Sinh ra và lớn lên tại miền quê Lâm Thao (Phú Thọ), cô bé Phạm Quỳnh Châu (sinh năm 1993) có một tuổi thơ êm đềm và mái nhà hạnh phúc như bao bạn cùng trang lứa khác.
Thế nhưng, cuộc đời cô gái trẻ không trôi đi trong yên bình suôn sẻ, mà chính cô cũng không hiểu tại sao mình liên tục gặp chuyện xui rủi.
Đáng sợ hơn, đó toàn là những ký ức kinh hoàng với Châu, bởi toàn là những lần chết hụt, thậm chí bước đến cửa tử rồi nhưng may mắn được cứu sống trở về.
Sau tất cả những nỗi đau về thể xác và tinh thần, cô gái 23 tuổi Quỳnh Châu đã cứng cỏi hơn rất nhiều, biết trân trọng cuộc sống và yêu thương những người xung quanh mình hơn.
Mỗi dấu mốc xảy ra trong cuộc đời Châu đều khiến người khác xúc động vô cùng, bởi đằng sau nó là bao thông điệp ý nghĩa, giúp người ta suy nghĩ tích cực hơn, sống có ích hơn.
Chân dung cô gái của những phép màu - Phạm Quỳnh Châu.
Hành trình tìm lại Quỳnh Châu sau bao lần gặp tai hoạ
Ngày đen đủi còn nhỏ, gia đình em rất khó khăn. Cô bé ở với ông bà nội suốt, cứ đến tối mới được bố mẹ đón về. Nhà có 2 anh em, anh trai hiền lành nhưng Châu thì khá nghịch, tuổi thơ vô cùng “dữ dội” vì cô bé toàn chơi với con trai, thậm chí còn quậy hơn cả anh.
Tuy vậy 2 anh em vẫn rất thân nhau, đi học hay ở nhà có chuyện gì cũng bênh nhau chằm chặp. Trong ký ức người anh thì Châu giống con trai nhưng lại hay “mít ướt”, làm nũng, thi thoảng chành choẹ với anh nhưng đến khi anh đi học xa nhà từ năm lớp 4, thì Châu suốt ngày kêu nhớ.
Chẳng biết tả tính cách cô bé Châu lúc nhỏ là gì (!).
Cô gái Phú Thọ kể chuyện đen đủi đầu đời mà cô nghe người thân kể lại. “Năm em 2 tuổi, có lần được bố đèo đi chơi, em ngồi đằng trước. Xe có cáng ở trước, bé quá không biết gì nên em cho chân vào bị kẹp, may không bị mất chân”.
Cũng qua lời kể của ông bà, cha mẹ, lớn lên thêm một chút, trong lần tập bơi ngoài ao, cô bé bị đuối nước, may được bạn phát hiện ra cứu kịp. Về nhà bị mắng tơi tả, nhưng Châu vẫn không bỏ được tính hiếu động của mình.
"Em còn gặp đủ thứ sơ sảy lặt vặt khác không đếm được, đem liệt kê chắc dài như truyền hình nhiều tập", Châu cười. Mọi người trong gia đình đều khẳng định Châu là "con bé xui xẻo", đi đâu cũng có thể gặp nạn.
Lần tai nạn đen đủi nhất mà Châu chết hụt khiến đầu cô bé bị tổn thương khá nặng, nhưng em đã hồi sinh ngoạn mục
Giờ thì cô bé bướng bỉnh ngày nào đã thành thiếu nữ hiền dịu hơn, thế nhưng, xui xẻo vẫn chưa buông tha cho Châu.
Quỳnh Châu hiện đang vừa học vừa làm tại Dongshin, Hàn Quốc, cô gái trẻ được gia đình cho đi du học sau biến cố tai nạn khủng khiếp xảy đến với em vào năm 2011.
“Ngày 29/9/2011 em đang đi xe đạp cùng bạn ở trên đê, em ngồi sau đang nhắn tin cười cười thì em bị xe máy của thằng say rượu đâm vào.
Áo em mắc vào chân ga xe máy, bị kéo lê 10m và đổ vào đầu. Em nằm viện tỉnh, phẫu thuật ngay đêm hôm đó. Em bị chảy máu não, sơ cứu rồi mà máu vẫn chảy ra tai, ướt cả gối.
Hôm sau em không tỉnh và được trả về. Gia đình, bố mẹ, bạn bè, hàng xóm… tất cả đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón em về với đất mẹ, nhưng em được dì làm ở quân đội bắt nhà chuyển lên viện 108.
Em được chữa trị theo phương pháp khác nên hồi sinh một cách kỳ diệu, nhưng tốn kém bao nhiêu tiền của nhà. 2 tháng nằm viện, lúc mở mắt lại cả nhà đều khóc, chẳng biết là vui hay buồn, bởi sau đó em cứ mê rồi tỉnh, nhiều khi không nhớ mình là ai, đau lắm, em còn gào khóc đuổi mọi người đi.
Con gái đến tháng bố em cũng phải thay cho trên giường bệnh. Bố mẹ, anh trai, người thân động viên rất nhiều, rồi em đã vượt qua được quãng thời gian kinh khủng đó. Dù đầu em bị ảnh hưởng từ đó đến tận bây giờ, nhưng sống được đã là một phép màu”.
Quỳnh Châu không bao giờ quên những ký ức đáng sợ đã qua, đó là điểm tựa để em nỗ lực sống tốt hơn.
Anh trai tai nạn là Phạm Ngọc Vũ (26 tuổi) vẫn cảm thấy rùng mình khi nhớ lại: “Lúc Châu bị bỏng, tôi đang học trên Hà Nội, nghe mẹ báo tin hốt hoảng bắt xe về quê ngay.
Thấy em kêu gào đau đớn mà ai cũng không cầm được nước mắt. Nhìn em bất tỉnh, băng bó khắp đầu, mắt tôi tối sầm không nghĩ được gì. Tôi biết em gái mình hoảng loạn lắm, bởi nó còn nhỏ, sao biết được mình sẽ gặp chuyện lớn như thế.
Tất cả người thân xung quanh chỉ biết cầu mong em qua cơn nguy kịch, may mắn sao Châu được các bác sĩ hồi sinh từ cõi chết. Sau đó thì mọi người lại lo lắng vì nhiều lúc em không nhớ gì cả, chỉ sợ não bị ảnh hưởng vĩnh viễn.
Nói chung là đối với tôi và bố mẹ, Châu đã trải qua thời khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời con người. Kể lại thế này thôi nhưng tôi cũng không quên được cảm giác đau khổ vật vã của em 4 năm trước, ám ảnh lắm. Đổi lại là tôi, chưa chắc tôi chịu đựng được như em gái mình”.
Sau biến cố ấy, Châu nhận ra rất nhiều điều quý giá về việc trân trọng sinh mệnh, dù mới 18 tuổi đầu.
Vũ cũng nhận xét em gái mình thay đổi hẳn, nhất là tính cách: “Châu lớn lên nhiều lắm, suy nghĩ cũng người lớn hơn, biết lo cho gia đình khéo còn hơn anh trai.
Mọi khi ở nhà cứ sai chuyện gì, bố mẹ hay anh nói thì ít nghe lắm, bướng. Cứ nói anh là giảng đạo nó, chả thèm nghe nhưng giờ sang bên ấy (Hàn Quốc – PV) nói gì cũng nghe, lại còn bảo bây giờ em mới thấy đúng (cười)”.
Ngọc Vũ vừa là anh trai, vừa là người bạn thân thiết với Quỳnh Châu, anh thấu hiểu nhiều nỗi đau mà em gái từng phải chịu đựng.
Trước khi bị tai nạn, Quỳnh Châu hay bị co thắt mạch máu não, thường xuyên phải uống thuốc liều nặng. Cơ thể cô bé vốn đã chẳng mạnh khoẻ gì, lại liên tiếp bị tổn thương.
Lần thứ 2 xảy ra biến cố khủng khiếp với Châu là khi em mới sang Hàn được một thời gian, vừa đi học vừa phải làm thêm tại một quán ăn, cô bé chỉ ước ao dành dụm đủ tiền để khi trở về nhà mở một tiệm đồ ăn nhỏ.
Làm mãi chẳng sao, đúng ngày cuối cùng thì tai hoạ đổ xuống bất ngờ:
“Hôm ấy em mệt nên bê cái nồi canh 20 cân trên bếp vẫn đang sôi, chẳng may em ngã, thế là nước canh nóng đổ bắn lên mặt. Em làm buổi cuối để lấy lương, hôm sau xin nghỉ để gặp người yêu.
Trong lúc nhắn tin với anh ấy thì em bị chết hụt, người yêu em cũng đang làm. Mãi sau anh mới nhận được tin. Em đau tê dại cả người tưởng chết, dập nát hết mặt, được chuyển lên viện bỏng luôn.
Bác sĩ băng mặt em kín mít, chẳng ăn uống được gì. Lúc chưa bị bỏng em 55 kg, mà sau 1 tuần về nhà em còn có 48.
Sáng nào cũng thay băng, họ không làm nhẹ nhàng như ở Việt Nam đâu, mở ra đến đâu dứt luôn đến đó, lần nào sắp thay băng em cũng khóc vì sợ và đau.
Thế nhưng kỳ diệu là mặt em lên da non nhanh lắm, họ cho tuýp thuốc bé tí đắt ơi là đắt, bôi từ lúc mới bỏng, không đợi da khô, nên chỉ sau 1 tuần em xuất viện luôn, bây giờ chẳng có 1 vết sẹo nào”.
Hành trình đầy gian khổ của cô bé một mí đầy nghị lực Phạm Quỳnh Châu trong lần bỏng nặng 1 năm trước
Lần bị bỏng nặng này, dù đau đớn tuyệt vọng nhưng Châu vẫn nghĩ được rằng không gọi điện về báo tin làm bố mẹ lo lắng. Bởi thời điểm đó ở Việt Nam nhà em có tang.
Cô bé hiểu gia đình đang buồn bã, mất mát, gọi về chỉ làm mọi người lo lắng thêm, nên đã dặn dò bạn bè, người yêu không được nói ra, một mình
Châu âm thầm chịu đựng hết. Lành lặn rồi Châu mới kể với anh trai, khiến mẹ em khóc mấy ngày trời. Cả nhà càng thấy thương em hơn, vì Châu quá nhỏ, không đáng gặp những chuyện như thế.
Ấy vậy mà cô gái nhỏ nhắn đã tự mình đối mặt hết, mạnh mẽ hơn, yêu đời hơn, ngày càng sống có ý nghĩa hơn, không bao giờ suy nghĩ tiêu cực nữa. Cô bé tội nghiệp đã nghĩ rằng, hết rồi, hết thật rồi, khuôn mặt mình sẽ xấu xí mãi mãi.
Nhưng ông trời có mắt, Châu đã hồi phục trong sự ngỡ ngàng của chính em, và giờ đây, em vẫn luôn trẻ trung xinh xắn, đúng tuổi thanh xuân đẹp nhất của thì con gái.
Người ta bảo quá tam ba bận, nhưng Châu nghị lực cũng phải 4-5 lần rồi, có lẽ cô bé là người đen đủi nhất Việt Nam chăng?
Nhưng quan trọng ở đây không phải là cô gái trẻ gặp những chuyện gì, quan trọng là sau tất cả những đau đớn kinh hoàng đó, em vẫn kiên cường sống, ngày càng mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, như cây hoa mai càng bị cắt lá càng đâm nhiều chồi và nảy nhiều bông đẹp.
Người ta mất vài chục năm để có được nhiều bài học vô giá từ cuộc sống hàng ngày, nhưng Châu mất 20 năm đã học được thứ quý giá nhất – yêu đời, yêu người, và không bao giờ đầu hàng số phận.
Phải sống thì mới có cơ hội nhìn thấy, cảm nhận, ngộ ra những thứ khác, chứ chết đi rồi, liệu có còn kịp học hay không?
Được sinh ra lần thứ 2 ở tuổi 18, Quỳnh Châu nhận về cho mình những trải nghiệm, cảm xúc, bài học đắt giá, khác với nhiều người.
Người lạc quan sẽ gặp nhiều may mắn, chịu ướt mưa sẽ được ngắm cầu vồng
Tất cả những người từng chứng kiến những thời khắc sinh tử của Quỳnh Châu đều cảm phục trân trọng cuộc sống của cô gái trẻ, liệu có mấy ai liên tiếp bị thương nặng mà không gục ngã?
Cơn đau thể xác sẽ kéo theo cả sự suy sụp về tinh thần, mà nhiều khi không điều gì bên ngoài tác động giúp đỡ được, chỉ có thể vượt qua bằng chính bản thân mình.
Vậy mà cô bé Châu còn rất trẻ đã trải qua mọi sự đau đớn, giày vò thân thể lẫn tâm hồn, đọc những chuyện về cuộc đời em, có lẽ nhiều người cảm thấy xấu hổ vì mình khoẻ mạnh, may mắn hơn Châu mà lại hay bi quan, nghĩ quẩn, gặp chút bế tắc đã vội đòi tự tử, khóc lóc buông xuôi.
Bạn trai chính là chỗ dựa vững chắc, ở bên Châu giúp em vượt qua bi kịch lần 2 xảy đến với mình.
Cô bé mắt một mí tâm sự rằng, em chia sẻ cuộc đời mình không phải để sống ảo, để nổi tiếng, đơn giản em chỉ muốn nhiều người nhìn vào em mà biết hạnh phúc của mình và mọi người xung quanh hơn.
Châu cảm thấy may mắn vì tất cả những lúc cô gặp tai nạn, khó khăn, luôn có người tốt giúp đỡ, yêu thương mình, đặc biệt là người bạn trai hiền lành tốt bụng.
“Bạn trai em có tính cách đối lập, em nói nhiều anh lại ít nói, em bồng bột còn anh chín chắn. Ở ký túc xá không được nấu ăn, anh toàn nấu cho em mang đi học, lúc nào cũng lo em mệt, đói.
Ngồi học cũng phải kè kè cái màn hình điện thoại có mặt anh thì em mới học được, nếu không em thi trượt bao lần rồi (cười). Trong thời gian em nằm viện, các chị các anh trong trường đã chăm sóc em rất nhiều và lo lắng cho em, bạn trai em cũng vậy.
Đi làm đêm, sáng về tranh thủ mang cơm lên cho em vì em không ăn được cơm viện. Em rất biết ơn anh và anh chị ở trường”.
Ngọc Vũ, anh trai Quỳnh Châu cũng phải thừa nhận: “Là anh trai nhưng nhiều khi tôi thấy xấu hổ, lấy em gái ra làm tấm gương cho mình. Châu bây giờ cứng cỏi hơn trước rất nhiều, lạc quan, vui vẻ, đi đâu cũng hoà đồng với mọi người, luôn rạng rỡ xinh đẹp.
Sống một mình bên Hàn, em không xin tiền bố mẹ, cứ tự đi làm xoay sở kiếm tiền đi học, trang trải cuộc sống. Bạn trai Châu cũng là người chín chắn, điềm đạm, rất tốt với con bé. Có lẽ Châu sẽ yêu cuộc sống, vì em gái tôi phải chịu quá nhiều thiệt thòi đau đớn rồi”.
Quỳnh Châu ngày càng mạnh mẽ, trưởng thành hơn, nụ cười của em khiến bao người cũng thấy bố mẹ hơn.
Câu chuyện của Châu đã tiếp thêm niềm tin cho rất nhiều người đang bi quan, không may mắn.
Đúng với mong ước của người anh nơi quê nhà, Quỳnh Châu đang sống rất tốt tại Hàn, với công việc tại một hãng ô tô nổi tiếng và kinh doanh mỹ phẩm tay trái.
Mỗi tháng thu nhập của cô gái nhỏ khoảng hơn 20 triệu, đủ lo mọi sinh hoạt phí và học tập ở đất nước kim chi. Tuy vừa học vừa làm rất vất vả, mỗi ngày chỉ được ngủ 2 – 4 tiếng, song Châu khá hài lòng với nhịp sống yên bình như thế.
“Bây giờ em chỉ muốn cố gắng đền đáp công ơn Quỳnh Châu, trả cho họ những gì đáng được nhận. Bố mẹ vì em mà lao tâm khổ tứ rất nhiều rồi, vừa làm nhà xong thì mất đống tiền chạy chữa cứu em gặp tai nạn, sau đó lại lo cho em sang Hàn Quốc.
Tuy bố mẹ và anh trai bảo đó là lựa chọn đúng đắn, không hối hận, vì quyết định ấy giúp em trưởng thành được như bây giờ, nhưng em vẫn sẽ làm và làm chăm chỉ hơn để bố mẹ sau này được sung sướng”.
Quỳnh Châu tâm sự mong ước giản dị của em. Một ngày nào đó, em sẽ mở được hàng ăn, kinh doanh thuận lợi và dư dả cho bố mẹ nghỉ ngơi tuổi già…
Sau tất cả, Quỳnh Châu nhận ra gia đình là điều quý giá nhất, không ai yêu thương mình bằng ruột thịt, cùng nhau vượt qua bao hoạn nạn, khó khăn
Rất nhiều điều tốt lành đang chờ đón ở phía trước. Vì con đường em phải đi còn rất dài, nó không tính bằng bước chân của em, mà tính bằng từng giây từng phút em sống trên đời.
Châu có một tâm hồn thiện lương và một trái tim dũng cảm, em không sống ích kỷ cho riêng mình, cũng không giấu mình trong nỗi sợ hãi quá khứ, mà em luôn mở lòng với tất cả mọi người xung quanh, sẵn sàng kể lại hành trình bước qua hàng trăm chuyện xui xẻo của mình để người ta hiểu: đôi khi chúng ta hay nghiêm trọng hoá vấn đề, nhìn nhận dưới góc độ tiêu cực, nên cuộc sống mới bế tắc, buồn tủi.
Tại sao không xoay mình theo một hướng khác để thấy hình tam giác không chỉ có 3 góc nhọn, nghiêng đi sẽ thấy thực ra nó còn một mặt phẳng lì?
Hãy thử nhìn vào chặng đường Châu đã đi qua, và xem cùng đoạn đường 23 năm ấy, mỗi chúng ta đã vượt qua được những khó khăn nào, và bao lần ta gục ngã buông xuôi?
Nếu số lần
vượt qua ít hơn so với số lần nản chí, hãy lạc quan hơn nữa, yêu đời hơn nữa,
bởi cô bé Châu từng chết hụt ở tuổi 18 còn không sợ hãi, cớ gì bạn phải lo lắng
muộn phiền?