LTS: Dù những con số là rất ấn tượng, nhưng câu chuyện của Nguyễn Thùy Nguyên Sa (sinh năm 1988) không chỉ dừng ở lại ở những con số cửa hàng hay doanh thu rực rỡ, mà đằng sau đó là niềm đam mê theo đuổi ước mơ của một cô gái trẻ bất chấp mọi thất bại.
Nếu phải mô tả về Nguyên Sa trong 3 từ, tôi sẽ dùng hình ảnh “Con lật đật” để nói về hành trình 6 năm lập nghiệp của cô gái đầy nghị lực này. Sau bao lần vấp ngã, “con lật đật” Nguyên Sa lại tự mình đứng lên đầy mạnh mẽ…
Từ 20 triệu đồng khởi nghiệp đến con số 32 cửa hàng và 10 tỷ lợi nhuận
Tôi vốn là kiểu người không thích chờ đợi, với tôi “Đam mê là phải làm ngay, làm hết mình, bằng mọi giá”.
Tôi bỏ ngang đại học từ năm 2 để tập trung toàn tâm ý vào niềm đam mê: thời trang. Cơ hội đầu tiên đến khi tôi gặp một anh bạn đề nghị hợp tác bán quần áo online lấy thương hiệu tên tôi.
Nhận thấy thời điểm ấy thị trường thời trang nam giới đang phát triển, tôi quyết định vay mẹ 20 triệu đồng để đầu tư phi vụ làm ăn này với lời thề “Nếu con có đi ăn xin chăng nữa, con cũng sẽ kiếm trả đủ tiền cho mẹ, không thiếu đồng nào”.
Dưới con mắt của gia đình khi ấy, tôi chỉ là một đứa con gái thất học, không ai trong nhà ủng hộ con đường tôi đi, tôi chẳng có điểm tựa tinh thần nào ngoài bản thân.
Nhưng cuộc đời không như là mơ, 20 triệu đầu tư vào lô hàng 100 chiếc áo sơ mi nam đầu tiên cho kết quả be bét.
Lần đầu tôi thuê người gia công thiết kế của mình để rồi nhận lại sản phẩm xấu và lỗi.
Anh bạn làm chung từ chối hợp tác, tôi ôm phân nửa đống sản phẩm lỗi về nhà mà không biết phải làm gì tiếp theo. Cùng đường, tôi đánh liều đăng ảnh sản phẩm lên mạng bán với giá 50.000 đồng/áo.
Áo dù may xấu nhưng thiết kế vẫn đẹp, giá lại rẻ nên khách hàng bất ngờ đặt mua ào ào.
Ba tháng sau khi nghỉ học, Nguyên Sa vùi đầu vào đam mê thời trang. Cô mua vải vụn thừa, mua sách dạy may về tự học. Mỗi ngày cô chỉ ngủ 2 giờ đồng hồ và dành trọn 22 giờ còn lại tìm tòi, mày mò thiết kế từ kiểu này đến kiểu khác.
Để tiêu thụ hết sản phẩm, tôi bán thêm chiếc xe Wave Alpha được 7.5 triệu để đầu tư tiền mua vải về bán tiếp. Không có xe máy, tôi dùng xe điện để chở vải, chở hàng.
Xe điện nhỏ nên có những lúc đi đường, chồng vải nặng quá đổ ngang, đổ dọc, thậm chí có hôm bị tai nạn chân tay trầy xước hết.
Có những hôm 11 giờ khuya, tôi vẫn còn lang thang ngoài đường chở hàng về nhà bị công an thổi phạt, họ nhìn thấy con gái đêm hôm một mình chở chồng đồ cao ngất thấy tội nên cho đi.
Hồi đó chẳng có ai ủng hộ tinh thần hay san sẻ công việc, tôi cứ tủi thân, tối về nhà nằm khóc miết.
Cũng may thời điểm đó thương mại điện tử bắt đầu phát triển, tôi là một trong những khách hàng đầu tiên của một shop bán hàng online, những bài viết về sản phẩm của tôi được họ hỗ trợ đăng trên trang chủ nên được rất nhiều người quan tâm.
Những mẫu thiết kế của tôi lại hợp thời trang, cập nhật xu hướng giới trẻ nên khách hàng rất thích, mỗi ngày tôi bán được đến 2 triệu đồng.
Sau 7 tháng, tôi thuê được một căn nhà nhỏ ở cư xá Bắc Hải, tự vẽ bảng hiệu, tự sơn nhà và trang trí, đó là cửa hàng đầu tiên của tôi.
Thời điểm đó, tôi bán rất đắt hàng, shop nhỏ xíu chỉ chừng 14m2 mà khách hàng đứng kín hết cả lối đi. Mùa Tết năm ấy, tôi cầm trong tay 200 triệu đồng mà bất ngờ không tin nổi.
3 năm vất vả, Nguyên Sa đã đạt được thành quả xứng đáng với những nỗ lực của mình: Mở được 32 cửa hàng và thương hiệu mang tên cô nổi tiếng khắp cả nước.
Đó là thành quả đầu tiên, dẫn đường cho tôi chạm đến những thành công khác.
Năm 2011, tôi mở 4 cửa hàng theo hình thức nhượng quyền, năm 2012 mở 20 cửa hàng và đỉnh điểm là năm 2013 tôi mở 32 cửa hàng, mở rộng chi nhánh từ Sài Gòn ra các tỉnh Phú Quốc, Đà Nẵng, Biên Hòa, Bình Dương với tổng doanh thu lên đến 10 tỷ đồng.
“Khi ngồi trên một đống tiền, tôi mới nhận ra tiền không đem lại hạnh phúc”
“Thuyền to ắt có sóng lớn”, câu này quả rất đúng với câu chuyện của tôi. Khi tôi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp thì bao biến cố dồn dập ập đến.
Những cuộc cạnh tranh thương hiệu không lành mạnh, tranh giành khách hàng liên tục xuất hiện. Hàng loạt cửa hàng mở sau nhái logo, màu sắc, kiểu dáng sản phẩm của tôi suốt một thời gian dài.
Áp lực công việc lớn nhưng tôi lại không tìm được sự đồng cảm từ chồng mình, mỗi lần chia sẻ là mỗi lần mâu thuẫn, tinh thần tôi càng khủng hoảng nghiêm trọng.
Đã có lần tôi từng cắt tay tự tử vì uất ức nhưng có lẽ bản năng sống còn, tôi không dám chết thực sự, đành vực dậy tiếp tục chiến đấu.
Sau bao thăng trầm trong sự nghiệp, Nguyên Sa nhận ra tiền bạc không đem lại cho cô hạnh phúc, đã có lúc cô muốn lui về an phận với vai trò một phụ nữ trong gia đình.
Cuối năm 2013, sau khi giải quyết được mớ bòng bong của công ty, tôi quyết định ly hôn.
Quá trình ly hôn lê thê kéo theo hàng loạt mâu thuẫn, tranh chấp khiến tôi lơ là và bỏ bê công việc, tôi giao hết mọi việc cho một đồng nghiệp thân tín điều hành để rồi phát hiện anh ta có âm mưu thâu tóm công ty.
Dù sau đó tôi đã giành lại được công ty, nhưng việc kinh doanh cũng tụt dốc từ đó, từ 32 cửa hàng chúng tôi chỉ còn 9 và mất đi rất nhiều khách hàng.
Sau tất cả, tôi vẫn chỉ là một người phụ nữ, có lúc tôi giật mình tự hỏi “Tại sao xung quanh tôi bao người phụ nữ khác đều có cuộc sống yên bình?
Họ có thể không giàu có, nhưng họ hạnh phúc vì được chăm chồng, chăm con.
Phải chăng vì tôi đã quá mạnh mẽ và giành hết công việc của chồng nên cuộc hôn nhân của chúng tôi mới tan vỡ?”.
Tôi quyết định tái hợp với chồng, lùi về an phận vai trò một người phụ nữ của gia đình, giao hết công việc ở công ty cho chồng để sống một cuộc đời bình thường như bao người.
Nhưng tôi đã lầm. Cuộc hôn nhân tái hợp không hạnh phúc như tôi mong đợi, chúng tôi không thể hòa hợp và cuộc sống ngột ngạt đến mức tôi phải bồng con bỏ nhà ra đi.
“Lúc ấy nhìn lại, tôi gần như tay trắng khi trong tài khoản ngân hàng chỉ còn đúng 100 triệu đồng.
Tôi tâm sự với bạn mình, hay là cứ cầm số tiền này buôn bán gì đó nho nhỏ, lập nghiệp lại từ đầu thì tôi vẫn có thể nuôi con được mà”.
Nhưng bạn tôi quyết ngăn cản, bảo tôi phải quay về giành lại tất cả những gì tôi đã tự tay gây dựng. Rốt cuộc thì tôi cũng đã làm được, tôi ly hôn và trở thành người mẹ đơn thân, bắt đầu xây dựng sự nghiệp lần nữa.
Sau bao thăng trầm, tôi cảm thấy mình may mắn vì thương hiệu thời trang của tôi vẫn có chỗ đứng trong lòng khách hàng, đó là lý do sau bao thất bại hiện tôi vẫn còn giữ được 7 cửa hàng thời trang nam và đang trên đà xây dựng một thương hiệu thời trang dành cho nữ.
Sau 6 năm kinh doanh thời trang nam, giờ Nguyên Sa đang trên đà xây dựng thương hiệu thời trang dành cho nữ.
Cô cũng thường xuyên tự làm mẫu cho các thiết kế của mình.
Tôi đã có một khởi đầu gian khó khi khởi nghiệp từ đồng vốn ít ỏi. Tôi đã phải tiết kiệm từng đồng bạc lẻ khi chạy xe 10 cây số trong đêm để đến cửa hàng đơm nút rẻ hơn nơi gần nhà chỉ 400 đồng.
Ngày đó, ngoài khát khao chinh phục ước mơ, tôi chỉ nghĩ đơn giản nếu có nhiều tiền tôi sẽ mua nhà mua xe, sẽ sắm quần áo thoải mái mà không cần nghĩ ngợi gì nhiều.
Thế nhưng khi đã trở nên giàu có, tôi cảm thấy mình rất cô đơn, tôi không có người thân bên cạnh, tôi không hạnh phúc trong hôn nhân. Khi ấy tôi nhận ra tiền bạc thật phù du và vô dụng biết bao.
“Sau tất cả, tôi không bỏ cuộc vì đam mê quá lớn”
Trải qua cuộc hôn nhân thất bại, tôi ngộ ra cuộc đời này được mất thường song hành với nhau.
Tự đáy lòng, tôi lúc nào cũng ảo tưởng rằng tôi sẽ tìm được một người đàn ông hiểu mình và chia sẻ mọi điều với mình trong cuộc sống mà không nhận ra rằng để hạnh phúc trong tình yêu, đôi khi người ta phải đánh đổi bằng nhiều đau khổ.
Giờ thì tôi vẫn tin vào tình yêu nhưng chấp nhận rằng không có tình yêu hoàn hảo, rằng không có ai hoàn toàn hợp nhau.
Nguyên Sa đang sống cùng cậu con trai 3 tuổi. Cô cho biết mình hài lòng với cuộc sống hiện tại dù sự nghiệp đã qua giai đoạn đỉnh cao.
Nói về quãng đường kinh doanh đã qua, tôi đã từng thành công huy hoàng và cũng nếm trải đủ mùi thất bại.
Những khó khăn chồng chất khó khăn làm tôi muốn bỏ cuộc không biết bao lần, nhưng lý do khiến tôi dù vấp ngã nhiều lần vẫn muốn đứng dậy tiếp tục chiến đấu chính là vì đam mê. Đam mê trong lòng tôi thật sự rất lớn.
Người ta nói chỉ tay quyết định cuộc đời con người, nhưng chỉ tay lại nằm trong lòng bàn tay chúng ta và bạn có thể trở thành bất kỳ ai bạn muốn.
Tôi muốn trở thành Amanricio Ortega, ông chủ thương hiệu Zara – người khởi nghiệp năm 40 tuổi từ vị trí người giúp việc trong một cửa hàng giặt ủi và đến nay đã có 6500 cửa hàng thời trang trên toàn thế giới.
Tất nhiên, đây chỉ là ước mơ thôi, tôi không chắc mình sẽ làm được như Ortega nhưng ít nhất tôi có một mục tiêu. Tôi mơ ước sẽ xây dựng một thương hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế và chinh phục thị trường thời trang thế giới.
Sau tất cả, Nguyên Sa không bỏ cuộc vì niềm đam mê quá lớn, cô mơ ước sẽ gầy dựng được một thương hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế và chinh phục thị trường thời trang thế giới.
Bạn hỏi tôi có hạnh phúc không, tôi sẽ trả lời lúc này tôi đang học cách hạnh phúc với những gì mình có thay vì cứ mãi đau khổ theo đuổi những ảo mộng mình vẽ trong đầu.
Bạn thấy đấy, tôi có một sự nghiệp ổn định, tôi có một đứa con trai ngoan ngoãn, thông minh và rất biết thương mẹ, tôi có một ước mơ để theo đuổi.
Bây giờ mục tiêu của tôi không còn là tiền nữa, tôi đang học cách tận hưởng những điều hạnh phúc nhỏ bé mỗi ngày.