Chuyện về góa phụ 2 con và 4 tấm HCV SEA Games

Trương Huyên |

Chị là từng là cua-rơ vàng của đội tuyển xe đạp địa hình Việt Nam, giành 4 Huy chương Vàng (HCV) tại 4 kỳ SEA Games liên tiếp. Chị từng là giảng viên của Trường Đại học Thể dục thể thao TP.HCM, huấn luyện viên đội tuyển xe đạp Bình Dương và đội tuyển xe đạp nữ Việt Nam... Chị là Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Trò chuyện với Thanh Huyền, chị bảo mình đến với nghề “đạp xe” từ cái thuở vô lo, vô nghĩ, đến bằng sự yêu thích rất tự nhiên mà chị gọi nó là “cơ duyên”.

“Năm lớp 10 khi nghe mấy bạn trong lớp nói về xe đạp địa hình, tôi đã thích rồi, thích nhất là học không mất tiền nữa chứ, cứ thế là đi với các bạn thôi”- chị nói một cách hồn nhiên.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Long lanh trong mắt chị một thoáng ký ức đẹp trong cuộc đời vận động viên. Đó là lần đầu tiên chị đạt Vuy chương Vàng tại SEA Games năm 1999.

Trong giây phút bước lên bục nhận huy chương, lòng chị bùng lên một cảm xúc thiêng liêng khi nghe cử Quốc ca Việt Nam...

Và chị đã khóc, khóc trong niềm hạnh phúc thăng hoa, khóc bởi bao công sức phấn đấu đã được đền đáp xứng đáng, đã đem vinh quang về cho Tổ quốc. Đây là tấm Huy chương Vàng mà đội tuyển xe đạp Việt Nam mong chờ từ rất lâu rồi.

Chị cho rằng, tấm Huy chương Vàng đó có được là sự kết hợp một chuỗi may mắn trên cơ sở cố gắng phấn đấu, là quả ngọt sau 6 năm cố gắng miệt mài và khóc không biết bao nhiêu lần.

Thanh Huyền đã giành được 4 Huy chương Vàng qua 4 kỳ SEA Games liên tiếp - đó là một thành tích rất đáng nể mà không phải ai cũng có thể đạt được.

Ngay cả các sinh viên báo chí học cùng chị cũng ít ai biết trong lớp có một nữ vận động viên sở hữu 4 Huy chương Vàng.

Khi có người hỏi han - mà cũng là nhận xét về chị: “Để tìm được một người như chị chắc 50 năm mới có một người”, chị cười, nụ cười đầy thiện cảm pha chút ngại ngùng:

“Không phải vậy đâu, khi bước sang làm huấn luyện viên, tôi mới thấu hiểu để tìm được một người vừa có tố chất về thể lực vừa có tố chất về tâm lý thì rất khó, nhất là trong thời điểm hiện tại, tìm được vận động viên có năng khiếu, đam mê và sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai không hề đơn giản”.

Sau những đợt thi đấu dài ngày, công việc của chị là về các địa phương để tìm các cô gái yêu thể thao và kêu gọi họ đến với môn đua xe đạp, và cứ thế dần dà chị trở thành hạt nhân gây dựng phong trào thể thao, xây dựng “bệ phóng” cho các vận động viên trẻ.

Đó là điều chị mong muốn trở thành hiện thực để thể thao nước nhà bước lên tầm cao mới.

“Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng” - châm ngôn đó đã trở thành phương châm sống của Thanh Huyền từ ngày chị bước chân vào môn xe đạp.

Giờ nghĩ lại những cảm giác đó thì thật sự khủng khiếp, thậm chí chị bị stress, phải sử dụng những phương pháp tâm lý để lấn át đi sự quá mệt mỏi, vất vả và cả áp lực đang đầy ắp trong đầu, dùng ý chí để đè bẹp nó.

Năm 2006, khi mới sinh con đầu lòng, sức khỏe chưa hồi phục hẳn, chị được gọi tập trung cho giải châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Trên đường đua ở núi Cấm (An Giang) cao, chênh vênh, những mỏm đá nhô lên như những chiếc cọc đá nhưng chị vẫn phải chạy lên, chạy xuống, vượt qua 10 chướng ngại vật, leo lên các con dốc dựng đứng.

Nếu không tập trung ý chí thì nhất định phải xuống dắt bộ. Rồi lại thả dốc, cảm giác như đang lao xuống vực thẳm.

Chỉ cần sơ sẩy là nguy hiểm đến tính mạng. Có những lúc quá mệt mỏi, chị như muốn hét lớn lên để giải tỏa sức ép: “Trời ơi, phải làm sao để vượt khó đây”.

Một mình chị cứ hùng hục chạy xe trên núi, tự mình phải đấu tranh với chính mình, bởi trong thời điểm đó chị không có đối thủ, cảm giác mệt mỏi đó lặp đi lặp lại trong 2-3 giờ đồng hồ.

“Muốn chiến thắng bạn phải phấn đấu, sống không phấn đấu bạn sẽ chẳng có gì”- chị nói. Đây cũng không phải lần đầu, Thanh Huyền phải đấu tranh với bản thân.

Thăng trầm nghiệp và đời

" Thanh Huyền sinh năm 1977 ở khu phố Khâm Thiên (Hà Nội), trắng trẻo, duyên dáng mà dám lao vào cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này cũng là hiếm.

Thanh Huyền kể, mấy huấn luyện viên ngày trước nói rằng: “Để tìm được một người như em chắc phải đốt đuốc kiếm 50 năm mới có một người”.

Đến thăm chị, tôi thấy ngón tay chị đeo hai nhẫn cưới. Đó là nhẫn cưới của chị và của người chồng vừa mất.

Người bạn đời của chị là bác sĩ của trường thể thao đã ra đi sau cơn đột quỵ - khi anh đang là chỗ dựa tinh thần, nơi yêu thương chị tìm về sau những ngày luyện tập thi đấu vất vả, khi đứa con lớn mới 4 tuổi và đứa nhỏ mới 8 tháng.

Mất chỗ dựa ấy, trong lòng chị là một khoảng trống mênh mông. Tưởng như đã suy sụp hoàn toàn, nhưng nhìn 2 đứa con thơ dại, chị lại tiếp tục gắng gượng vượt qua.

Thời gian trôi qua, nỗi đau dần nguôi ngoai, 2 đứa con đã khôn lớn. Thanh Huyền bảo, chúng có niềm yêu thích xe đạp nhưng chị không muốn con theo nghiệp của mẹ, bởi là người trong cuộc hơn ai hết chị thấu hiểu được những vất vả, chông gai của nghề.

Thế nhưng chị lại đón một nữ vận động viên về ở cùng, vừa để kèm cặp huấn luyện, vừa để giúp em có nơi ăn chốn ở ổn định, yên tâm tập luyện.

“Sẽ ra sao khi kết thúc cuộc đời vận động viên?” - đó là điều chị băn khoăn, trăn trở bấy lâu nay khi nghĩ về các vận động viên trẻ.

Với tư cách là thế hệ đi trước, chị đã thấm thía điều này.

Bài học đắt giá mà chị rút ra từ đồng nghiệp của mình, tất cả những ai là vận động viên mà không quan tâm đến việc học hành thì sau sự nghiệp thi đấu, họ phải trả một cái giá khá đắt nếu không nói là gần như phải làm lại từ đầu, hoặc bước vào cuộc sống với 2 bàn tay trắng, tự bươn chải, trở thành những lao động phổ thông.

Bản thân Huyền từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế, sau đó tiếp tục học văn bằng 2 Khoa báo chí. Có thời kỳ chị giữ mục

Góc của Huyền trên trang thể thao của một tờ báo điện tử. Việc chị kiên trì theo học báo chí cũng là để giữ lời hứa với chồng.

Trước đây chính anh đã động viên chị thi vào báo chí và khi anh mất, chị quyết tâm theo đuổi thực hiện được lời hứa đó với anh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại