Gần 1 ngày sau ca mổ ngồi đau đớn, chỉ được gây tê tủy sống và hoàn toàn tỉnh táo để nhận biết toàn bộ quá trình phẫu thuật bắt thai nhi, chị Nguyễn Thị Liên (SN 1991, Hà Nam) đã được chuyển xuống Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện K. Trên giường bệnh, chị Liên tiếp tục phải ngủ ngồi, cắm máy trợ thở, trợ tim, truyền các loại thuốc và không thể tự sinh hoạt.
Từ một người phụ nữ nặng 68kg, khỏe mạnh, căn bệnh ung thư vú giai đoạn muộn và việc vắt kiệt sức để giữ thai, để sinh con ra đời đã khiến chị tiều tụy, gần như suy sụp. Nhìn mái đầu trọc lốc, gương mặt xanh xao phải cố gắng thở từng nhịp, mỗi ngày chỉ húp 2-3 thìa sữa tươi và ngủ chưa được 2 tiếng đồng hồ, ít ai biết, ẩn sâu bên trong người phụ nữ ấy là một khát vọng sống, ý chí vô cùng mạnh mẽ.
Ung thư có đáng sợ không? Cho đến bây giờ, ung thư vú không còn là căn bệnh gắn với "án tử". Rất nhiều người đã trị khỏi, lành bệnh 5-6 năm không tái phát. Tuy nhiên, khi khối u di căn vào xương, phổi, bệnh nhân đang mang thai, thì lại là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Sau ca phẫu thuật lấy thai, chị Liên có lẽ sẽ phải ở lại viện K rất lâu. Chị có thể sẽ được các bác sĩ cắt bỏ khối u, điều trị hóa chất, xạ trị... Hành trình gian nan mà chị và chồng mình - anh Đỗ Văn Hùng (SN 1988) cùng nhau đi qua chưa biết khi nào sẽ dừng lại, nhưng họ luôn tin người sống lương thiện ắt sẽ được Trời phù hộ.
Ngày nào đó, điều tốt đẹp sẽ đến. Ngày nào đó, chị Liên sẽ khỏe mạnh trở lại, tiếp tục nặng 68kg và làm việc phăm phăm như một lực sĩ…
Nhưng dù tin là như thế, dù có lạc quan đến nhường nào thì mỗi lần nhìn vợ ngồi trên giường bệnh, thở khó nhọc mà vẫn không thể chợp mắt, anh Hùng lại không ngăn được xót xa. Đứng bên cạnh chị Liên, một tay nâng tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của vợ vì ngồi tựa liên miên vào thành giường, một tay cầm chiếc quạt giấy khẽ phẩy từng nhịp, anh Hùng không thể ngăn những giọt nước mắt lặng lẽ rơi.
Ca mổ đã thành công. Bé trai Đỗ Bình An của hai anh chị vẫn đang được chăm sóc tốt và khỏe mạnh trong lồng kính ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Mọi thứ không trật khỏi ước nguyện, nhưng sao anh thấy buồn quá. Nỗi buồn ấy cứ ngày một lớn hơn khi anh ngày ngày bên vợ, chăm sóc vợ.
Thương vợ, cả năm nay anh chưa từng rời mắt khỏi vợ dù chỉ là phút giây. Từ khi biết chị bệnh nặng, anh đã quyết định bỏ ngang hết mọi công việc, về nhà chăm sóc chị từng miếng ăn, giấc ngủ, dìu dắt từng lần đi vệ sinh. Cho đến 2 tháng cuối của thai kỳ, chị Liên phải ngồi liên tục trên giường bệnh, không thể nằm ngủ vì khối u di căn vào phổi gây khó thở, tất cả mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều do anh Hùng phụ giúp.
Mới chỉ gần 4 năm hôn nhân, nhưng hai con người ấy như một hợp thể không thể tách rời. Nhìn vào tình nghĩa sâu nặng của họ ở hiện tại, ít ai nghĩ, cả hai từng quyết định đến với nhau rất vội vàng chỉ sau vỏn vẹn đúng 3 lần gặp gỡ.
"Mình làm công việc lăn sơn trên Hà Nội, không thường xuyên về quê. Tết Nguyên đán năm 2015, dì của vợ nói trêu, hỏi mình có muốn lấy vợ ở quê không sẽ giới thiệu cho một người. Trêu rồi thành thật! Vì bị mình nài nỉ nên hôm Tết, dì dẫn sang nhà vợ chơi".
Gặp nhau lần đầu, lần thứ hai rồi đến lần thứ ba, anh Hùng liều lĩnh hỏi cưới chị Liên. Lời tỏ tình lúc đó rất đơn giản, anh Hùng vụng về hỏi là: "Em có muốn lấy anh làm chồng không?" và chị Liên đồng ý. Tưởng như đó chỉ là một câu nói bông đùa, nói xong bỏ đó vì không thấy anh Hùng nhắc lại thêm lần nào. Một ngày đẹp trời mùa xuân cuối tháng 2 âm lịch, chị Liên bất ngờ thấy nhà trai mang trầu cau sang hỏi vợ. Đám cưới diễn ra chỉ sau chưa đầy 2 tháng cặp đôi quen biết nhau.
Suốt thời gian ấy, cả hai chưa từng có một kỉ niệm lãng mạn, chưa từng dẫn nhau đi chơi, ngồi cafe hay nói lời hẹn ước tình tự, dành cho nhau cả tiếng gọi điện thoại hay nhắn tin xuyên màn đêm... Một tình yêu đơn giản, bình dị đã nảy nở, gắn kết họ với nhau.
Anh Hùng bảo: "Tình yêu đơn giản lắm, cần gì phải làm cho nó phức tạp thêm. Mình quen vợ, thấy hợp thì tiến thôi. Cả hai cũng đã đến tuổi lập gia đình. Yêu nhanh hay chậm, lâu hay ngắn cũng không quan trọng bằng sự chân thành".
Anh Hùng là người ít nói, ngoại hình, công việc bình thường. Chắc chắn, trong mắt nhiều cô gái, anh không phải là mẫu đàn ông lý tưởng. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân với chị Liên, anh chính là người chồng "soái ca" mà hóa ra rất nhiều phụ nữ trong cuộc đời này cũng chỉ mong chờ một người như thế thôi!
Anh hiền, trầm tính, không bao giờ nặng lời với vợ và chuyên tâm tu chí làm ăn. Từ ngày lấy nhau, chị Liên ở nhà lo việc nội trợ. Sóng gió ngoài kia, việc lăn lội kiếm tiền một mình anh lo toan nhưng chưa một lần, chị Liên thấy chồng than vãn hoặc gây áp lực với mình.
Họ có với nhau một bé gái đầu lòng năm nay 2 tuổi rưỡi và đang rất hạnh phúc chờ đón con trai thứ hai (bé Đỗ Bình An) chào đời thì không may, căn bệnh ung thư vú bất ngờ ập tới…
Từ khi phát hiện vợ bị ung thư, câu động viên duy nhất anh Hùng có thể nói với chị Liên là: "Cố lên em!". Nhưng rồi thường xuyên nhìn thấy chị phải chịu đau đớn, chính bản thân anh Hùng lại cảm thấy bất lực. Việc mang thai, sinh con và chịu đựng bệnh tật là ba điều anh không thể làm thay vợ. Không biết nói gì nên mỗi lần chị ho sặc sụa, nôn ói tất cả những gì vừa ăn, anh Hùng chỉ biết nắm lấy vai vợ nói một câu: "Cố lên em!". Những lúc như thế, chị Liên quay sang nhìn anh rồi không nói gì, nhưng ánh mắt đầy hy vọng của chị giống như lời động viên ngược lại rằng: "Không sao đâu, em vẫn còn chịu đựng được".
Mấy tháng ròng mang thai, chị Liên đến viện truyền hóa chất rồi lại về nhà, về nhà xong lại đi cấp cứu, truyền hóa chất. Vô cùng mệt mỏi. Rồi khối u di căn vào xương gây đau nhức từng đêm, di căn vào phổi khiến chị không thể nằm ngủ mà phải ngồi 24/24. Chị bị ho, khó thở, nôn ói, 20 ngày cuối thai kỳ phải nằm viện theo dõi, gần như không ăn được gì ngoài uống nước lọc cầm hơi... nhưng mỗi lần được chồng nắm vai, nói một câu "Cố lên em!" chị lại thấy mình mạnh mẽ, can đảm hơn.
Sau lần đầu tiên truyền hóa chất, rất nhiều người thân, bạn bè khuyên vợ chồng chị nên bỏ thai để lo chạy chữa cho chị Liên. Họ lo ngại, việc truyền hóa chất đối với thai phụ sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ trong bụng. Những lúc phải truyền hóa chất, anh chị cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng rồi cả hai đều thống nhất: Phải giữ con, nhất định phải để con được chào đời.
Anh Hùng kể, chị Liên thường nghĩ đến một câu chuyện nói về người phụ nữ được yêu cầu viết tên tất cả những người thân yêu nhất của mình ra một tờ giấy rồi phải gạch dần cho đến khi chỉ còn lại bố mẹ ruột, chồng và con. Khi bị thúc ép với câu hỏi, nếu cả 3 đối tượng ấy cùng gặp nạn, tình thế chỉ có thể cho phép cứu duy nhất một người, thì người phụ nữ sẽ cứu ai - và cô ấy đã chọn cứu chồng. Chị Liên rất cảm thông và nói rằng, nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị cũng sẽ làm như thế.
"Không phải con cái, chính chồng mới là điểm tựa vững chắc nhất cuộc đời em. Anh sẽ là người sống với em lâu dài nhất, chia sẻ tình yêu, hạnh phúc và khổ đau, cùng sinh con rồi nuôi con trưởng thành. Nhưng vì tình yêu thương của một người mẹ, em không thể bỏ con. Em bất chấp tính mạng, làm tất cả mọi thứ chỉ đơn giản vì em muốn con được sống. Bất luận đứa bé sinh ra khỏe mạnh hay không, em cũng chấp nhận hết", anh Hùng nhắc lại lời của vợ khi chị hạ quyết tâm giữ lại cái thai trong bụng.
Kể từ lần đó, vợ chồng chị không bao giờ nghĩ đến chuyện giữ thai hay bỏ. Họ âm thầm nỗ lực, cố gắng hết sức để đứa trẻ có thể sống trong bụng mẹ tròn ngày, đủ tháng hoặc ít ra, mang thai thêm được ngày nào tốt ngày đó.
Trong một buổi tối nằm gối đầu lên cánh tay anh Hùng, lúc cái thai đang ở tháng thứ 6, chị Liên nói với chồng rằng: "Anh à, thế nào con mình cũng sẽ chào đời. Lúc ấy mình đặt tên con là Bình An nhé".
"Vợ mình đặt tên con như vậy vì hy vọng, cả một đời con, với sự hy sinh của bố mẹ sẽ được bình an. Ngày sau, dù có sóng gió nào con cũng mạnh mẽ, may mắn bước qua".
Ngày 22/5, ca phẫu thuật thành công đã biến ước mơ của anh Hùng, chị Liên thành hiện thực. Những ngày qua, bé trai nặng 1,5kg của vợ chồng chị vẫn đang dần mạnh mẽ hơn, lớn hơn, và ngủ tiếp những giấc bình an trong bệnh viện.
Trước đó, khi bắt đầu ca mổ quyết định, anh Hùng phải ký vào biên bản cam kết cho tình huống xấu nhất xảy ra. Bác sĩ nói, chị Liên có nguy cơ bị đờ tử cung, phải cắt bỏ cả tử cung hoặc gặp khó khăn về việc cầm máu, gây tê... nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.
Ở ngoài phòng mổ, anh Hùng không suy nghĩ được gì ngoài việc chắp tay cầu nguyện. Lúc đó, những cuộc điện thoại của người thân, bạn bè dồn dập đổ chuông nhưng anh dường như không nghe thấy và cũng không thể nói được gì.
"Mình ở trong một trạng thái rất mâu thuẫn, những chuyện xấu như có thể mất cả vợ lẫn con hoặc mất một trong hai là điều mình không dám, không muốn nghĩ tới và luôn tin là không thể xảy ra nhưng vẫn rất sợ hãi".
Anh Hùng bảo, thật ra chính chị Liên mới là người có nhiều lạc quan hơn cả anh. Suốt thời gian mang thai, chị luôn cố gắng không nói về những chuyện không vui, không suy nghĩ bất cứ điều gì ngoại trừ việc nhất định phải sinh đứa bé.
Có nhiều lúc, một vài người bạn hỏi anh Hùng có tiếc vì đã lấy chị Liên quá vội vàng để bây giờ phải vất vả nhường ấy, hoặc hỏi nếu tình huống xấu nhất xảy ra, chị Liên mất đi thì anh Hùng sẽ thế nào, anh có nghĩ đến chuyện tương lai và đã chuẩn bị sẵn tâm lý hay chưa? Mỗi lần đối diện với những câu hỏi sắc lạnh ấy, anh Hùng im lặng rồi bỏ đi.
Vợ mang thai trong lúc bị bệnh nặng, anh Hùng cũng không thể đi làm để kiếm tiền. Kinh tế gia đình khó khăn, phải vay nợ nhiều. Họ vừa khó khăn về tinh thần lại thiếu cả vật chất nhưng một số người vẫn lạnh lùng, cố tình nhắc chuyện truyền hóa chất có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng, việc liều lĩnh sinh con thế này sẽ làm chị Liên giảm tuổi thọ, chuyện cố giữ thai chỉ vì họ quá sợ điều trị ung thư vú sẽ khiến chị Liên không thể sinh con trai được nữa...
"Còn mình thì chưa bao giờ nghĩ đến những điều đó", anh Hùng nói. "Ngày cưới, vợ chồng mình không nói lời hẹn ước nhưng khi ký vào giấy kết hôn, cả hai coi như đã ràng buộc, có trách nhiệm với nhau đến hết đời. Mà mình tin, Liên sẽ khỏe lại. Nhất định là như thế. Hoặc nếu không, mình chỉ muốn nuôi con khôn lớn, những chuyện khác cũng chẳng muốn nghĩ nhiều".
Trong thời gian chữa trị vất vả, rất nhiều người, từ bạn bè hồi cấp II, III đến những người thầy cô giáo cũ lâu năm, đã chuyển công tác cũng tìm đến động viên chị Liên. Sự quan tâm, tình yêu thương của họ cũng trở thành động lực mạnh mẽ giúp chị Liên vững vàng hơn.
Ở bệnh viện, chị được đội ngũ y bác sĩ quan tâm đặc biệt. Dù chị điều trị chính tại Bệnh viện K nhưng các bác sĩ Khoa Sản Bệnh viện Quân y 103 vẫn sang thăm khám định kỳ. Đội ngũ y bác sĩ liên bệnh viện thường xuyên cùng nhau họp hội chẩn và đưa ra phương án điều trị ung thư tốt nhất dành cho thai phụ.
Khi quyết định mổ lấy thai, hơn 20 y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tới Bệnh viện K hỗ trợ. Chính bác sĩ Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương là người trực tiếp cầm dao mổ, Giám đốc bệnh viện Việt Đức là người gây tê, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện K là người hồi sức cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Bé Bình An chào đời liền được các y bác sĩ và người thân đưa về Bệnh viện Phụ sản Trung ương hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ Cường nói, với kỹ thuật y học hiện đại như hiện nay, bệnh viện có thể cứu được những đứa trẻ sinh non ở tuần thứ 25. Bé Bình An đã 31 tuần nên khả năng hồi phục rất tốt.
Để cứu được tính mạng của mẹ con chị Liên, các bác sĩ giỏi nhất ở Hà Nội có liên quan tới chuyên môn đã cố gắng phối hợp làm những gì tốt nhất có thể. "Có nhiều bác sĩ, gia đình chưa từng gặp mặt trước và sau ca mổ. Mỗi lần có phóng viên phỏng vấn, tôi luôn dặn họ hãy chuyển giúp lời cảm ơn của gia đình đến tất cả đội ngũ y bác sĩ đã thăm khám, điều trị và phẫu thuật cho Liên", bà Ngân, mẹ chị Liên nói.
Bà Ngân bảo, các bác sĩ là chỗ dựa rất lớn giúp chị Liên sinh con thành công. Ngay từ ngày đầu khi phát hiện bệnh lại biết vợ chồng chị Liên muốn sinh con, các bác sĩ ở viện K chỉ nói một câu rất ngắn nhưng khiến cả gia đình nhớ mãi.
Bác sĩ nói: "Nếu các em quyết định giữ con thì các em không hề đơn độc trong cuộc chiến này, sẽ luôn có các bác sĩ đồng hành cùng. Hãy tin vào sự tận tâm của các bác sĩ viện K, viện Phụ sản, viện 103... vì chúng tôi sẽ cố hết sức làm những gì tốt nhất có thể".
Vợ chồng chị Liên không giàu có, không có gia thế hay địa vị nổi trội. Nhiều người thường nói, thời nay đến bệnh viện không có nhiều tiền, không có quan hệ thì chỉ gặp khó khăn. Tuy nhiên, những câu chuyện như đã xảy ra với chị Liên chứng minh điều ngược lại.
Vài ngày sau khi ca mổ diễn ra, câu chuyện của chị xuất hiện trên khắp mặt báo, trang mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Không ít nhà hảo tâm chưng từng quen biết vợ chồng chị đã vận động quyên góp và đem tiền mặt tới ủng hộ, phần nào giúp anh chị vượt qua khó khăn.
Tấm lòng ấy khiến anh Hùng cảm động đến cay khóe mắt. Câu chuyện của chị Liên chắc chắn không chỉ đơn thuần đáng chú ý vì tấm lòng cao cả của một người mẹ liều mạng sống để sinh con mà còn khiến chúng ta tin rằng, trong xã hội này, những điều tốt đẹp vẫn còn tồn tại rất nhiều và vẫn luôn ở đó, rất gần bên cạnh mỗi người.
Khi tôi hỏi, sau này Bình An lớn lên, anh sẽ kể cho con nghe điều gì về sự chào đời đặc biệt của bé, anh Hùng chỉ cười. Anh bảo, vốn chưa từng nghĩ đến chuyện đó. Nhưng nếu kể, anh sẽ nói với con là: "Bố mẹ rất thương con nhưng bố mẹ không làm điều gì vĩ đại cả. Bố mẹ chỉ làm điều mình muốn và nghĩ là sẽ tốt cho con vì một tình cảm rất bình thường. Người con nên biết ơn là các y bác sĩ và những nhà hảo tâm đã giúp bố mẹ, giúp con được sống".