CNN: Ngay cả khi chỉ còn 2 tháng ít ỏi trong Nhà Trắng, ông Trump vẫn là một nhân vật "đáng sợ"

Hồng Anh |

Thực tế, lịch sử nước Mỹ từng chứng kiến một số "Tổng thống Vịt què" có nhiều hoạt động ấn tượng vào thời điểm chuyển giao quyền lực như ông Dwight D. Eisenhower hay Jimmy Carter.

Hiện tại, kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa được ủy ban bầu cử công bố do đương kim Tổng thống Donald Trump chưa nhận thua và đội ngũ của ông này vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý tại những bang ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành thắng lợi.

Mặc dù vậy, các hãng truyền thông lớn tại Mỹ và trên thế giới như AP, CNN, Fox News... đều đã xướng tên ông Biden là tân tổng thống đắc cử của nước Mỹ. Nếu kết quả này được xác nhận, thì trong thời gian còn lại tại Nhà Trắng, ông Trump sẽ trở thành một "Tổng thống Vịt què" - một thuật ngữ được sử dụng cho các tổng thống Mỹ không tái cử ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ và sắp phải chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo tiếp theo.

Mặc dù vậy, theo bài bình luận của Tiến sĩ Lindsay M. Chervinsky được đăng tải trên CNN với tiêu đề "Why we should fear a lame-duck President Trump" (Vì sao chúng ta nên sợ 'Tổng thống Vịt què' Donald Trump), một "Tổng thống Vịt què" Donald Trump vẫn là nhân vật "đáng sợ" khi ông có thể tận dụng khoảng thời gian còn lại trong Nhà Trắng để hoạt động mạnh mẽ hơn và gây bất lợi cho chính quyền kế nhiệm.

Thực tế, lịch sử nước Mỹ đã từng chứng kiến một số "Tổng thống Vịt què" có nhiều hoạt động ấn tượng vào thời điểm chuyển giao quyền lực, như Tổng thống Mỹ thứ 10 John Tyler, Tổng thống Mỹ thứ 34 Dwight D. Eisenhower, Tổng thống Mỹ thứ 39 Jimmy Carter...

CNN: Ngay cả khi chỉ còn 2 tháng ít ỏi trong Nhà Trắng, ông Trump vẫn là một nhân vật đáng sợ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Theo Tiến sĩ Chervinsky, khi những tiểu bang cuối cùng dần hoàn tất quá trình kiểm phiếu, có vẻ như nhiều người dân Mỹ đã bắt đầu lo lắng về quá trình chuyển giao quyền lực và những điều một "Tổng thống Vịt què" Donald Trump có thể làm trong vài tháng ngắn ngủi còn lại trong Nhà Trắng, trước khi ông rời nhiệm sở.

Một số chuyên gia về chính sách công tranh luận rằng Quốc hội, các tòa án và Hiến pháp Mỹ sẽ giới hạn phần lớn các nguy cơ ông Trump gây ra thiệt hại cho nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump không phải là một Tổng thống "theo lẽ thường", do đó trong thời gian còn lại ở Nhà Trắng, ông Trump hoàn toàn có thể gây ra thêm những ảnh hưởng mới đối với an ninh quốc gia, các cơ quan, thể chế trong nước, và niềm tin vào chính phủ của công chúng.

An ninh quốc gia

Bà Chervinsky cho rằng ông Trump có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia theo hai cách: Thứ nhất là tiết lộ các thông tin tối mật có tính chất nhạy cảm hoặc các nguồn tin quan trọng, gây nguy hiểm đến các đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới.

Cách thứ hai, theo bà Chervinsky, đó là ông Trump có thể phát động tấn công tên lửa hoặc rút binh lính Mỹ - gây bất ổn trong mối quan hệ của Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như gây nguy hiểm đến tính mạng của binh lính Mỹ và các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.

Các cơ quan, thể chế trong nước

Hiện tại, ông Trump đang đứng trước các thách thức pháp lý nếu không giữ lại được chiếc ghế trong Nhà Trắng. Bà Chervinsky cho rằng đương kim tổng thống Mỹ có thể sẽ tìm cách để có được lệnh ân xá chung cho bản thân và gia đình.

Các điều luật trong Hiến pháp Mỹ không đề cập nhiều tới điều này, nhưng trong lịch sử đã từng có tiền lệ khi cựu Tổng thống Gerald Ford ban lệnh ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon.

Bên cạnh đó, bà Chervinsky cho rằng trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump có thể sẽ yêu cầu nhân viên của mình tiêu hủy các tài liệu quan trọng hoặc bất kỳ bằng chứng nào về hành vi sai trái nếu có.

Niềm tin của công chúng

Tiến sĩ Chervinsky cho biết trong khi đội ngũ của ông Trump đang tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến pháp lý, thì những lời cáo buộc của vị tổng thống đương nhiệm và những quan chức ủng hộ ông đã có những tác động hữu hình: đó là những đám đông xuống đường tuần hành, biểu tình yêu cầu kiểm phiếu lại, những người đến vây kín một số địa điểm kiểm phiếu tại một số bang chiến địa cuối cùng và thậm chí còn mang theo vũ khí.

Nhiều người Mỹ đã bày tỏ lo ngại về tình trạng biểu tình, bạo loạn hậu bầu cử, hơn nữa là vấn đề khủng hoảng niềm tin của người Mỹ về cuộc bầu cử và chính quyền. "Niềm tin ấy sẽ mất hàng thế kỷ để khôi phục", bà Chervinsky nhận định.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại