Có 50 tỉ đồng, đội bóng vẫn “thắt lưng buộc bụng”...

Thiên Lộc |

Thất bại trước HA.GL, XSKT Cần Thơ tự thua chính mình trước. Mùa thứ ba lên V.League, đội bóng miền Tây đối diện với nguy cơ “chết chìm”. Và họ đang là ví dụ để nhiều người phải suy ngẫm về bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam.

50 tỉ đồng vẫn chỉ đủ xoay sở

Đó là trường hợp của XSKT Cần Thơ ở mùa này, khi họ được cấp kinh phí không dưới con số 50 tỉ đồng - khoản tiền ước mơ so với nhiều đội bóng ở V.League. Theo đó, 50 tỉ đồng này thì XSKT Cần Thơ chỉ có thể dùng hơn 40 tỉ đồng, bởi họ phải đóng thuế cả mùa từ 7 - 8 tỉ đồng, gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập từ tiền lương và lót tay cho các cầu thủ...

50 tỉ đồng cho một mùa bóng, trong bối cảnh bóng đá VN khó khăn, là con số không hề nhỏ, thậm chí là ước mơ với những đội bóng tỉnh. Và với một đội bóng như XSKT Cần Thơ thì có thể xếp vào diện nhà giàu ở V.League.

Có tiền, được phép mua sắm và đội bóng có cơ chế hoạt động riêng, vậy nhưng vẫn lẹt đẹt. Mùa 2017 này, họ có thành tích bết bát, với vỏn vẹn 2 điểm và xếp bét bảng. Chẳng phải điều ấy là một nghịch lý?

Điều này được phía XSKT Cần Thơ lý giải ngân sách 50 tỉ đồng này nếu ở một đội bóng khác sẽ là con số lớn, nhưng với đội bóng Tây Đô thì thuộc diện "thắt lưng buộc bụng". "Khó khăn lớn nhất của XSKT Cần Thơ so với các đội bóng khác là chúng tôi chưa có nguồn cầu thủ đào tạo tại chỗ nên phải đi mua sắm theo từng mùa bóng" - Chủ tịch Trần Minh Tâm - chia sẻ.

Những chia sẻ của ông Tâm có thể kiểm chứng bởi XSKT Cần Thơ đã mua rất nhiều cầu thủ từ khi lên V.League. Từ hạng Nhất lên V.League rồi mùa nào cũng "thay máu". Họ không thể dùng cầu thủ địa phương, do có khoảng cách lớn về trình độ so với các cầu thủ có đủ tầm để chơi ở V.League.

Trước mùa bóng 2017, XSKT Cần Thơ cũng có kế hoạch chuẩn ngay từ cuối V.League 2016. Họ dự tính lấy về những cầu thủ chất lượng như Trọng Hoàng, Đình Luật, Văn Hà, tính toán cả việc sửa lại sân để phục vụ người hâm mộ, nhằm lôi kéo khán giả đến sân đông hơn.

Tuy nhiên, XSKT Cần Thơ bất ngờ bị thu hẹp "nồi cơm" với kinh phí chỉ khoảng… 50 tỉ - con số thấp hơn so với mùa bóng năm ngoái. Do vậy, họ không thể lấy về các cầu thủ chất lượng và không thể ký lại hợp đồng với 2 ngoại binh Patiyo - Oseni rồi để cho Tiến Thành cập bến FLC Thanh Hóa, Thế Cường về lại SLNA.

Từ XSKT Cần Thơ nhìn ra bóng đá Việt Nam

Nếu nhìn vào số tiền 50 tỉ để nói XSKT Cần Thơ quá ổn về kinh tế thì đúng. Tuy nhiên, với đội bóng này thì là không đủ. Và vấn đề của họ, nhìn rộng ra là câu chuyện của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhiều năm qua.

2 mùa đầu tiên ở V.League, XSKT Cần Thơ giống như "thiếu gia" với những bản hợp đồng thuộc diện sao số cập bến Tây Đô. Có thể kể ra một danh sách dài với những bản hợp đồng tiền tỉ như thủ môn Bửu Ngọc (6,6 tỉ đồng), Văn Thắng (3,5 tỉ đồng), Patiyo, Quang Tình, Hải Anh, Đinh Hoàng Max, Quang Tình…

Với những bản hợp đồng như thế, chắc chắn kinh phí phải nhiều hơn hẳn con số 50 tỉ đồng, nhưng vấn đề cần nhìn rõ là đội bóng Tây Đô lúc đó không chỉ sống từ bầu sữa là Xổ số kiến thiết Cần Thơ - một doanh nghiệp nhà nước. Họ còn nhận được tài trợ từ các doanh nghiệp, vì lần đầu tiên xứ Tây Đô có đội bóng đá V.League.

Bây giờ, điều khác biệt so với 2 mùa trước là XSKT Cần Thơ không còn được các doanh nghiệp khác ngoài Xổ số kiến thiết Cần Thơ tài trợ. Họ chỉ còn sống với "bầu sữa ngân sách", vì không thể vận động các doanh nghiệp tham gia ủng hộ, trừ việc áo đấu được nhãn hàng Keepdri tài trợ.

Đội bóng Tây Đô cũng không có nguồn lợi thu từ tiền vé hay các khoản khác. Thế nên đội bóng gần như phải "tự bơi" với khoản ngân sách từ Xổ số kiến thiết Cần Thơ và đối diện với khó khăn ở mùa bóng năm nay, khi không có nhiều tiền để mua sắm lực lượng.

Đang quen sống thoải mái, tiêu tiền không phải tính toán, giờ khó khăn, họ gặp vô số vấn đề, chơi không tốt và rơi xuống vị trí bét bảng V.League 2017.

Câu chuyện XSKT Cần Thơ đứng cuối bảng với ngân sách 50 tỉ đồng có lẽ khiến nhiều người giật mình. Không phải là số tiền lớn để làm bóng đá mà cốt lõi của vấn đề là "cần bao tiền và làm thế nào thì bóng đá mới có thể sống?".

Nhìn rộng ra V.League 2017 và từ những mùa bóng trước, Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang là ví dụ điển hình, kể cả sự thoái trào của HAGL, Đồng Tâm Long An hay B.Bình Dương vì không còn thuộc diện "mạnh vì gạo bạo vì tiền". Hay SLNA có tính địa phương, có cầu thủ giỏi và bán cầu thủ mỗi mùa vẫn đang bấp bênh ở V.League 2017.

Làm thế nào để bóng đá sống? Có lẽ phải nhờ những người đứng đầu bóng đá Việt Nam trả lời. Bởi không ít đội bóng tích cực làm bóng đá nhưng cuối cùng cũng phải "chết", Đồng Tháp là ví dụ dễ thấy nhất. Hay giải hạng Nhất 2017 bây giờ chỉ còn có 7 đội chơi, dù An Giang và Bình Định được mời tham dự nhưng đều lắc đầu do không có tiền.

Phải chăng bóng đá Việt Nam đã đến lúc cần có cuộc thay đổi từ gốc rễ thay vì mỗi mùa bóng lại phải chứng kiến cảnh một đội bóng mới hôm nào lên hạng trong niềm vui, được đầu tư hoành tráng, nhưng cuối cùng lại quay về nơi xuất phát và đau đớn hơn, đứng trước nguy cơ "xóa sổ" hoặc làm lại từ đầu.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại