Bạn đã bao giờ thức trắng đêm, rồi phải đi làm/đi học cả ngày tiếp theo chưa? Bạn có tự hỏi bản thân mình làm cách nào để vượt qua ngày hôm đó mà vẫn... vô sự?
Thực ra thì không hoàn toàn vô sự đâu. Sẽ có lúc, bạn cảm thấy mí mắt mình trĩu xuống chỉ trong một vài giây. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi bạn quá tập trung vào một thứ gì đó trong thời gian dài - như nhìn vào màn hình hoặc lái xe chẳng hạn.
Nó được gọi là "microsleep" - hay "vi ngủ". Theo một nghiên cứu mới của chuyên gia giấc ngủ Megan Schmidt, đây là hiện tượng một số phần chính của não bộ đột ngột tắt đi trong thời gian rất ngắn, nhằm mục đích hồi phục lại một chút năng lượng khi bị quá tải. Vào lúc này, bạn đang ở vào trạng thái tuy không buồn ngủ, nhưng cũng không hoàn toàn tỉnh táo.
"Cảm giác giống như những con zombie vậy. Và thường thì mọi người không nhận ra họ đang bị làm sao," - Megan Schmidt chia sẻ.
Vi ngủ có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên theo Schmidt, những người thiếu ngủ có rủi ro gặp phải nó cao hơn, và phải nói rằng đây là một hiện tượng hết sức nguy hiểm.
Sự nguy hiểm của vi ngủ
Matthew Walker - nhà thần kinh học và là chuyên gia về giấc ngủ - cho biết: "Ngủ càng ít, cuộc sống càng ngắn lại."
Theo tổ chức thống kê về an toàn giao thông tại Mỹ, có khoảng 16,5% các vụ tai nạn có nguyên nhân từ hiện tượng vi ngủ. Trong đó, vụ việc thảm khốc nhất xảy ra vào năm 2009, khi một chiếc máy bay của hãng AirFrance đã khiến 228 người thiệt mạng. Báo cáo điều tra cho thấy trước đó, phi công đã lên tiếng cho rằng anh đang thiếu ngủ trầm trọng.
Theo Walker, vấn đề nằm ở chỗ bạn ngủ ít hơn 1h so với bình thường cũng đủ để gây hại rồi. "Khi ngủ ít đi 1h, nguy cơ bị đau tim ngày hôm sau sẽ tăng thêm 24%."
Trong một thí nghiệm năm 2012, các nhà khoa học đã yêu cầu ứng viên chơi một trò trên máy tính trong vòng 50 phút, có liên quan đến việc điều khiển một chấm tròn trên màn hình. Trong quá trình này các nhà nghiên cứu đã theo dõi chuyển động của mắt, hoạt động của não bộ, và dấu hiệu của sự buồn ngủ.
Báo cáo nghiên cứu cho thấy, các ứng viên trung bình mỗi người trải qua... 79 đợt vi ngủ. Thậm chí, có những trường hợp kéo dài đến 6s. Giờ thử nghĩ, nếu 6s ấy xảy ra khi một người đang lái xe thì hậu quả sẽ thảm khốc như thế nào?
Làm sao để thoát khỏi "vi ngủ"?
Theo một nghiên cứu năm 2012 của Trung tâm nghiên cứu về An toàn giao thông của Úc, lái xe chỉ cần tạt vào lề đường khi thấy dấu hiệu đầu tiên của cơn buồn ngủ là đủ để tạo ra khác biệt rất lớn. Tỷ lệ mô phỏng cho thấy, các lái xe có dấu hiệu mệt mỏi nhưng vẫn cố lái tiếp có rủi ro va chạm cao hơn gấp 15 lần.
"Điều quan trọng nhất là ngay khi thấy buồn ngủ, bạn cần nhanh chóng tạt vào lề đường để xử lý. Cố gắng đi tiếp không giải quyết được gì, mà chỉ nguy hiểm hơn." - Chris Watling, nhà nghiên cứu từ ĐH Công nghệ Queensland cho biết.
Một số hãng công nghệ có đưa ra sản phẩm đánh thức tài xế mỗi khi có dấu hiệu mất nhận thức, nhưng độ phổ biến chưa cao. Vậy nên điều quan trọng nhất để vi ngủ không xảy ra vẫn là... ngủ đủ giấc mỗi đêm.
Tham khảo: Science Alert