Một số phụ huynh luôn xem tấm bằng đại học là chiếc chìa khoá để mở cánh cửa cuộc đời. Họ luôn mong mỏi con em vào đại học (bằng mọi giá). Nhưng rồi ước mơ của cha mẹ lại vô tình đè nặng ước mơ của con.
Rất nhiều người trẻ lầm lũi học và làm một công việc mà họ chẳng có chút hứng thú, để rồi đôi khi mất phương hướng, không biết mình thật sự thích gì và làm được điều gì.
Tôi muốn kể câu chuyện của Hiệp và gánh tàu hủ của cô ở Sài Gòn.
Cô nàng tốt nghiệp đại học về mở quán bán tàu hủ
Trần Thị Minh Hiệp sinh năm 1987, trước đây từng theo học ngành Tài chính tại trường Đại học Công Nghệ Sài Gòn. Cô học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là về toán học. Nhờ các thành tích nổi trội nên đến năm thứ 4 đại học Hiệp được thầy giáo của mình mời về công ty làm việc. Mọi thứ đến với cô sinh viên trẻ khá suôn sẻ khi sắp ra trường thì Hiệp cũng được đề bạt thăng chức.
Hiệp và gánh tàu hủ bình dân ở Sài Gòn.
"Thế nhưng mình cảm thấy việc thăng chức chỉ khiến mình bị nặng nề hơn là một vinh dự. Môi trường làm việc quá nhiều cạnh tranh khiến mình nhận ra dường như mình không phù hợp" - thế là sau khi tốt nghiệp đại học, Hiệp xin nghỉ việc để dành thời gian tìm hiểu về bản thân, xem mình thật sự muốn làm công việc gì.
Như một nhân duyên Hiệp biết đến thiền và dành thời gian để chiêm nghiệm về bản thân. Khi đã bình tâm hơn Hiệp nhận ra con đường mà bản thân muốn đi không hoàn toàn đúng với con đường mà bố mẹ mong muốn.
Thiền như một bước ngoặt giúp Hiệp chiêm nghiệm về bản thân.
Bố mẹ của Hiệp cũng như rất nhiều ông bố bà mẹ khác, cũng mong mỏi con cái có được một cuộc sống ổn định, an nhàn. Những rõ ràng thời cuộc đã thay đổi rất nhiều, người trẻ bây giờ cần bứt phá nhiều hơn hai chữ "ổn định".
Họ có những hoài bão riêng, những khát khao riêng và điều đó vô tình tạo nên những mâu thuẫn thế hệ.
Mẹ của Hiệp phụ bán tàu hủ mỗi khi con gái bận công việc. Trước đây cô từng không đồng ý việc Hiệp làm công việc này.
"Nếu chúng ta giỏi và vững vàng về tài chính thì hoàn toàn có thể chọn một cuộc sống riêng đi theo đam mê của bản thân, tách biệt với gia đình. Thế nhưng chúng ta có thật sự cảm thấy vui không khi đi một mình trên con đường đã chọn? Mình tin trong sâu thẳm mỗi người vẫn mong mỏi gia đình hiểu và ủng hộ" - Hiệp tâm sự.
6 năm trước, khi Hiệp quyết định sẽ không nộp đơn vào bất cứ công ty nào nữa mà mở quán bán tàu hủ, cô nàng đã vấp phải rất nhiều sự phản đối của bố mẹ và cả người yêu. Sẽ khó có vị phụ huynh nào chấp nhận việc con cái mình miệt mài mấy năm trời trên giảng đường để rồi đi làm một công việc chân tay vất vả.
Đó là còn chưa kể người thân, hàng xóm lời ra tiếng vào: "Chắc con bà đó học dở nên chẳng xin được công ty nào tốt", "Học đại học mà đi bán tàu hủ, tệ thế", "Đi học tốn tiền cha mẹ rồi cuối cùng đi bán hàng"...
Hiệp bảo vui rằng phụ huynh ở Việt Nam có một định nghĩa rằng: Không nghe lời có nghĩa là không thương. Thế nên họ thường buồn lòng khi con cái không nghe theo những định hướng của họ.
Định kiến vốn là một bức tường lớn, Hiệp chưa bao giờ buộc cha mẹ phải nghe theo mình. Cô chọn một con đường đúng để đi, và cố gắng làm thật tốt để bố mẹ sẽ thay đổi theo con đường chung ấy. Đương nhiên là mất khá nhiều thời gian để cả hai phía cùng bước đi chung trên một con đường.
Miệt mài học cách nấu tàu hủ trên internet, với vô số lần nấu thất bại, cuối cùng Hiệp cũng tìm ra cách nấu tàu hủ không dùng các hương liệu tổng hợp mà vẫn giữ được hương vị nguyên chất. Tiệm tàu hủ của Hiệp đã được đông đảo khách hàng đón nhận bởi chất lượng của sản phẩm.
Thu nhập từ tiệm khá tốt tạo một niềm tin ở phía phụ huynh. Vài năm gần đây bố mẹ của Hiệp đã không còn phản đối việc cô từ bỏ tấm bằng đại học để đi theo một công việc mà mình thích.
Nghiêm túc và có trách nhiệm với lựa chọn của bản thân
"Trước đây mình nghĩ mình là người không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Thế nhưng từ ngày làm nghề này, ngày nào cũng phải lao động chân tay.
Vo đậu nhiều đến nỗi chỉ tay cũng mờ đi. Lúc đó mình nghĩ là công việc này vất vả quá, chắc mình không thuộc về công việc này. Mình thuộc về một công việc khác, chưa biết nó là gì nhưng có thể cao sang hơn" - Hiệp cười tâm sự.
Hiệp bán tàu hủ truyền thống, không cố gắng biến tấu cho lạ để thu hút khách.
Nhưng rồi cô nhận ra đó là lựa chọn của bản thân, và lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Cách đây vài năm, việc bán tàu hủ với Hiệp chỉ là một trải nghiệm của tuổi trẻ. Cô nàng muốn dùng những kiến thức mình học được để làm một điều gì đó cho riêng bản thân, để thử sức. Nhưng đến hiện tại bán tàu hủ với Hiệp là sự nghiệp. Cô thật sự nghiêm túc với nó.
"Đến khi mình gặp người yêu mới, bắt đầu nghĩ đến những kế hoạch của tương lai, về một gia đình, thì mình bắt đầu nghiêm túc với công việc này.
Người ta thường bảo trẻ không chơi, già đổ đốn. Mình nghĩ rằng tuổi trẻ mình đã trải qua rất nhiều thứ, mình trải và nghiệm đã đủ rồi, giờ đã đến lúc có trách nhiệm với chính lựa chọn của mình" - Hiệp chia sẻ.
Hiện tại Hiệp dành hết tâm sức của mình để phát triển quán và tạo nên thương hiệu riêng trên thị trường.
Hiệp bảo cực mà sướng là cực lạc, cực mà khổ thì là cực khổ. Đã làm việc thì ai cũng cực, quan trọng là mình cảm nhận như thế nào. Với Hiệp cuộc sống và công việc hiện tại thật sự bình yên như những gì cô mong muốn, và cô chẳng bao giờ hối hận về lựa chọn của mình.