CNBC: Cuộc khủng hoảng Evergrande bị 'phóng đại' một cách thái quá

Linh Anh |

Nhà phân tích Andrew Collier của Orient Capital Research cho rằng những gì mà Evergrande gặp phải chẳng có gì bất ngờ, nhất là khi Bắc Kinh đã tiến hành các động thái để kiểm soát tình trạng nợ quá nhiều trong lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Collier, chính sách "ba lằn ranh đỏ" mà Bắc Kinh đưa ra vào năm ngoái có những điều khoản để ngăn chặn các nhà phát triển bất động sản vay nợ quá nhiều cũng như góp phần làm xẹp bong bóng bất động sản.

"Kết quả cuối cùng là một trong những công ty lớn nhất và mắc nợ nhiều nhất lâm vào khủng hoảng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chính sách này vẫn sẽ tiếp tục và việc một vài công ty bị buộc phá sản cho thấy Bắc Kinh nghĩ rằng đây là một chiến lược đúng đắn", ông Collier nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, lý do khiến Trung Quốc quyết tâm như thế khá rõ ràng.

"Họ nghĩ rằng, nếu họ không làm điều này thì cuối cùng, họ sẽ gặp phải một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn và toàn bộ thị trường bất động sản ở quốc gia hơn 1 tỷ dân sẽ trở thành bong bóng ở mức độ tồi tệ hơn rất nhiều trước khi sụp đổ", Collier nói.

Những diễn biến trên thị trường tài chính có vẻ ủng hộ những gì Collier nói. Trong phiên giao dịch đầu tuần, Hang Seng Index bị bán tháo, khiến 3% giá trị bị thổi bay. Chứng khoán Trung Quốc đại lục có lẽ cũng rơi vào tình cảnh tương tự nếu không đóng cửa nghỉ lễ. Phố Wall cũng cũng có một phiên giao dịch khó khăn khi tâm lý sợ hãi bao trùm.

Tuy nhiên, vài ngày sau, các thị trường đều đã phục hồi khá ấn tượng. Ngay cả những dấu mốc được coi là "quan trọng" với Evergrande cũng đã không thể ảnh hưởng tới thị trường như lo ngại của nhiều người lúc đầu tuần.

Thực tế, Bắc Kinh cũng rất hạn chế nêu đích danh Evergrande. Thậm chí, trong tuyên bố mới nhất, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng để Evergrande phá sản. Không có bất cứ yêu cầu tái cấp vốn nào được đưa ra trong khi Trung Quốc tiến hành nhiều biện pháp để đảm bảo nền kinh tế có thể hấp thụ được cú sốc trong trường hợp xấu nhất.

Tuy nhiên, ông Collier nói rằng các nhà chức trách Trung Quốc có thể "sẽ tạo ra những đau đớn" cho các nhà đầu tư để truyền đi thông điệp rõ ràng rằng họ cảm thấy quá mệt mỏi với sự dư thừa trong lĩnh vực bất động sản của nước này.

Dẫu vậy, việc thị trường lo lắng là có lý do. Đầu tiên, cuộc khủng hoảng tài chính gần nhất, năm 2008, liên quan đến một vụ phá sản. Nó được châm ngòi bởi bong bóng nhà đất ở Mỹ. Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, đã sụp đổ hoàn toàn năm 2008. Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ trước khi tràn sang các ngân hàng khác vào tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Evergrande, một gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc, cũng đang gặp vấn đề. Tuy nhiên, nó khác với những gì xảy ra năm 2008. Evergrande có các khoản vay không thể trả nhưng họ có tài sản. Và dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, bất động sản của công ty cũng không thể về 0 như giá các sản phẩm tài chính.

Ngoài ra, ở Trung Quốc, thị trường bất động sản có ảnh hưởng mạnh mẽ với nền kinh tế nói chung cũng như sức khỏe của các nền kinh tế địa phương. Nó còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới ổn định xã hội, điều mà các nhà quản lý Trung Quốc không bao giờ muốn bị tổn hại.

Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản cung sẽ chuyển thành các vấn đề với nền kinh tế Trung Quốc, dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu với giá sắt hay hàng hóa tiêu dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại