Bỏ chồng trốn ra ngoài
Loanh quanh xem mặt một hồi, sau khi các dâu, rể ra về hết, chỉ còn lại loáng thoáng mấy madam và người của công ty môi giới đang bàn chuyện với nhau. Tôi không vội về, nán lại một chút ngồi tâm sự cùng madam Th..
Theo madam Th., có nhiều cô gái sau khi theo chồng sang Hàn Quốc liền bỏ chồng và trốn ra ngoài. Vì vậy, mỗi cô dâu khi trúng tuyển cần phải nộp cho các madam 15 triệu đồng.
Trong đó 5 triệu sẽ dùng để làm các giấy tờ, thủ tục cho cô dâu và phí môi giới. 10 triệu còn lại là số tiền đặt cọc cho môi giới, coi như là phí "thế thân" giữ chân cô dâu.
Sau 6 tháng sang Hàn Quốc, nếu cô dâu thuận lợi ở nhà chồng sẽ được nhận lại 10 triệu đó. Madam Th. tâm sự: "Có đặt cọc mới có uy tín. Không có đặt cọc, hôn nhân hỏng, dâu bỏ rể bỏ thì chẳng có gì cam kết, bồi thường".
Rồi madam Th. kể cho tôi nghe trường hợp của một cô gái tên H. đã bỏ người chồng Hàn Quốc của mình sau 1 tháng 4 ngày kể từ khi đặt chân sang làm dâu xứ người.
H. là dâu của madam L., còn bản thân madam Th. là người dẫn mối của chú rể. Sau khi xem mặt hàng chục cô gái, chú rể đã lựa chọn H..
Đến gần ngày đóng visa, mọi người (trừ chú rể) mới ngã ngửa khi biết thông tin H. đã có con ngoài giá thú với một giám đốc công ty mắm Cát Hải. Họ đã tổ chức cưới với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Con của H. đứng họ mẹ.
Madam Th. trò chuyện với các dâu chuyện lấy chồng Hàn.
Tuy nhiên, sang bên Hàn Quốc được một thời gian thì H. bỏ nhà chồng và trốn ra ngoài. "Tìm hiểu ra mới biết nó đi làm gái ở bên ấy. Chú rể sau đó đã làm giấy hủy hôn. Hiện chú rể đang có ý định về Việt Nam lấy vợ lần nữa" – madam Th. nói.
Gần đến ngày lên máy bay, bỗng nhiên bồ của H. gửi cho chú rể bên Hàn Quốc ảnh nhạy cảm của mình với H., ảnh đứa con…khiến chú rể vô cùng tức giận. Sau khi được giải thích, chú rể đã yêu cầu H. chấm dứt với người tình ở Việt Nam.
Cô bạn D.L. của tôi cũng cho biết trường hợp của một cô gái khác tên T. lấy chồng Hàn Quốc năm 18 tuổi. Sang làm dâu xứ người, một thời gian, T. quen và yêu một anh chàng người Việt lao động bên Hàn.
Sau đó, T. mang thai với anh ta, liền bỏ chồng, trốn ra ngoài và tìm cách trở về Việt Nam.
Về Việt Nam, không công việc, không thu nhập, T. cùng con sống nhờ bố mẹ đẻ. Thỉnh thoảng T. lại ôm con sang nhà anh chàng người Việt kia nhưng gia đình anh ta không chấp nhận.
"Đến bây giờ mình cũng không còn nhận được tin gì của T. nữa" – D.L. nói.
Theo D.L., ở bên Hàn Quốc, đàn ông đi làm từ sáng đến gần đêm mới về. Họ không có thời gian để dành cho việc yêu đương.
Họ cũng không thể quan tâm đến vợ con sát sao như đàn ông Việt Nam. Thậm chí ban ngày vợ của họ đi chơi bời, giao lưu với ai, làm gì, họ cũng không thể biết được.
"Có lẽ vì sự thiếu quan tâm của các đức ông chồng, lại đang tuổi xuân sắc nên nhiều cô dâu Việt không chịu được cảnh cô đơn.
Khi đã có chút vốn về tiếng, họ nghe theo tiếng gọi của con tim, sẵn sàng bỏ trốn ra ngoài cùng người tình" – D.L. thở dài.
Muốn lấy chồng Hàn cần có 5 biết
Bà Vũ Thị Kim Liên-Phó Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ TP.Hải Phòng cho biết, các tụ điểm nhỏ lẻ môi giới chồng Hàn cho cô dâu Việt thường xuyên thay đổi nên hội không thể nắm rõ được.
Còn địa điểm trung tâm tiệc cưới ở xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên đã từ lâu đã trở thành nơi xem mặt dâu Việt rể Hàn. Sau khi đổi chủ, hoạt động môi giới vẫn tiếp tục được diễn ra tại đây.
"Hội đã từng đề xuất với cơ quan chức năng vào cuộc xử lý địa điểm này. Bây giờ, thấy báo chí và người dân tiếp tục phản ánh, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị để xử lý, giải quyết" – bà Liên khẳng định.
Ngay trước trụ sở hội LHPN Hải Phòng là trung tâm Tư vấn pháp luật, được xây dựng từ năm 2005, đúng lúc Hải Phòng rộ lên làn sóng lấy chồng nước ngoài.
Từ năm 2006 đến 31/8/2017, Trung tâm đã tư vấn cho 9.713 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó có 7.716 trường hợp kết hôn với người Hàn Quốc và 1.997 trường hợp kết hôn với người Trung Quốc và các nước khác.
Qua tư vấn, các tư vấn viên của Trung tâm nhận thấy nhiều cô gái đến với Trung tâm đều trong tình trạng "4 không": Không biết tiếng Hàn; không hiểu truyền thống văn hóa; không hiểu hoàn cảnh gia đình chú rể, thậm chí cả bản thân chú rể và cuối cùng là không có điều kiện đảm bảo hạnh phúc.
Như vậy rất ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình cũng như hạnh phúc hôn nhân của các cô gái sau này, khi đặt chân đến một đất nước hoàn toàn xa lạ.
Bà Liên cũng cho biết, việc lấy chồng ngoại quốc là bình thường trong phát triển, hội nhập. Ước mơ có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình của phụ nữ là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, phụ nữ Việt cần phải hiểu rõ về "5 biết" trước khi quyết định lấy. "5 biết" đó là: Biết ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán; biết tình trạng sức khỏe của người sẽ kết hôn; biết hoàn cảnh gia đình của người sẽ kết hôn; biết pháp luật hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân thành công và thất bại.