Khởi nghiệp từ một niềm vui
"Anh chị có biết, hoa hồng có đến 1.500 loại, hoàn toàn khác nhau từ cách mọc, cách xếp cánh, mùi hương, màu sắc, viền lá, độ to nhỏ... không?
Trong 1.500 loại đó có khoảng 500 loại có thể nhập được thuần hóa, phát triển, ra hoa được ở Việt Nam, và 150 loại trong đó, do hợp thổ nhưỡng, khí hậu mà đẹp xuất sắc.
Còn các loại hồng cổ như hồng cổ Sa Pa, hồng Bạch Vân Khôi, hồng quế, hồng bạch... đã sinh trưởng hàng nghìn năm trên đất mình thì khỏi phải nói, nó có sức sống mãnh liệt đến nhường nào..." - Phạm Thiên Trang, cô chủ vườn hồng rộng 5.000 m2 giữa Hà Nội đã bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi như thế.
Trò chuyện về hoa hồng, Trang nói mải mê không ngừng, mắt rực sáng lấp lánh, gương mặt ngời lên hạnh phúc như thể một người đang yêu.
Mà có lẽ, cô ấy đang yêu thật, yêu vườn của mình; yêu những khóm hồng đại thụ mà cô lăn lộn khắp Hưng Yên, Yên Bái, Hải Phòng, Nam Định... để săn tìm và nhân giống; yêu những bông Bạch Vân Khôi mỏng manh như sương khói; yêu cây hồng mảnh dẻ gốc Đồng Tháp cho ra đôi đóa hoa to bằng bàn tay, đến lúc gần tàn mới chuyển loang lổ màu da báo bí ẩn; yêu những cây hoa nhập ngoại mỏng manh và kiêu hãnh đang được đóng thùng chuyển cho khách các tỉnh xa...
Những bông hồng nhập ngoại kiêu sa trong nắng...
.. những loài hồng đã được thuần dưỡng hàng trăm năm...
... hoặc những chậu cây bé xinh như thế này sẽ làm duyên cho những nếp nhà, và đem lại doanh thu lớn cho cô chủ.
Trang khởi nghiệp từ niềm hân hoan ấy, đam mê ấy. Cái duyên "xô đẩy" cô gái của đời đầu 9X này đến với vườn hồng, có lẽ là từ những ngày thơ bé, gắn bó với mảnh vườn nhà, Trang từng tự tay trồng và chăm sóc rất nhiều loại hoa.
Rồi đến khi vào đại học, Trang vẫn giữ thói quen phủ kín không gian sống quanh mình bằng hoa.
Hồi ấy, cô chỉ chơi những dòng thân thảo như dạ yến thảo, đồng tiền, cúc, mười giờ - dòng hoa có đặc điểm chỉ chơi được trong một mùa, rồi lại úa tàn và trồng lại từ đầu
Cô quyết định chọn hoa hồng làm điểm nhấn cho start-up của mình.
Thấy hoa mình trồng cứ đua nhau chết, cô gái học ngành kinh tế lên mạng tìm cách chữa trị, gia nhập vào một số hội nhóm chơi hoa, cây cảnh và phát hiện ra đó là một "kho tàng" khổng lồ về kiến thức chăm sóc hoa cũng như một thị trường tiềm năng.
Nhận thấy những người chơi hoa ở ngoại tỉnh gặp khó khăn trong việc mua giống hoa ở địa phương, mua ở Hà Nội cũng không tiện vì các chợ hoa thường chỉ bán theo phiên, có người phải đặt hạt hoa, giống hoa từ nước ngoài rất tốn kém, Thiên Trang nảy ra ý định tìm nguồn cung cấp giá rẻ cho các khách hàng ở khắp nơi.
Tình yêu + kiến thức + kinh nghiệm + nắm bắt cơ hội + kiên trì + mạo hiểm = thành công.
Cô sinh viên hỏi dò nơi bán giống hoa, rồi lọ mọ trưa nào cũng từ Hà Nội về làng hoa ở Hưng Yên "cố thủ" ở các nhà vườn nghe kể chuyện làm giống, cách chăm bón, kinh nghiệm nuôi hoa...
Trang bắt đầu sự nghiệp riêng bằng việc hợp tác với các nhà vườn sản xuất giống cây theo nhu cầu của khách, và chỉ bán online.
"Năm thứ ba đại học, tôi còn rất lơ ngơ. Trong khi bạn bè chơi Facebook từ đời nào, tôi khi ấy mới bắt đầu lập tài khoản.
Khách hàng thì chủ yếu là các anh chị trong các hội chơi hoa, cây cảnh, rồi cứ thế, người này giới thiệu người kia, hệ thống khách hàng của tôi lan dần và có khoảng hơn 100 khách quen trong vòng 1 năm" - cô nhớ lại.
Khách hàng của Trang hiện tại đa phần là khách hàng cũ từ thời cô mới tập tọe kinh doanh.
Sau một thời gian làm việc, Thiên Trang nhận thấy bất cứ người chơi hoa kỳ cựu nào cũng có ít nhất một khóm hồng, và có những người đặc biệt say mê hồng đến mức "cuồng".
Trong hội "cuồng" hoa hồng, thứ khiến người ta khao khát nhất là hồng cổ Sa Pa - loài vừa kiêu sa, sang trọng, vừa mong manh và khó chiều.
Hồi ấy, trong các nhóm chơi hoa chỉ có một thành viên người Sa Pa độc quyền cây con giống hồng này, và mọi người thường phải đợi rất lâu mới đến lượt mình nhận cây, do người Sa Pa không sản xuất đại trà. Đó là lúc cô nhìn thấy cơ hội của mình.
Hầu hết những người mê cây cảnh đều có ít nhất một khóm hồng.
Trang đi khắp các tỉnh phía Bắc, mà nghe nói là có giống hồng ta để tìm hiểu, thì phát hiện ra, thứ hồng ta mà nhiều tỉnh vẫn trồng chính là giống hồng cổ Sa Pa, vốn là giống hoa của Anh được người Pháp mang về trồng.
Ở nhiều vùng quê, những cây hồng như thế được trồng ở rìa vườn, ở góc sân... mà chẳng có mấy giá trị. Trang lùng sục mua gom và nhân giống hồng quý này để bán.
Cô tìm hiểu thêm thì phát hiện ra còn nhiều giống hồng cổ nữa đang "mai danh ẩn tích" nơi các làng quê, và nhanh chóng thu mua, đặt sản xuất cây con.
Người này có được cây lạ, đem khoe, người khác cũng muốn sở hữu một cây, và các cây khác nữa, cứ thế, cơn sốt hồng cổ nóng dần, người chơi, dân kinh doanh và cả các nhà vườn thi nhau lùng sục những cây quý ấy.
Có những khách hàng sẵn sàng chi hàng trăm triệu để có một cây hồng ưng ý.
Thiên Trang tự hào khoe, mình đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc vực dậy thú chơi hồng cổ của người yêu hoa.
Cô bật mí, trong cơn sốt, cô đã từng phải bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu để rước về một vài bụi hồng đại thụ độc đáo; và cô có những khách hàng phải đợi đến 4 tháng mới đến lượt "đón" một cây con hồng cổ về nhà.
Cứ thế, từ chỗ chỉ bỏ vốn rất ít, đứng ra làm trung gian và kinh doanh nhỏ, Thiên Trang đã trở thành bà chủ một vườn hồng nhỏ có vốn 100 triệu khi học Đại học năm thứ tư, sau đó là đầu tư hàng tỷ đồng cho vườn hồng 5.000 m2 hiện tại, doanh thu từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/tháng với dịch vụ chính là cung cấp cây giống và thiết kế công trình vườn hồng cho các nhà dân, biệt thự.
Vườn hoa "bé xinh" của Trang có đến hàng vạn gốc hồng cổ và hồng ngoại.
Cụm từ "đi làm thuê" không có trong từ điển khởi nghiệp của tôi
Hành trình khởi nghiệp của Trang, nghe qua có vẻ không mấy gập ghềnh và tốn kém, nhưng cô gái trẻ đã từng chịu rất nhiểu áp lực từ phía gia đình, đặc biệt là bố mẹ cô.
Bố mẹ Trang sinh ra từ làng quê, gắn bó với ruộng đồng, với nắng mưa đổi mùa để nuôi anh em Trang khôn lớn.
Từ nhỏ, cả ba anh em Trang đều được dạy phải học thật xuất sắc để khi ra trường xin được việc làm thật tốt, nhàn hạ và "sang". "Việc tôi có bằng giỏi trường Đại học Kinh tế Quốc dân là "hậu quả" của tư tưởng ấy đấy" - Trang cười bảo thế.
Năm thứ hai, cô sinh viên nhanh nhạy cùng hùn vốn với bạn bè để mở một trung tâm dạy tiếng Anh và kỹ năng sống cho các bạn trẻ, thu nhập ngót 20 triệu/tháng, có tháng lên đến 50 triệu.
Đó là lúc Trang bắt đầu nghĩ, khi ra trường, cô sẽ làm cái gì đó của riêng mình, chứ không đi làm thuê, dù cho ở công ty nước ngoài hay làm giảng viên, như bố mẹ cô từng kỳ vọng.
Lúc đó, thấy con bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, nhưng dầu sao vẫn là kinh doanh chữ nghĩa, bố mẹ Trang cũng không ý kiến gì.
"Khởi nghiệp cũng giống như tỉa hoa hồng...
... phải mạnh dạn cắt thật "đau", thật sâu, dù hoa vẫn đẹp thì hồng mới nảy chồi non, mới tạo nụ".
Đến khi ra trường, Trang nghỉ hẳn làm ở trung tâm và quyết tâm ra riêng, mở vườn hồng lập nghiệp. Cô gái trẻ vấp phải phản đối dữ dội từ phía gia đình.
Bố mẹ không muốn cô "đâm đầu vào ruộng đất" như thế. Giận dỗi, ngăn cản mãi chẳng được, bố mẹ Trang "hờn mát" cô mỗi khi bạn bè đến nhà, so sánh cô với "con nhà người ta".
Mãi đến gần đây, khi vườn hồng đi vào ổn định, Trang mới mời bố mẹ lên tham quan để hiểu cái sự nghiệp "buôn hoa" của mình.
Bố mẹ cô lúc đó mới biết, với vườn hồng quy mô 5.000 m2, có nhân viên chăm sóc hoa, nhân viên bán hàng, doanh thu mỗi tháng hàng tỷ, Trang không phải đầu tắt mặt tối như những người nông dân thuần túy, và mới yên tâm về con hơn một tí.
Sản phẩm chủ lực ở vườn hồng của Trang là bán cây hoa thành phẩm và thiết kế công trình hoa.
Việc chăm sóc và nhân giống hoa, đặc biệt là các giống cổ cũng được chú trọng.
Thiên Trang chia sẻ, "ngay từ thời sinh viên, tôi đã tâm niệm mình sẽ không đi làm thuê, dù là cho công ty của anh trai, mà sẽ khởi sự làm một cái gì đó thật riêng.
Lúc làm trung tâm tiếng Anh và kỹ năng sống, tôi đã từng nghĩ, nó sẽ là sự nghiệp của mình. Nhưng đến khi tốt nghiệp, tôi rút hẳn khỏi trung tâm để tập trung làm hoa hồng, và tìm thấy niềm hạnh phúc trong từng nhánh cành, từng bông hoa.
"Hạnh phúc của tôi là đây, là những đóa hồng bung nở mỗi ngày."
Bố mẹ tôi và ai đó có thể nghĩ, học đại học, lại có bằng giỏi mà "đi buôn", đi làm nông dân thì thật phí tiền học, phí thời gian, phí công sức bỏ ra học hành, phí sự đào tạo của nhà trường...
Nhưng tôi nghĩ khác. Những kiến thức về quản trị, tư duy logic, kỹ năng mềm như giao tiếp, trò chuyện và chăm sóc khách hàng, khiếu thẩm mỹ, khả năng ứng dụng công nghệ... tôi được học trên giảng đường cũng như quá trình làm việc bên ngoài, tất cả được dùng vào việc kinh doanh, không phí một chút nào.
Một người nông dân, một người bán hàng có học cũng khác chứ!".
"Tôi tin rằng, một người có trí tuệ và học thức, đi làm bất cứ nghề gì cũng có lợi thế hơn"
Thiên Trang tiết lộ, dù doanh thu từ vườn hoa hiện tại thuộc dạng đáng mơ ước so với nhiều người trẻ, đó chưa phải là điểm dừng của cô.
Trang cho hay, trong tương lai gần, cô sẽ mở thêm nhiều vườn hồng nữa ở các tỉnh lẻ, mở rộng thị trường cũng như ấp ủ kế hoạch "lấn sân" sang lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ du lịch sinh thái.
Tôi dường như sống chậm hơn những người cùng thế hệ mình...
"Tôi nghĩ, người trẻ có học đừng ngần ngại khởi nghiệp, đừng ngần ngại làm khác ngành nghề, bởi cuộc sống có nhiều lựa chọn, và bạn mới là người xác định, mình thích hợp nhất, say mê nhất với ngành nghề gì, chứ không phải dư luận xã hội hay áp lực gia đình" - cô chủ vườn hồng quả quyết.
Và tất cả mới chỉ là khởi đầu...