 năm Quốc Hội và Chính Hiệp Trung Quốc khóa XII.

Bởi vậy, Lưỡng hội lần này có nhiều nét mới.

Có gì đặc biệt ở Lưỡng hội 2017 - Sự kiện lớn cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập? - Ảnh 1.

Tái khẳng định quyền lực của Quốc hội và Chính Hiệp

Điểm nổi bật trong Diễn văn báo cáo công tác năm 2016 và Phương hướng của năm 2017, Chủ tịch Chính Hiệp Du Chính Thanh, Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang cũng như Thủ tướng Lý Khắc Cường đều nhấn mạnh vai trò, địa vị của CPPCC cũng như Quốc hội trong "hiệp thương dân chủ", thúc đẩy "đi sâu cải cách toàn diện" và " chấn hưng kinh tế", đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong thời kỳ "nước Trung Quốc mới" được thành lập năm 1949 do Mao Trạch Đông đứng đầu, vai trò và địa vị của CPPCC được đặt ở vị trí rất cao, có quyền lực rất lớn như thông qua các chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, quốc kỳ, quốc ca….

Thời kỳ Đặng Tiểu Bình, ông ta cũng dựa vào sức mạnh và uy tín của CPPCC để tiến hành công cuộc cải cách mở cửa. Tuy nhiên, sau đó vai trò của cơ quan này không còn được như trước. Khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình rất coi trọng vai trò của CPPCC, nhất là dân chủ hiệp thương chính trị trong công cuộc cải cách đất nước.

Kể từ Khóa thứ nhất năm 1954, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, tới nay là Khóa XII, là cơ quan quyền lực tối cao của nước này.

Tuy nhiên địa vị, vai trò của cả NPC và CPPCC thời gian qua có phần giảm sút, nhất là trong hơn một thập niên đầu của thế kỷ 21 khi tình trạng tham nhũng tràn lan, xâm thực và ảnh hưởng đến uy tín của hai cơ quan này.

Số liệu thống kê của Ủy ban kiểm tra kỉ luật trung ương ĐCSTQ (CCDI) cho biết, trong 4 năm qua có 174 đại biểu Quốc hội và ủy viên Chính Hiệp bị xử lý, bị tước bỏ tư cách đại biểu do tham nhũng.

CPPCC có 37 ủy viên trong đó hai Phó chủ tịch là Tô Vinh và Lệnh Kế Hoạch bị truy tố trước tòa án. Ngày 2/3/2017, ngay trước thềm khai mạc hội nghị của CPPCC, CCDI bất ngờ công bố thông tin ông Tôn Hoài Sơn, 64 tuổi, Ủy viên thường vụ Chính Hiệp bị bắt về tội tham nhũng.

Tháng 6/2016, báo chí Trung Quốc phanh phui vụ bê bối gian lận bầu cử ở Liêu Ninh, mà Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang phải thừa nhận là bê bối lớn nhất ở cấp tỉnh kể từ năm 1949.

Đây là vụ bê bối vi phạm nghiêm trọng kỉ luật đảng và phép nước, phá hoại nghiêm trọng chế độ bầu cử của nhà nước, hoàn toàn đi ngược với tôn chỉ mục đích của ĐCSTQ. Tính ra tới 85% đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Nhân đại) của tỉnh Liêu Ninh bị bãi nhiệm, 61% ủy viên thường vụ cơ quan lập pháp tỉnh bị lập án điều tra.

Trước bối cảnh này, để nâng cao uy tín của đại biểu NPC và CPPCC, Trung Nam Hải đã tiến hành cải cách cơ cấu.

Đối với CPPCC, tất cả Thường vụ đảng ủy ở tỉnh và các địa phương phải rút khỏi chức Chủ tịch Chính Hiệp địa phương, nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu tự do thảo luận quyết sách của trung ương.

Đối với Quốc hội, tháng 11/2016 Trung Quốc đã thành lập "Ủy ban giám sát nhà nước" với quyền hạn rất lớn, độc lập với chính phủ và có quyền kiểm tra bất kỳ cơ quan nào của nhà nước. Đây là một cải cách rất rất lớn, rất quan trọng để thực hiện dân chủ và giám sát quyền lực.

Có gì đặc biệt ở Lưỡng hội 2017 - Sự kiện lớn cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập? - Ảnh 2.

Ban lãnh đạo Trung Quốc dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc khóa XII hôm 3/3 (Ảnh: Xinhua)

Tăng trưởng kinh tế và ngân sách quốc phòng

Vấn đề phát triển kinh tế rất được coi trọng trong kỳ họp này. Trong báo cáo công tác Chính phủ trước Quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết tốc độ tăng trưởng GDP ở mức xấp xỉ 6,5%, đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Từ trước tới nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc thường duy trì ở mức 9%, có năm tới 14,2%, nhưng năm 2016 chỉ đạt mức 6,7% - mức thấp nhất trong 9 năm qua.

Lãnh đạo Trung Quốc xác định kể từ nay trở đi sẽ đưa tốc độ tăng trưởng GDP về "trạng thái bình thường", chứ không thể gồng mình tăng trưởng cao như trước, bởi lẽ mức tăng trưởng cao đã gây ra rất nhiều hậu quả tai hại. Các nhà kinh tế Trung Quốc dự đoán năm nay rất khó thực hiện được mức tăng trưởng GDP 6,5%,

Phương châm "tam khứ, nhất giáng, nhất bổ" (tức 3 cắt, 1 giảm, 1 bổ sung) là phương châm chỉ đạo cho phát triển kinh tế Trung Quốc thời gian tới.

"3 cắt", gồm cắt bớt sản lượng, cắt bớt tồn kho, cắt bớt kích cầu. "Một giảm" là giảm giá thành. "Một bổ sung" là bổ sung những ngành nghề còn yếu kém.

Chi phí quân sự năm 2017 không được nêu trong Báo cáo mà do người phát ngôn Kỳ họp Quốc hội Phó Oánh thông báo là chỉ tăng 7% (khoảng 149 tỉ USD), chiếm 1,3% GDP do Trung Quốc cắt giảm 30 vạn quân.

Đáng lưu ý trong Báo cáo công tác chính phủ năm 2016, Thủ tướng Lý Khắc Cường đặc biệt nhấn mạnh sẽ kiên quyết phản đối và kiềm chế chủ trương "Hồng Kông độc lập", " Đài Loan độc lập", kiên quyết bảo vệ an ninh của Trung Quốc. Dư luận cho rằng đây là nét mới trong báo cáo năm nay.

Có gì đặc biệt ở Lưỡng hội 2017 - Sự kiện lớn cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập? - Ảnh 3.

Thủ tướng Lý Khắc Cường báo cáo công tác chính phủ năm 2016 trước Quốc hội Trung Quốc trong phiên khai mạc hội nghị lần thứ 5 Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc khóa XII (Ảnh: Xinhua)

Trung Quốc và các mối quan hệ

Báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường năm nay không nêu rõ mối quan hệ nước lớn, nhất là quan hệ với Mỹ do có nhiều nhân tố không xác định. Báo cáo chỉ nhấn mạnh chung chung là thúc đẩy và xây dựng mối quan hệ nước lớn ổn định tổng thể và phát triển cân bằng.

Báo cáo tuy không chỉ mặt điểm tên Mỹ, nhưng cho rằng "Trào lưu phản toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo thủ đang trỗi dậy là những nhân tố không ổn định và không xác định đang tăng lên", được cho là ám chỉ chính sách của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 4/3, bà Phó Oánh nói Mỹ và Trung Quốc là hai nước lớn, quan hệ hai nước có tầm ảnh hưởng thế giới. Bà này nhấn mạnh hợp tác là dòng chính trong quan hệ song phương. Mỹ hiện đang điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại, hy vọng sự điều chỉnh này là chính diện và tích cực. Nếu thách thức Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ trả đũa.

Về quan hệ láng giềng, Báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã nỗ lực tạo ra môi trường láng giềng xung quanh hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau phát triển.

Về vị thế của Trung Quóc trên trường quốc tế, ông Lý nhấn mạnh nước này sẽ phát huy vai trò là nước "xây dựng hòa bình thế giới, cống hiến cho phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế"./.

Các học giả Trung Quốc cho rằng hiện nay Trung Quốc đang phaỉ đối mặt với 4 vấn đề mới nảy sinh:

1- Điều chỉnh sâu sắc lợi ích của các tầng lớp trong tiến trình cải cách mở cửa.

2- Những mâu thuẫn mới, cũ trong xã hội đang đan xen, chồng chéo nhau.

3- Tư tưởng đa dạng, đa nguyên hóa tăng lên trong điều kiện kinh tế thị trường.

4-Những thách thức mới về cạnh tranh theo những con đường phát triển chính trị khác nhau trên phạm vi toàn cầu.

Bởi vậy, tình hình tới đây sẽ rất phức tạp và nhiều thách thức đối với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại