Chuyện về buổi đầu của xe đò miền Tây

Trà My/VOV Giao thông |

Nhắc đến xe đò của những buổi đầu khi phương tiện này được đưa vào khai thác, có lẽ, với nhiều người sẽ chẳng thể nào quên được mùi đặc trưng trên những chuyến xe thuộc hàng “một ngàn chín trăm hồi đó”.

Những chuyến xe hầm hập nóng như gian bếp củi nhà quê, những bận ngồi đợi xe mòn mỏi dọc đường, nhớ tiếng rao lanh lảnh của mấy anh lơ xe, nhớ khung cảnh của bến xe tấp nập.

Những chuyến xe đò rôm rả ngày nào đã bất giác trở thành chứng nhân cho những giây phút chia ly, hội ngộ mỗi chặng đường dài. Xe đò Sài Gòn - Trảng Bàng, Sài Gòn - Tây Ninh, Sài Gòn - Sa Đéc, Sài Gòn - Miền Tây đã trở thành những ký ức khó phai trong miền nhớ của mỗi người đi qua thời quá vãng.

Chuyện về buổi đầu của xe đò miền Tây - Ảnh 1.

Hình ảnh cũ kỹ đầy hoài niệm bên trong xe đò thời bao cấp, nhưng thường là đông nghịt khách - Ảnh tư liệu: Giaoducthudo

“Xe đò ví dụ có 30 khách thì dọc đường nó ngừng lại rước, ngừng lại rước. Với thứ hai người ta chở đồ nên nó nghẹt hết”.

“Đi xe đò không à, chứ có xe khác đâu mà đi. Thỉnh thoảng nếu mà đông quá có nhiều người đi thì cũng leo lên mui ngồi, tiền bạc thì cũng vậy thôi nhưng mà mình thanh niên nên vậy”.

Đó là những ký ức chẳng thể nào phai nhạt của hành khách hay ngược xuôi khắp chốn trên các chuyến xe đò những năm 80, 90 của thế kỉ trước. Ngày nay, ít ai còn nhớ được xe đò có từ khi nào, nhưng hình ảnh những chuyến xe ngang dọc vẫn cứ vấn vương, chẳng thể nào quên được. Thực chất, bóng dáng xe đò đã thấp thoáng tại Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX với cái tên gọi xe lô.

Đầu thế kỷ 20, Sài Gòn khi ấy chỉ mới nhập một vài chiếc ô tô sử dụng cho ngành bưu chính để chuyên chở thư từ và bưu phẩm đi các tỉnh lân cận: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An do người Pháp lãnh thầu. Tới năm 1908 tại Sài Gòn đã có khoảng 30 xe đò kiểu còn thô sơ, để chở khách tuyến Lục tỉnh. Những chiếc xe ngày ấy còn thô sơ, đơn giản với sức chứa chỉ khoảng 10-11 người, tốc độ chạy khoảng 30km/h.

Với tải trọng ít ỏi nên được gọi là xe lô. Không lâu sau, loại xe này được đông đảo người dân biết đến, phổ biến rộng với cái tên xe đò. Nhiều người cho rằng, sở dĩ có tên gọi là xe đò vì Nam Bộ khi ấy sông nước chằng chịt, đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện.

Trong cuốn sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1859 - 1954” do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành thì khi các hãng xe đò ra nhiều và chạy khắp các tỉnh, ngành bưu điện áp dụng thủ tục cho các hãng xe đò đấu thầu chuyên chở bưu phẩm, khỏi phải mua sắm xe riêng, tiết kiệm cho công quỹ.

Một số tuyến và chủ hãng xe đò trên những cung đường ngắn giữa hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn đi đến các trung tâm thị tứ thuộc các tỉnh lân cận hoặc từ tỉnh lỵ này đến tỉnh lỵ kia với điều kiện vận hành được quy định rất chặt chẽ. Các xưởng sản xuất xe đò trong nước cũng dần hình thành trong thời kỳ này.

Ông Trần Ngọc Hiếu - 67 tuổi, quê Long An, từng là thợ sơn, vẽ tại một xưởng sản xuất xe đò hồi ấy, kể lại: “Cái xưởng hồi xưa đất bề ngang nó cũng rộng khoảng 20m, sâu vào cũng khoảng 30, 40m dùng đóng xe đò. Hồi xưa xe đò Việt Nam mình chỉ cho nhập cái sắc xi tức là phần dưới của chiếc xe gồm có máy, sắc - xi. Còn Việt Nam mình thợ đóng cái khung tức là thùng xe. Thợ hồi xưa làm thủ công cực lắm. Họ uốn sắt chữ u để làm khung vòng cung của xe. Phía trong của khung là họ cặp cây sao, cây sến cặp chung với cây sắt nên xe đò hồi xưa chắc lắm, chở trên mui khoảng vài tấn”.

Thời kỳ đầu, xe đò do người Pháp làm chủ toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người. Nhưng chỉ một thập niên sau, nhiều ông chủ người Việt bắt đầu lập hãng, nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu, châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh song phẳng trong giai đoạn đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ.

Những chiếc xe 30-40 chỗ ngồi khi ấy đầu máy nằm trọn về phía trước. Đầu những năm 1960, chiếc xe 54 chỗ Desoto vẫn có đầu máy phía trước. Vài năm sau, các hãng xe tại Sài Gòn mới đóng thùng xe lại, đưa người lái xe về trọn phía trước.

Nhờ vậy, mà người lái dễ canh, dễ lái hơn. In sâu đậm trong tâm trí người dân khi ấy là những chiếc xe đò với cái tên thuần Việt như Thuận Thành, Đại Nam hay Quang Minh nhưng kèm theo đó là tên các hãng phụ tùng lớn như Desoto, Renault… được đặt nổi bật ngay đầu xe. Tại hàng loạt bến xe, xưởng xe đều có những chiếc xe đò nhiều màu sắc sặc sỡ và trên xe là những dòng chữ khác nhau được sơn vẽ đặc sắc, tỉ mẩn.

Ông Trần Ngọc Hiếu nhớ lại: “Thường hồi xưa sơn có hai loại, trước là Bạch Tuyết, sau năm 1975 là sơn Nhật. Nói là sơn Nhật vậy thôi chứ mình cũng không biết, tiệm sơn nó bán vậy. Chỉ có hai loại sơn đó mình vẽ mới đẹp chứ sơn dầu vẽ chữ nó không đẹp, nó có sọc, vẽ không láng. Vẽ trên sắt. Vẽ trên chiếc xe đò thì có hai bộ phận. Vẽ bên hông thì vẽ chữ lộ trình ví dụ như Sài Gòn - Vĩnh Long, Sài Gòn - Bắc Mỹ Thuận.

Còn trên kiếng xe cũng có hàng chữ đó và hiệu xe như Thuận Thành, Đại Nam. Có nhiều chiếc xe trong họ viết những dòng chữ như “Xin đừng để tay ra ngoài nguy hiểm”, “Xin đừng quăng rác xuống đường”... có những câu nhắc nhở hành khách đi xe vậy đó”.

Những chiếc xe đò buổi đầu hầu hết đều đã hoạt động từ trước năm 1975, có tuổi ít nhất cũng 20-40 năm và cũ nát. Mà những chiếc xe đò Desoto cũ kỹ này thường có hai cửa trước, cửa sau, tức là ngoài tài xế còn có hai lơ xe.

Ngoài việc hỗ trợ tài xế, lơ xe còn có nhiệm vụ hô rõ điểm đến để mời chào khách dọc đường, ví dụ như “Ai Mỹ Tho, Mỹ Thuận, Hậu Giang lên xe”. Chữ “Lơ” xe đò là từ tiếng Pháp: Contrôleur, có nghĩa là người soát vé mà ra. Lựa chọn lơ cũng phải là người nhanh nhẹn để lúc nào cũng có thể leo lên mui xe, lên hàng xuống hàng.

Chuyện về buổi đầu của xe đò miền Tây - Ảnh 3.

Hình ảnh xe đò cũ kỹ một thời với hai anh lơ xe đứng ở cửa xe vẫy khách - Ảnh tư liệu (Ảnh: Giaoducthudo)

Ông Lê Văn Tính, người đã làm lơ xe đò từ sau năm 1975 nhớ lại: "Hồi xưa ông già chạy xe rồi tui đi lơ với ổng. Như bữa nay chiều thì đổ dầu rồi mai sửa soạn xong xuôi thì vô bến chạy. Sáng bán vé khách đầy xe thì mình chạy. Xe có hư thì mình tự sửa nhưng hư lặt vặt mình sửa được chứ xe hư lớn thì mình không sửa được. Đồ chở để trên mui chứ không có bao giờ để dưới. Có cái ba gác để trên, lơ xe lên đứng cửa hông đưa đồ lên mui buộc lại rồi chạy. Trong xe có bên 3 ghế và bên 2 ghế; 53 khách hoặc 50 khách, có xe lên đến 55 khách. Khách nhiều lắm, ai có số thì lên ghế ngồi rồi tôi phụ sắp ghế thôi".

Ông Tính cho biết thêm, xa cảng miền Tây là bến tập trung các xе đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xе Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn. Về sau, bến xе Chợ Lớn gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng thành Bến xе miền Tây như bây giờ.

Vào những năm 1980, do tình trạng thiếu xăng dầu trầm trọng nên loại xе cũ rất phổ biến trước 1975 như Rеnault Goеlеttе 1400 của Pháp, xe Dodge gác máy Desoto, xe GMC đã được chế lại để chuyển sang chạy bằng than. Từ đó, phía sau những chiếc xе này có thêm một bộ phận phụ trợ với buồng đốt phía dưới và than nằm phía trên tự rơi vào buồng. Cứ chạy chừng chục km, phụ xe lại dùng một que sắt dài khều than, chọc tro để than cháy tiếp. Vì chạy bằng than nên xе thường có vận tốc không cao, thường chạy những quãng đường ngắn dưới 100km và hay hỏng vặt dọc đường. Vé ngồi gần khu vực “lò than” phía sau xе thường có giá rẻ hơn so với các chỗ ngồi khác trong xе, bởi khu vực đó rất nóng.

Trước giờ khởi hành hay nghỉ trạm, người bán hàng rong tại các bến xe cũng lên xuống không ngớt. Họ vừa đi dạo khắp xe, vừa mời gọi bằng những câu rao bán đặc trưng. Từ mấy cô bé bán nước mía, xiro, xá xị đến mấy bà bán bánh mì, kẹo đậu phộng, bắp luộc, cóc ổi mía ghim đều được lên xe bán hết thảy... Xe đò thời ấy không có máy lạnh như giờ, cũng không có quạt, lại luôn người chen lấn đông đúc, thêm người bán hàng nên không khí ngột ngạt, nóng bức.

Trong ký ức của ông Đỗ Văn Công – Hội di sản tỉnh Bến Tre, những hình ảnh về bến xe, những chuyến đò đầy háo hức được theo mẹ ngày nào vẫn còn nguyên vẹn: "Hồi nhỏ chú còn 5, 6 tuổi vẫn nhớ như in. Lên xe thường đi hai mẹ con, đi 2 vé. Má chú mới đặt vé xe cho chú ngồi cạnh cửa sổ bởi con nít thích nhìn cảnh quan ở ngoài chiếc xe đang chạy. Cảnh quan hai bên lề đường, nó nhìn phố xá, nhìn đèn đuốc giấc chiều giấc sáng, ban đêm. Nó lộng lẫy, nó thích thú.

Hồi xưa, đâu có máy điều hòa như bây giờ cho nên khi xe khởi động chạy rồi kéo cửa sổ lên trống rỗng, mát mẻ, mắt nhìn bao la. Đặc biệt, mỗi một lần mua vé, giành làm sao mua được hai ghế phía đằng trước ngồi nó dễ nhìn mà quan sát rất là xa nhưng cũng khó mua, phải đặt trước, quen mới được. Đặc biệt nữa là nếu trễ lúc bán vé thì phải ngồi ghế xúp như ghế đẩu bây giờ. Nhưng cũng 3-5 người ngồi ghế xúp thôi chứ không được ngồi nhiều, nó chật".

Vận tải hành khách ngày nay phát triển; nhiều phương tiện giao thông hiện đại xuất hiện; xe đò, xe khách cũng được cải tiến tốt hơn nhưng ký ức về những chuyến xe đò xưa vẫn mãi là một thước phim tua chậm trong miền nhớ của những ai đi qua thời quá vãng, để rồi bất chợt một lúc nào đó, nhắc về chuyện ngày xưa, người ta lại nhớ về những chuyến xe đò buổi đầu dọc ngang tứ xứ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại