Sinh ra chỉ có 1 trái thận bên trái, từ bé Nguyễn Thị Như Tâm (26 tuổi, ngụ Lái Thiêu, Bình Dương) đã chịu nhiều đau đớn. Những trận sốt triền miên, những đêm đau... tưởng chết, không ít ngày Tâm phải ngủ ngồi để tránh mệt mỏi, khó thở. Bao ước mơ của đời người con gái này bị đóng lại, Tâm đã có một tuổi thơ chông chênh.
Trước đây, ba mẹ Tâm sống kiếp thương hồ, xuôi theo con nước mà mưu sinh. Anh trai của Tâm đã thất học, nên khi Tâm đủ tuổi đến trường, ba của Tâm quyết định lên bờ để con gái được đến trường. Thế nhưng, khi Tâm 10 tuổi, đang học lớp 5 thì bệnh sốt, suy dinh dưỡng, còi xương,... cùng ập đến, Tâm xỉu nhiều hơn trong những lần tới lớp học. Gia đình đưa Tâm đi khám thì mới biết Tâm bị suy thận.
Thay vì được đến trường, Tâm neo tuổi thơ của mình ở bệnh viện, gửi tuổi xuân vào máy lọc thận nhân tạo của BV Chợ Rẫy đến nay đã 10 năm.
10 mùa xuân trôi qua, chiếc máy lọc thận tại Khoa Thận nhân tạo của BV Chợ Rẫy TPHCM là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của Tâm.
Thứ 3, 5, 7 hàng tuần, cứ 4h sáng Tâm lại cùng mẹ thức dậy chuẩn bị đến bệnh viện. Từ việc sợ kim tiêm, giờ đây Tâm rành rẽ mọi dụng cụ y tế được gắn lên người mình. Những sợi dây chằng chịt cứ giăng ngang cuộc đời cô gái trẻ, từ sợ hãi, Tâm cũng trở nên quý mến "người bạn" của mình.
Hành trang suốt 10 năm "chiến đấu" với bệnh thận của mẹ con Tâm chỉ vỏn vẹn hai túi giấy và một chiếc xe lăn.
Từ bé, Tâm ước mơ được làm cô giáo, khi bệnh thì ước làm tiếp viên hàng không để được bay thỏa thích, bệnh nặng hơn chút Tâm lại ước mình làm bác sĩ để được tận tâm với bệnh nhân như những bác sĩ đang điều trị cho mình. Hiện tại, Tâm cho biết chỉ ước có sức khỏe để mẹ không phải vì mình mà mệt mỏi.
Một ca chạy thận kéo dài gần 4 giờ đồng hồ gần như vắt kiệt sức cô gái trẻ. Những lúc quá mệt mỏi, đau đớn Tâm gồng người chịu đựng. Những lúc như vậy, bà Út (63 tuổi, mẹ của Tâm) dù đang bán vé số ở đâu cũng vội vàng chạy về động viên con.
Do biến chứng của bệnh thận, Tâm bị loãng xương, nhiều lúc đang đứng thì chới với té ngã sưng cả người. Mỗi lần như thế phải mất 2-3 tháng thì vết thương mới lành. Trước khi chạy thận một ngày Tâm bị té ngã, chân sưng vù đau nhức nên hôm nay càng mệt hơn, đã quá bữa trưa nhưng đồ ăn mang theo vẫn còn để im một chỗ.
Bệnh thận khiến Tâm chỉ cao 1,45m, nặng chưa đến 30kg. Tuy nhiên, bên trong cô gái nhỏ thó này luôn có một ý chí, sức sống mạnh mẽ. Từ bé đã không có bạn nên Tâm thích nói chuyện với những người đến thăm mình.
Bệnh thận lấy đi của Tâm cả tuổi xuân nhưng bù lại, Tâm cho biết cũng gặp được rất nhiều người tốt. Đó là bác sĩ điều trị cho Tâm luôn giúp đỡ, chia sẻ, những điều dưỡng, nhân viên luôn trêu đùa cho Tâm vui lúc cô gái trẻ nhăn nhó vì quá đau hay bệnh nhân cạnh giường tặng cho Tâm trang sức để làm đẹp, một cô dạy cho Tâm móc len để kiếm thêm thu nhập, cho đi nhờ xe trong mỗi lần chạy thận...
Khoảng 13h là Tâm chạy thận xong, tuy nhiên mẹ con Tâm chưa về vội, bà Út tiếp tục đi bán vé số, Tâm ngồi móc len để kiếm thêm thu nhập. Đến 17h, sau khi bệnh nhân khác chạy thận xong, bà Út và Tâm mới đi nhờ xe người này về.
Một cái áo trẻ em Tâm móc len khoảng 3 tháng mới xong, nhưng bán thì giá vô chừng, người ta mua bao nhiêu cũng được. "Tôi biết móc len cũng nhờ một cô có người thân bệnh thận dạy cho, cô đó tốt lắm, đôi khi còn đi bán đồ giúp tôi. Nhưng vì ngồi lâu không nổi nên tôi làm chậm lắm, nhưng mà cứ làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu."
Trước khi đi bán vé số, bà Út lấy giấy thùng che đậy "tài sản" của mình. Một ngày bà Út bán được từ 50 đến 100 tờ vé số, thu nhập khoảng 100.000 đồng. Nơi bà Út bán là quán mì gần bệnh viện, ông chủ thương tình lúc nào cũng gửi bà Út mang về cho Tâm một phần để tẩm bổ.
Ngoài việc bán vé số, bà Út còn đẩy xe và mua cơm cho những bệnh nhân khác, ai thương thì cho 10.000 đồng - 20.000 đồng, ai không có tiền thì bà đẩy giúp chứ chưa bao giờ đòi tiền. Bà Út nói: "Nhiều người bệnh họ đi chạy thận một mình, hoặc không có người thân nên khó khăn lắm, người trẻ còn đỡ chứ người già thì yếu lắm, mình bỏ công ra giúp người ta có chút xíu thì tính làm gì"
"Mấy năm trước, tôi nghe người ta nói mẹ có thể cho con thận, tôi về rao bán nhà để có tiền phẫu thuật, nhưng vì nhà nhỏ lại có thể sập bất kỳ lúc nào nên chẳng ai mua. Mẹ là cho con thận được, bán nhà được là tôi cho nó ngay. Giờ ráng thiệt ráng tôi cũng kiếm được 150.000 đồng/ngày, ăn uống tiết kiệm thôi, chừa 100.000 đồng để dành đóng tiền chạy thận cho con đã rồi tính tiếp."
Chỉ đến cuối ngày, hai mẹ con Tâm mới có những phút giây thư giãn thực sự: "Buồn thì không giải quyết được gì, cũng không có hết bệnh được, nên sống được ngày nào thì mình cứ sống hết mình ngày đó. Sao cũng được, miễn mẹ con vui là được."
Tài sản quý giá nhất của Tâm là tình yêu thương của mẹ. Những lúc nắm lấy tay mẹ, Tâm không còn đau đớn hay sợ hãi, đó là sự bình yên nhất đối với Tâm.
"Buồn cũng không được gì, cũng không khỏi bệnh. Cứ sống hết lòng cho hôm nay, luôn cố gắng vượt qua nỗi đau, cười thật tươi với mọi người thì đời sẽ nhẹ nhàng hơn.", đó là câu nói mà một cô cái 26 tuổi luôn mang trong mình.
Về bệnh của Tâm, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy TPHCM cho biết: "Bệnh nhân bị suy thận mãn, đến điều trị và chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo của BV từ tháng 10/2006. Vì suy thận nên bệnh nhân phải chạy thận theo lịch hàng tuần và suốt cuộc đời gắn liền với máy lọc thận."
Tuy Tâm có bảo hiểm y tế, bệnh viện và Khoa Thận nhân tạo cũng hỗ trợ nhiều chi phí. Một tháng Tâm chỉ đóng tiền chạy thận 2,8 triệu nhưng đó là cả một nỗi lo lớn của gia đình. Anh trai và ba của Tâm làm nghề thời vụ, chỉ khi nào có nhu cầu thì người ta mới gọi.
Công việc ổn định của cả nhà ngồi lại làm đồ gia công: đính cườm, cắt chỉ thừa quần áo,... 300 đồng/cái. Mỗi ngày cả nhà làm được tầm 50 cái.
Mọi sự quan tâm, hỗ trợ của quý độc giả dành cho Tâm vui lòng gửi về STK 0281000410759, ngân hàng Vietcombank chi nhánh Lái Thiêu, Bình Dương, chủ TK Nguyễn Thị Như Tâm. Cảm ơn quý đọc giả!