Có đề xuất áp giá sàn vé bay, hãng hàng không bảo không nên làm vậy

Dy Khoa |

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc có quy định về giá sàn vé bay là "hay và hợp lý".

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 6/4, tham gia góp ý về Luật giá (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa, bên cạnh giá tối đa (giá trần) như hiện nay.

Theo đại biểu, hiện nay có tình trạng các hãng hàng không tung ra giá vé máy bay 0 đồng. Điều có lợi cho khách bay nhưng không tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng bay. Đại biểu cho rằng nếu không có quy định về cả giá trần và giá sàn thì sẽ có tình trạng "mạnh ai nấy làm", khó thuyết phục các nhà đầu tư muốn rót vốn vào các hãng hàng không.

Bên cạnh đó, về việc một số hãng hàng muốn bỏ quy định giá trần vì lỗ, đại biểu Hòa cho rằng tình trạng lỗ vừa rồi của các hãng phần lớn do tác động của dịch bệnh Covid-19 chứ không phải do giá trần.

"Thua lỗ thời gian qua là do dịch Covid-19, không phải do giá trần. Nếu lỗ thì làm gì có chuyện hãng hàng không Bamboo Airways mới vận hành, làm gì có nhà đầu tư chuẩn bị rót vốn, xin mở mới hãng hàng không tại Việt Nam. Tôi cho rằng đây là những vấn đề lợi ích của doanh nghiệp, do đó họ không muốn có giá trần", ông Hòa nêu quan điểm.

Trong phần giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá kiến nghị về quy định giá sàn của đại biểu Hòa là "rất hay và hợp lý".

Theo Bộ trưởng, với các hãng bay chuyên nghiệp, giá vé 0 đồng hay 200.000-500.000 đồng cũng không đủ chi phí nhiên liệu, chưa tính tới tiền lương cho người lao động hoặc chi phí khấu hao.

"Cần phải có giá sàn để bảo vệ doanh nghiệp, tránh các hãng hàng không chuyên nghiệp bị đánh bại bởi các hãng hàng không giá rẻ, dẫn đến vấn đề lợi nhuận độc quyền", Bộ trưởng phát biểu và cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

Có đề xuất áp giá sàn vé bay, hãng hàng không bảo không nên làm vậy - Ảnh 1.

Vietravel Airlines cho rằng, nếu áp giá sàn vé bay sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường. Ảnh: Dy Khoa.

Hãng hàng không nói gì về đề xuất giá sàn vé bay?

Chia sẻ với báo chí, đại diện hãng hàng không Vietravel Airlines cho rằng, việc áp dụng giá vé tối thiểu như vậy sẽ giảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng sự phục hồi của ngành hàng không, thậm chí triệt tiêu bản chất vốn có của kinh tế thị trường.

Theo hãng này, hiện tại cơ quan quản lý Việt Nam đã có quy định giá trần với đường bay. Theo đó, đường bay dưới 500 km có mức giá vé tối đa 1 chiều là 1,6 triệu đồng/vé cho đường bay kinh tế, xã hội và 1,7 triệu đồng/vé cho các đường bay khác.

Những đường bay có khoảng cách từ 500 km đến dưới 850 km, giá vé tối đa 2,2 triệu đồng/vé 1 chiều. Từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa 2,79 triệu đồng/vé. Còn với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối đa 1 chiều là 3,75 triệu đồng/vé.

Nếu việc áp dụng giá sàn tại thị trường hàng không Việt Nam thì trở thành vấn đề "chưa có tiền lệ. Trên thế giới, hiện tại cũng không có quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn", theo Vietravel Airlines.

Đại diện hãng hàng không tư nhân này cũng dẫn chứng một số quốc gia đã bỏ quy định về giá sàn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016- 2017, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã quyết định bãi bỏ quy định giá vé tối thiểu cho vé máy bay sau một thời gian ngắn áp dụng vì nhận ra mất nhiều hơn được khi đánh mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác trong khu vực. Bên cạnh đó, ngành du lịch các quốc gia này bị sụt giảm vì giá vé bay kém cạnh tranh.

Trong khu vực Đông Nam Á, tại các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia, các hãng hàng không cũng thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định và tự điều chỉnh theo xu hướng cung và cầu vào từng thời điểm.

Đại diện Vietravel Airlines nói tiếp: "Việc áp dụng giá sàn hoặc giá trần sẽ triệt tiêu yếu tố kinh tế thị trường theo đúng bản chất của nó chứ không mang lại lợi ích trong việc điều hành và phát triển dịch vụ của hãng hàng không, đồng thời việc áp khung giá cũng sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh và gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng".

Cụ thể, khi đưa ra mức quy định về khung giá sẽ khiến vé máy bay về cùng một mức, dần sẽ triệt tiêu tính năng động và đa dạng của ngành hàng không, từ phía người tiêu dùng cũng mất đi cơ hội có thêm nhiều lựa chọn phù hợp.

Ngoài ra, các hãng hàng không giá rẻ sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng khi những hãng hàng không nổi tiếng có nhiều dịch vụ trọn gói hơn sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Quan trọng hơn theo Vietravel Airlines, mức giá sàn cũng phải được xem xét kỹ lưỡng vì nếu cơ quan quản lý Việt Nam đề xuất giá sàn ở mức khá cao sẽ dẫn đến tình trạng không thể tiếp cận được khách hàng ở phân khúc thấp. Việc áp dụng giá sàn vào giá vé máy bay được xem như đang đi ngược xu hướng phát triển của thế giới, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, đại diện Vietravel Airlines lo ngại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại