Sau đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine và cú sốc lạm phát xảy ra sau đó, nền kinh tế toàn cầu đang ở trong tình trạng bấp bênh. Thế giới không muốn thêm một điều bất ngờ u tối nào nữa.
Theo CNN, đó là điều gần như đã xảy ra trong cuộc binh biến bất thường ở Nga của công ty quân sự tư nhân Wagner hồi cuối tuần qua.
Nga đã ra khỏi top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội chỉ gần bằng Australia, nhưng nước này vẫn là một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho thị trường toàn cầu - bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ - bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hôm 24/6, Qatar - một cường quốc năng lượng toàn cầu - đã bày tỏ "mối quan ngại lớn" về tình hình ở Nga.
"Tình hình leo thang ở Nga và Ukraine sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh và hòa bình quốc tế, cũng như nguồn cung cấp lương thực và năng lượng", Bộ Ngoại giao Qatar cho biết khi phản ứng trước tin tức về cuộc nổi dậy.
Bất kỳ tổn thất đáng kể nào về năng lượng của Nga sẽ buộc Trung Quốc và Ấn Độ phải cạnh tranh với các quốc gia phương Tây để có nguồn cung từ các nhà sản xuất khác.
Nếu bất ổn trong nước làm hạn chế hoạt động xuất khẩu đối với các mặt hàng khác của Nga như ngũ cốc hoặc phân bón, thì điều đó cũng có thể kh iến cán cân cung cầu của thế giới bị xáo trộn. Điều này có thể khiến giá cả của mọi thứ đều bị đẩy lên cao.
Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị và đồng sáng lập tại Energy Aspects, cho biết các thị trường giờ đây sẽ cần nghiên cứu rủi ro tăng giá để hiểu rõ hơn những nguy cơ đối với những nguồn cung từ Nga.
Giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng vọt sau mùa xuân năm ngoái, đẩy lạm phát gia tăng ở châu Âu và Mỹ. Nó đã giảm từ mức cao nhất trong nhiều thập kỷ kể từ thời điểm đó, nhưng cuộc chiến kiểm soát giá vẫn chưa kết thúc và hiện đang ở giai đoạn quyết định.
'Thời điểm quan trọng'
"Chặng cuối cùng của hành trình khôi phục sự ổn định giá cả sẽ là khó khăn nhất", Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương - cho biết trong báo cáo thường niên hôm 25/6.
Báo cáo cho biết có một "rủi ro nghiêm trọng là tâm lý lạm phát sẽ duy trì", dẫn đến điều mà các nhà kinh tế mô tả là vòng xoáy giá - lương.
"Nền kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm quan trọng. Những thách thức nghiêm trọng phải được giải quyết", tổng giám đốc Agustin Carstens phát biểu tại cuộc họp thường niên của BIS ở Basel.
Các dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu có thể suy yếu trong năm nay do các nền kinh tế chậm lại đã đẩy giá dầu thô của Mỹ giảm gần 14% trong năm nay xuống chỉ còn dưới 70 USD/thùng (giá đạt đỉnh trên 120 USD một năm trước). Dầu thô Brent cũng giảm với biên độ tương tự.
Thế giới gặp rủi ro thực sự nếu Nga bất ổn?
Libya và Venezuela là những ví dụ ảnh hưởng của bất ổn chính trị đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng.
Sản lượng dầu của Libya giảm từ khoảng 1,7 triệu thùng mỗi ngày xuống mức thấp kỷ lục chỉ 365.000 vào năm 2020, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Sản xuất của Venezuela cũng đạt mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ cùng năm đó, theo phân tích của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CRF) .
Trong khi đó, Nga là một quốc gia quan trọng hơn nhiều . Sản xuất tới 10 triệu thùng mỗi ngày, sản lượng của Nga chiếm khoảng 10% nhu cầu dầu thô toàn cầu. Và với tổng xuất khẩu dầu gần 8 triệu thùng mỗi ngày, Nga là cường quốc lớn thứ hai sau Ả Rập Saudi trong liên minh các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu OPEC+.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã có tác dụng như mong đợi là làm giảm số tiền mà Moscow kiếm được từ năng lượng, nhưng xuất khẩu dầu của Nga - về khối lượng - đã tăng trở lại mức trước khi tiến hành chiến dịch đặc biệt và cùng lúc đó, Trung Quốc và Ấn Độ đã mua những thùng dầu mà nhóm quốc gia G7 xa lánh.
Ông Bronze, tại Energy Aspects, cho rằng khó có thể so sánh Nga với Libya và Venezuela. Theo ông, nguy cơ với thế giới có thể chính xác hơn khi so với thời điểm sau khi Liên Xô sụp đổ. Nga đã mất một thời gian dài để phục hồi sau thời điểm đó.
Nói với CNN, Giáo sư đại học Yale và chuyên gia về Nga Jeffrey Sonnenfeld cho biết, nguy cơ biến động ở Nga làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu đã giảm trong 18 tháng qua. Ông nói thêm, xung đột Ukraine đã buộc châu Âu phải xoay trục sang các nguồn thay thế.
Mặc dù còn quá sớm để nói bất cứ điều gì sẽ xảy ra hoặc thay đổi, nhưng "điều này không có nghĩa là mọi chuyện đã kết thúc, và vì vậy nó đặt ra những câu hỏi mới về những rủi ro có thể xảy ra", ông Bronze nói.