Trong vòng hơn 1 năm nay, nhà chị Kim Anh (Hà Đông, Hà Nội) đã đổi đến 5 "đời" osin, người vì lý do bất khả kháng, người vì chị không chịu nổi nên đành cho nghỉ.
Nhà chị bắt đầu phải thuê giúp việc từ khi em bé của chị 7 tháng tuổi – thời điểm mẹ phải trở lại làm việc. Chị kể, 3 người giúp việc đầu mình rất ưng, vừa chăm chỉ, thật thà lại biết cách chăm sóc em bé.
KIm Anh phải thuê giúp việc từ khi em bé được 7 tháng tuổi.
Khổ nỗi, người đầu tiên làm được một thời gian ngắn thì con gái đẻ nên nghỉ làm về chăm con. Người thứ hai cũng mới gắn bó được ít ngày thì con dâu lại sinh cháu, bà lại về thăm nuôi rồi ở quê luôn.
Đến người thứ ba không có chồng, chỉ có một con trai đã lớn và chưa lập gia đình, chị Kim Anh đã mừng thầm, bà này sẽ ở lại giúp gia đình chị lâu lâu, thì lại có việc đột xuất ở quê nên về.
Nhà chẳng có ai hỗ trợ trông con, dọn dẹp nhà cửa, chị Kim Anh đành phải tìm người trám chỗ. Và đó là lúc mọi sự rắc rối bắt đầu.
Lương gần 5 triệu vẫn thích "cò quay" tiền, rỗi việc lại đi nhặt đồng nát kiếm thêm
Bà giúp việc thứ tư – người gây "ấn tượng" nhất với gia đình Kim Anh tên Đ., sinh năm 1959, quê ở Mỹ Đức, Hà Tây cũ.
Bà Đ. có kinh nghiệm nhiều năm đi làm giúp việc, từng làm cho mấy nhà trong khu Kim Anh ở rồi mới được giới thiệu đến làm cho nhà cô.
Mới đầu gặp gỡ và sau 1 tháng thử việc, cả nhà Kim Anh đều ưng bà Đ. Họ hàng đến chơi đều khen bà chất phác, thật thà, quý em bé và chăm sóc bé cẩn thận.
Cô rất vui, thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng tìm được người ưng ý ngang với những người giúp việc trước.
Bà Đ. thể hiện rất tốt trong thời gian đầu làm việc, khiến gia đình chị hy vọng bà sẽ gắn bó lâu dài.
Tuy nhiên, sau 1 tháng đó, bà Đ. bỗng thay đổi thái độ.
Kim Anh cho biết, ngay từ khi mới gặp nhà cô, bà giúp việc đã than thở hoàn cảnh, nào là chồng bị bệnh tim, con trai lớn uống rượu say trúng gió chết năm 24 tuổi, nào là cháu nội suốt ngày ốm đau, bố thằng bé (tức con trai thứ hai của bà) chơi lô đề, cá độ nợ 500 triệu nên giờ bà đi làm giúp việc để trả nợ cho con…
Theo thỏa thuận, lương cứng của bà Đ. sẽ là 4,5 triệu, ăn uống cùng gia đình, nhưng thương hoàn cảnh bà Đ., nhà cô tháng nào cũng cho thêm 600 – 700k nữa. Tính sơ sơ chi phí trả cho bà Đ. rơi vào gần 7 triệu đồng.
"Công việc của bà Đ. tại nhà mình cũng không quá bận rộn, chủ yếu làm các việc phụ như nấu cơm, hút bụi, lau nhà, giặt quần áo cho bé, phơi và gập quần áo người lớn.
Nhà mình là căn hộ tại một chung cư cao cấp ở Hà Đông, nên cũng không phải leo tầng lầu hay dọn dẹp gì quá nhiều.
Việc vất vả nhất của bà giúp việc trong ngày là chăm em bé trong thời gian mình đi làm và chồng mình phải làm việc.
Anh làm về viễn thông, và thường làm việc ở nhà, bận nhất trong khoảng từ 13 giờ đến khuya. Bà Đ. thường trông bé từ trưa đến chiều, khi mình về là trả bé.
Chỉ cần biết thu xếp việc, bà hoàn toàn có thời gian nghỉ ngơi, không đến nỗi đầu tắt mặt tối, nên mình nghĩ mức thu nhập như thế là khá ổn.
Bà ấy thậm chí còn có thời gian rảnh để đi chơi tụ tập với các bà giúp việc nhà khác và nhặt đồng nát kiếm thêm nữa" – Kim Anh chia sẻ.
Nhà có điều kiện kinh tế khá nên chị chi khá đậm cho osin, chỉ mong con mình được chăm sóc tốt.
Tháng đầu, bà Đ. vui vẻ với mức thu nhập đó, nhưng càng ngày bà càng làm chủ nhà khó chịu vì dường như không biết đủ, thường gạ gẫm xin thêm tiền, nếu không cho thì lại xin về quê vì các loại lý do khác nhau (mà lần nào về quê, vợ chồng cô cũng phải đưa tiền đi lại và cho thêm cháu bà).
Nhưng điều khiến gia đình Kim Anh bực nhất, ngoài việc hay gạ xin tiền và ăn bớt giờ làm để đi nhặt đồng nát, đó là bà Đ. có thói "tiện tay" nhặt nhạnh đồ đạc nhà cô mà không hỏi ý kiến, có khi còn lấy trước xin sau.
Thêm vào đó, bà Đ. cũng có biểu hiện làm việc nhà qua loa, ẩu và không sạch sẽ. Khi bị người nhà góp ý, bà tỏ ra không hài lòng, rất hay cãi kiểu viện lý do và lần sau đâu lại vào đấy. Chuyện này cũng khiến Kim Anh khó chịu ít nhiều.
Kinh hoàng đút cháo kiểu "mớm mồi", cắn cấu em bé nhà chủ
"Những cái khác còn chịu được, nhưng điều khiến mình bức xúc nhất là bà Đ. khác biệt với vợ chồng mình về cách chăm sóc em bé.
Bé nhà mình ăn dặm tự chỉ huy, các kỹ năng xử lý đồ ăn rất tốt. Mình và chồng mình chủ yếu lo việc nấu nướng cho bé, bữa nào cũng rất nhiều món cho bữa ăn sinh động, đa dạng thực phẩm.
Tuy nhiên, bà Đ. than thở chồng mình mỗi lần nấu nướng cho bé là bày bừa, để bà ấy dọn mệt nên tự ý nấu cháo để "nhồi" con mình cho nhanh.
Bà ấy còn mở Ipad cho bé vừa ăn vừa xem. Bé toàn vừa ăn vừa oẹ, ăn xong còn nôn trớ hết.
Em bé BLW khi bị ép ăn cháo kiểu "nhồi vịt", "mớm mồi" khiến mẹ Kim Anh phiền lòng.
Tức nhất là vụ mất vệ sinh, bà cứ mớm mớm miệng, liếm liếm vào thìa cháo xong tống cho con mình ăn.
Mình góp ý và yêu cầu thay đổi thì bà cãi, chối là bà không bao giờ làm vậy, mất vệ sinh. Khi chồng mình đặt camera trong phòng, có video đàng hoàng bà ấy còn cãi đấy là thử nóng nguội thôi chứ không phải mớm.
Bà Đ. này cũng rất hay đánh con mình, không đánh đau nhưng khiến bé ảnh hưởng tâm lý.
Sau một thời gian giao bé cho bà chăm sóc, bé có biểu hiện lạ, đêm ngủ hay giật mình khóc, mặt có vết xước, ăn buổi tối với bố mẹ không hợp tác, hay tát và cào mặt mẹ/bà và bảo mẹ/bà hư lắm".
Sau khi xem lại camera, Kim Anh mới biết bà ấy đánh, quát mắng bé và có những hành động bạo lực như cắn bé, ném xuống giường khi bé khó ngủ.
Cô cho hay, chồng cô ở nhà nhiều, nhưng anh làm việc toàn ngồi ở phòng khách và đeo tai nghe, có khi đứng cạnh gọi to cũng không nghe thấy, có lẽ bà Đ. biết được điều này nên rất hay đánh con bé trong phòng ngủ.
Sau nhiều biểu hiện thái quá của người giúp việc, chị đã cho bà nghỉ và thay thế bằng người mới.
Mẹ 1 con cũng nói thêm, bà Đ. không phải trông bé cả ngày, vì hai bố con rất quấn nhau, những lúc anh rảnh thì bà ấy cũng không phải trông.
Đến chiều Kim Anh đi làm về, bé toàn chơi với mẹ, nên không có chuyện bà quá căng thẳng vì bé nghịch mà làm vậy.
Sau những hành vi không trung thực của bà Đ., đặc biệt là lo sợ con bị ảnh hưởng tâm lý khi ở cùng giúp việc, gia đình Kim Anh quyết định thanh toán tiền lương cho bà Đ. nghỉ việc, kèm theo một khoản tiền tàu xe.
Tưởng thế là xong, ai ngờ bà cay cú, lại gọi điện buôn dưa lê với những người giúp việc cùng khu để nói xấu, "cảnh báo" những giúp việc khác đừng đến làm cho nhà chị.
Giúp việc chung cư cao cấp "chảnh" hơn cả chủ
Hiện tại, Kim Anh đã thuê được người giúp việc khác, cô mới này là một người quen cũ làm cho công ty của gia đình Kim Anh lâu năm rồi, cháu cô mới đi lớp nên cô nhận lời giúp.
Kim Anh cũng cho con ăn BLW lại, trò chuyện, ôm ấp con nhiều nên tâm lý bé cũng khá ổn.
Chia sẻ câu chuyện vừa qua của mình, Kim Anh cho hay, không chỉ gia đình chị mà rất nhiều nhà có con nhỏ và phải thuê giúp việc đều có thể gặp những vấn đề tương tự.
"Mình chỉ mong chế độ thai sản cho người mẹ được ở nhà với con đến 2 tuổi, khi bé đã cứng cáp hơn. Thời gian đầu đời, bé cần được mẹ chăm sóc, ôm ấp, chứ người giúp việc chỉ một phần nào thôi.
Gặp người tốt đã đành, gặp người không có tâm thì thương các con lắm. Có điều, mẹ cũng phải đi làm để lo kinh tế, nên đó là vấn đề nan giải".
Kim Anh cho rằng, em bé tốt nhất nên lớn lên vòng tay của mẹ, nhưng vẫn cần người giúp việc hỗ trợ.
Kim Anh cho biết, quan điểm của cô là thuê giúp việc chỉ để phụ giúp việc nhà, chứ không phải giao khoán cho họ. Gia đình cô cũng không phải kiểu "mình có tiền, mình có quyền" mà thực sự luôn coi giúp việc như người nhà, có của ngon vật lạ đều cả nhà ăn cùng chứ không phân biệt.
Việc nấu nướng cho gia đình, Kim Anh và mẹ chồng cũng là người đảm nhiệm chính, không phải tất cả để osin làm hết.
"Theo như mình quan sát, nhiều người giúp việc bây giờ rất kén chọn, chỉ thích làm cho nhà chung cư (để không phải dọn dẹp nhiều).
Nhiều người làm giúp việc ở chung cư cao cấp như khu mình, các bà rất "quái", một phần họ nghĩ nhà chủ kiếm tiền dễ, giàu có nên phải cho họ nhiều tiền là điều hiển nhiên, một phần vì nhà có điều kiện thường xót con, cần có người chăm sóc con nên osin vin vào đó để lên mặt.
Nhiều người giúp việc ở chung cư cao cấp có thu nhập tất tốt, nhưng vẫn tìm cách "hành" chủ nhà.
Chỗ nhà mình hầu hết chủ nhà có thu nhập cao và khá bận rộn nên các bà giúp việc nắm được điểm yếu, suốt ngày đòi tăng lương, xin thêm tiền, hoặc chán làm nhà này thì đi làm nhà khác cùng khu.
Hàng xóm nhà mình có nhà làm giáo viên, đi dạy thêm suốt nên nhiều tiền còn thuê 2 người, mỗi người lương 5 triệu chỉ để trông 1 đứa bé 8 tháng và làm việc nhà" – cô tiết lộ.
Với tình trạng khổ vì osin bắt nạt chủ nhà, nhiều gia đình đã tìm cách thuê giúp việc người Philippines – những người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có nghiệp vụ cao trong chăm sóc gia đình và trẻ nhỏ, tuy giá có nhỉnh hơn một chút, nhưng không có tình trạng "mơi" tiền thêm, dọa bỏ việc.