Chuyện về nghệ sĩ bán hai khung tranh trống trơn có tựa đề 'Lấy tiền và chạy' với giá 75.000 USD cho bảo tàng

Hữu Hiển |

Theo Business Insider, sau 2 năm bán hai khung tranh trống trơn có tựa đề 'Lấy tiền và chạy' với giá 75.000 USD cho bảo tàng, một nghệ sĩ đã bị đòi trả lại tiền thù lao.

Vào năm 2021, Jens Haaning - một nghệ sĩ ý tưởng người Đan Mạch - đã được trả 532.000 krone (tương đương khoảng 75.000 USD theo tỷ giá quy đổi hiện nay) chỉ để làm ra hai khung tranh trống trơn có tiêu đề "Lấy tiền và chạy".

Chuyện về nghệ sĩ bán hai khung tranh trống trơn có tựa đề Lấy tiền và chạy với giá 75.000 USD cho bảo tàng - Ảnh 1.

Một nghệ sĩ đã đóng hai khung tranh trống trơn có tựa đề 'Lấy tiền và chạy' đã bị yêu cầu trả lại số tiền 75.000 USD đã nhận. Ảnh: Bảo tàng Kunsten

Theo Business Insider, nhiều phương tiện truyền thông tại Đan Mạch hôm 18/9 đồng loạt đưa tin, nghệ sĩ này hiện đã được tòa án Copenhagen yêu cầu trả lại số tiền cho bảo tàng đã ủy quyền chế tác tác phẩm nghệ thuật.

"Tôi bị sốc, nhưng đồng thời, đó chính xác là những gì tôi đã tưởng tượng", Haaning nói với đài truyền hình DR của Đan Mạch hôm 18/9.

Nghệ sĩ này nói thêm rằng, anh không có đủ tiền để trả lại cho bảo tàng: "Điều đó rất tốt cho công việc của tôi, nhưng nó cũng khiến tôi rơi vào tình thế khó xử, tôi thực sự không biết phải làm gì."

Vào năm 2021, Haaning được Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Kunsten ở Aalborg, Đan Mạch trả khoảng 75.000 USD để tái tạo hai tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của anh là "Thu nhập trung bình hàng năm của Đan Mạch" và "Thu nhập hàng năm trung bình của Áo", có hình ảnh tiền giấy krone và euro bị mắc kẹt vào một bức vẽ nhằm mục đích mô tả thu nhập trung bình hàng năm của một người ở các quốc gia này.

Thay vào đó, Haaning đã làm ra hai khung tranh trống trơn - mà bảo tàng đã trưng bày cùng năm đó.

Bảo tàng Kungsten sau đó đã yêu cầu nghệ sĩ trả lại số tiền thù lao đã nhận. Haaning từ chối nên bảo tàng đã đưa anh ta ra tòa, tờ Guardian đưa tin.

Lasse Andersson - Giám đốc Bảo tàng Kunsten - nói với Business Insider rằng: "Đã có rất nhiều người nói rằng tôi là một giám đốc ngây thơ và đó là hành vi lạm dụng tiền công và tư nhân."

Andersson cũng cho biết, bảo tàng của ông "không giàu có" và hành động của Haaning khiến những người phụ trách bảo tàng vô cùng khó chịu.

Nghệ sĩ Haaning từng nói vào năm 2021 rằng, hai tác phẩm "Lấy tiền và chạy" được lấy cảm hứng từ những gì anh ấy coi là khoản thù lao không tương xứng. Haaning nói rằng, việc tái tạo các tác phẩm như dự định sẽ khiến anh ấy phải bỏ ra khoảng 3.300 euro (tương đương khoảng 3.500 USD theo tỷ giá hiện tại) từ chính túi của mình.

"Tôi khuyến khích những người khác có điều kiện làm việc khốn khổ như tôi cũng làm như vậy. Nếu họ đang làm một công việc tồi tệ nào đó mà không được trả lương và thực sự đang bị yêu cầu bỏ tiền túi để làm, thì hãy nắm lấy những gì bạn có thể và chống lại việc đó", Haaning nói thêm.

Theo Business Insider, thế giới nghệ thuật không còn xa lạ với những tranh cãi về các tác phẩm mang tính khái niệm cao châm biếm tiền bạc.

Họa sĩ người Anh Banksy đã gây chú ý vào năm 2018 khi tạo ra một bức tranh tự vỡ vụn sau khi được bán đấu giá với giá 1,4 triệu USD. Tác phẩm nghệ thuật này một lần nữa được bán với giá khoảng 25 triệu USD vào năm 2021.

Và nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan từng bán một tác phẩm nghệ thuật gồm có những quả chuối tươi mà ông dán lên tường với giá 120.000 USD. Khi tác phẩm được trưng bày ở Seoul, Hàn Quốc vào năm 2023, một sinh viên đã quay cảnh chính mình bóc chuối ra khỏi tường và ăn nó, trước khi nói với một hãng truyền thông địa phương rằng hành động của anh ấy có thể được coi là nghệ thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại