“Chuyến xe bão táp” Phương Trang

Nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao có nguồn thu lớn mà Phương Trang lại mắc nợ khủng lên tới vài nghìn tỷ đồng?

Những ngày qua, dư luận xôn xao về tranh chấp giữa Công ty Phương Trang và Ngân hàng Xây Dựng liên quan đến khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng.

Khi nhắc đến Phương Trang, nhiều người biết đây là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hành khách chất lượng cao.

Ít ai biết rằng, Phương Trang còn phát triển sang lĩnh vực du lịch, khách sạn/nghỉ dưỡng và đặc biệt là bất động sản.

Theo đó, công ty trung tâm của hệ thống Phương Trang là Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang (Futa Corp).

Futa Corp đầu tư vào rất nhiều công ty khác như Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang (Futa Buslines), Chuyển phát nhanh Phương Trang (Futa Express), Bất động sản Phương Trang (Futa Land), Taxi Phương Trang (Futa Taxi), Quảng cáo Phương Trang...

Tuy nhiên, sự phát triển đa ngành của thương hiệu mang sắc cam này dường như vẫn chưa đón nhận được những cơ hội phát triển.

Đặc biệt, “sóng gió” lần lượt nổi lên, ảnh hưởng nhiều đến Tập đoàn, trong đó có hãng xe Phương Trang.

Có mặt trên thị trường vào năm 2002, chỉ sau 14 năm phát triển, hệ thống xe khách Phương Trang đã có trên 1.000 xe, trong đó có khoảng 300 xe giường nằm và trở thành hãng vận tải hành khách tuyến cố định đường dài lớn nhất Việt Nam.

Công ty này có thể nâng tổng số xe khách từ trên 1.000 xe hiện nay lên đến 5.000 xe trong vòng 3-6 năm tới.

Tháng 6.2015, Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng đã đồng ý chủ trương cho phép Phương Trang đầu tư bổ sung, nâng tổng số đầu xe taxi của doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn đạt tối đa 2.000 chiếc. Hiện hệ thống xe này có 5.000 nhân viên đang làm việc.

Có thể thấy trong thời điểm hiện nay, với nhu cầu đi lại của hành khách ngày càng cao thì mở rộng đầu tư là hướng đi hợp lý của hãng xe Phương Trang trong bối cảnh thương hiệu đang phát triển.

Xe xuất bến đúng giờ, không đón và bỏ khách dọc đường, có trạm dừng không có tình trạng chèo kéo, “chặt chém” khách nên việc chiếm lĩnh thị trường tại miền Tây là điều không có gì khó hiểu.

Thậm chí, khi những chiếc xe màu cam “đổ bộ” về miền Tây, hãng xe Mai Linh cũng phải lùi bước.

Tại Sóc Trăng, sau khi Mai Linh nhường sân cho Phương Trang, cũng có một số nhà xe cạnh tranh trực tiếp với Phương Trang như Mỹ Duyên, Tân Tiến Lợi. 

Những nhà xe này cũng đầu tư hẳn xe giường nằm, giá vé tuyến Sóc Trăng - TP.HCM cũng thấp hơn Phương Trang.

Tuy nhiên, trong năm 2015, Phương Trang cũng đã thâu tóm thương hiệu Tân Tiến Lợi với giá trị chuyển nhượng vào khoảng 16 tỷ đồng.

Những thông tin xấu liên tiếp xảy ra khiến nhiều người đặt ra giả thuyết nhà xe Phương Trang “bị chơi xấu”... 

Thực hư chưa rõ nhưng lượng khách thưa dần, doanh thu sụt giảm hẳn, khiến nhà xe phải chấn chỉnh dịch vụ, níu chân khách hàng.

Tuy nhiên, chưa thay đổi được tình hình thì cái tên Phương Trang lại “dậy sóng” với khoản đòi nợ của Ngân hàng Xây dựng.

Mỗi ngày, Phương Trang có hơn 1.000 chuyến xe đường dài liên tỉnh và mỗi năm phục vụ được hơn 20 triệu lượt khách.

Mặc dù vậy, Phương Trang dường như đang dần “ngủ quên” trong chiến thắng khi nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ ngày càng xuống cấp, từ chuyện nhân viên ngồi lên lốc nước, tài xế cuốn bánh tráng khi đang lái xe, cho đến chuyện các chuyến xe liên tục bị tai nạn chỉ trong một vài tuần...

Nhưng theo thông cáo báo chí của Công ty Cổ phần xe Phương Trang, công ty này cũng là “nạn nhân” do Ngân hàng Xây dựng sử dụng sai tên chủ thể công bố cho truyền thông.

Đó là lý do nhiều người vẫn thắc mắc tại sao có nguồn thu lớn mà hãng xe Phương Trang lại mắc nợ khủng như vậy?

Thực tế, công ty này cho biết, khoản nợ 3.436 tỷ đồng là do Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh đứng ra vay.

Lượng tài sản gồm khế ước nhà đất tại TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác cùng với lượng trái phiếu, 211 ôtô của Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang đang được thế chấp, từng được định giá hơn 14.500 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm khoảng 98%.

Số tài sản này được đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang, khẳng định với báo chí “nằm bất động không thể sử dụng hay giao dịch được”.

Công ty đã muốn trả nợ từ lâu để lấy lại tài sản, nhưng Ngân hàng Xây dựng chưa giải quyết. Nhiều thông tin cho biết, Phương Trang gửi văn bản phản đối Ngân hàng Xây dựng yêu cầu đính chính các thông tin sai lệnh và để đòi lại khối tài sản 14.500 tỷ đồng hiện đang bị quản thủ tại Ngân hàng Xây dựng.

Khi sự việc càng thu hút dư luận khi một số mảng tài chính về tình hình kinh doanh bất động sản của Phương Trang dần lộ diện.

Một số ý kiến cho rằng, việc lâm nợ của Tập đoàn chủ yếu đến từ việc đầu tư kinh doanh bất động sản, nguồn thu từ mảng kinh doanh xe khó có thể đủ cho công ty mẹ đóng lãi.

Theo một giám đốc công ty địa ốc tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên):

“Phương Trang có tham gia vào thị trường bất động sản, nhưng hầu như không hiệu quả, các dự án bất động sản này thường hay bị chuyển nhượng qua lại nên hầu như chưa thực sự có một dự án nào nổi bật...”.

Một số chuyên gia bất động sản nhận định, có thể những dự án bất động sản năm 2007-2009 đã khiến Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang bị sa lầy khi bong bóng bất động sản vỡ, lãi suất vay tăng cao.

Ông Đỗ Tất Khá, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc lãnh đạo cấp cao chuyên trách xử lý nợ xấu của Ngân hàng Xây dựng, cho biết:

“Ngân hàng không muốn xảy ra quan điểm xung đột, tranh luận trên báo chí, vì lẽ đơn giản, việc khởi kiện là hoạt động hết sức bình thường mà bất kỳ ngân hàng nào cũng phải làm.

Đây cũng là mặc định trong tất cả các hợp đồng giao dịch”. Vấn đề về lãi, phạt cũng được lãnh đạo ngân hàng này cho biết:

“Theo hồ sơ, trong 5 năm vay tại ngân hàng (từ năm 2011), nhóm Phương Trang mới trả chưa đến 0,34% nợ gốc và chưa trả bất kỳ khoản nợ nào từ đầu năm 2012 đến nay”.

Trong khi đó, những mảng kinh doanh khác của Phương Trang, như vận tải hàng hóa, taxi, du lịch cũng chưa thực sự nổi bật. Đặc biệt là mảng kinh doanh taxi.

Cuối năm 2015, trong khi thị trường taxi nói chung và tại TP.HCM nói riêng đang chịu sức ép cạnh tranh lớn, Phương Trang đã đưa 150 chiếc vào phục vụ thị trường.

Đây là giai đoạn đầu trong chiếc lược triển khai 2.000 chiếc taxi.

Theo thống kê, hiện chỉ tính riêng địa bàn TP.HCM, tổng lượng xe khoảng hơn 12.500 chiếc, trong đó, thị phần chủ yếu rơi vào tay Vinasun và Mai Linh với tỷ lệ lần lượt khoảng 45% và 30%.

Do đó, số lượng xe taxi của Phương Trang đưa ra thị trường vẫn chưa thực sự chiếm ưu thế. Ngay cả nếu đưa 2.000 chiếc vào phục vụ, Phương Trang cũng chỉ đứng vị trí thứ 3. 

Đồng thời, thị trường taxi tại Đà Lạt của Phương Trang cũng đã bị cạnh tranh.

Trước đây, NCĐT đã từng đặt ra câu hỏi về cơ hội nào cho taxi Phương Trang tại TP.HCM trong bối cảnh cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống và với cả các dịch vụ gọi xe taxi mới như Grab, Uber...

Thực tế cho thấy, mảng kinh doanh này của Phương Trang không thể là một kênh đầu tư khả quan so với xe khách liên tỉnh hay thực sự chiếm ưu thế so với những thương hiệu lâu năm khác.

Mô hình phát triển thành tập đoàn đa ngành là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Tuy nhiên, bài học của Phương Trang cho thấy, đầu tư dàn trải, không chú trọng hoặc chưa đẩy mạnh vào lĩnh vực then chốt, khi bối cảnh kinh tế thay đổi, công tác quản trị doanh nghiệp dễ không theo kịp sự phát triển. Sai sót hoặc thua lỗ sẽ là hậu quả tất yếu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại