Chuyện tình đặc biệt của cặp đôi U70 từng tổ chức lễ thành hôn dưới bom đạn

Hải Linh |

Trong những ngày Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cặp đôi U70 tại Hà Nội cũng có một đám cưới vàng vô cùng xúc động đúng ngày 25/12. Đây là dịp để con cháu tri ân và nhắc nhớ về chuyện tình đặc biệt của ông bà Túc - Liên đã đi cùng những năm tháng không thể nào quên của người dân cả nước.

Đám cưới lịch sử diễn ra trong khói bom

Sau một ngày diễn ra đám cưới vàng với 50 năm chặng đường tình yêu của mình, trong căn nhà nhỏ ấm áp ở con ngõ thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, ông Đỗ Tất Túc, 78 tuổi và bà Nguyễn Thị Liên, 72 tuổi, vẫn không giấu nổi niềm xúc động, nghẹn ngào: "Vợ chồng tôi rất xúc động, vì chuyện tình cảm của chúng tôi gắn với mốc son lịch sử của cả nước, của Hà Nội.

Trong suốt nửa thế kỷ đã qua, vợ chồng tôi cùng nhau nuôi dạy con cháu nên người. Vợ chồng luôn nhắc nhau phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Thủ đô Hà Nội, bảo vệ đất nước, để đến bây giờ chúng tôi được sống an vui, hạnh phúc tuổi già bên con cháu".

Chuyện tình đặc biệt của cặp đôi U70 từng tổ chức lễ thành hôn dưới bom đạn - Ảnh 1.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Liên cùng con cháu nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới

Bà Nguyễn Thị Liên, quê gốc ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nhưng bà được sinh ra và lớn lên ở tỉnh Tuyên Quang. Còn ông Đỗ Tất Túc được sinh ra ở tỉnh Hưng Yên. Khi bà Liên còn là nữ sinh trường Đại học Dược, thì ông Đỗ Tất Túc đã tốt nghiệp với tấm bằng Đại học xuất sắc và được giữ lại là giảng viên trẻ của Trường Đại học Thủy Lợi.

Khi Đế quốc Mĩ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, 2 Trường Đại học Dược và Đại học Thủy Lợi cùng sơ tán về một vùng quê tại tỉnh Bắc Giang. Trong một đêm giao lưu văn nghệ giữa các trường Đại học vào dịp hè năm 1970, ông Đỗ Tất Túc đã tìm được người con gái quê ở Thanh Trì – Hà Nội trong tốp ca nữ duyên dáng với bài hát "Tiếng đàn Ta lư".

Cuộc giao lưu văn nghệ lần ấy như định mệnh sắp đặt tình yêu giữa anh giảng viên trẻ đa tài và cô sinh viên tài năng nảy nở. Cuối năm 1972, được sự đồng ý của 2 gia đình, ngày cưới của ông Đỗ Tất Túc được ấn định là ngày 25/12. "Đêm ngày cưới chính là ngày Noel. Tôi cứ tưởng tượng khi đèn cây thông ở các nhà thờ bừng sáng, thì cô dâu của tôi cũng xinh đẹp bội phần bước vào cuộc đời tôi cũng đầy thi vị như thế" – ông Đỗ Tất Túc cười tươi kể.

Ngày 18/12/1972, thiếp mời cưới đã đến tay họ hàng, bè bạn, cả cô dâu và chú rể hồi hộp chờ đến ngày cưới, mà không biết rằng ngay đêm đó, máy bay Mĩ ném bom sân bay Nội Bài. Còi báo động từ Nhà hát lớn đến Quảng trường Ba Đình, từ Ga Hàng cỏ đến các con phố đều khẩn cấp báo động. Cũng từ đó đến ngày 24/12, bom Mỹ liên tục đánh phá ác liệt ở thị trấn Yên Viên (Đông Anh), ở huyện Gia Lâm, và ga Giáp Bát và Bệnh viện Bạch Mai, gây tổn thất nặng nề cho Thủ đô Hà Nội.

0h ngày 25/12, sau 7 ngày đánh phá ác liệt, tàn phá nhiều nơi ở Thủ đô Hà Nội, Đế quốc Mỹ bất ngờ tuyên bố tạm ngừng cuộc ném bom tập kích. Ngay lúc này, kế hoạch "lấy vợ" của ông Đỗ Tất Túc cũng được cả 2 họ nhà trai và nhà gái tranh thủ tổ chức theo đúng lịch đã định.

"Đúng 19h ngày 25/12/1972, cô dâu Nguyễn Thị Liên được nhà trai đón từ tỉnh Tuyên Quang về Hà Nội. Lễ thành hôn dưới bom đạn giặc Mỹ của chúng tôi diễn ra không khí giản dị mà ấm áp của 2 bên gia đình và bạn bè, đồng nghiệp. Thế nhưng, tiếng chuông Nhà thờ lớn vừa dứt lúc 24h, bom Mỹ lại tiếp tục dội từng đợt cày nát Thủ đô Hà Nội. Đêm 26/12, hơn 500 ngôi nhà tại phố Khâm Thiên tan hoang, hàng trăm người dân bị vùi trong đống đổ nát. Bom nổ ở sân ga Hàng cỏ, cách nhà vợ chồng tôi chỉ 300m, nhà cửa rung chuyển..." – ông Đỗ Tất Túc nhớ lại.

Chuyện tình đặc biệt của cặp đôi U70 từng tổ chức lễ thành hôn dưới bom đạn - Ảnh 2.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Liên hạnh phúc trong lễ kỷ niệm đám cưới vàng

Kết quả tình yêu vẫn cháy bỏng dưới bom đạn

Gói ghém lại chiếc áo dài ngày cưới, việc "đại sự" đầu tiên mà cô dâu mới lo cho nhà chồng là đưa cả đại gia đình qua phà Trung Hà, vượt sông Đà lên Tuyên Quang quê vợ sơ tán giữa đêm đông lạnh buốt.

Tháng 1/1973, Hiệp định Pari kí kết, chiến tranh phá hoại miền Bắc chấm dứt, cả nhà ông Đỗ Tất Túc lại hành trình trở về Hà Nội. Riêng bà Nguyễn Thị Liên vẫn ở lại Tuyên Quang công tác và sinh con gái đầu lòng vào tháng 10/1973 trong niềm vui của đại gia đình.

5 năm sau, vợ chồng bà sinh thêm con trai út. Khi con nhỏ được 1 tuổi, bà Liên được chuyển công tác về "Vụ trang thiết bị và công trình y tế" của Bộ Y tế tại Hà Nội. Lúc này cả gia đình bà mới được đoàn tụ.

Từ miền núi về Thủ đô, cuộc sống mới đầm ấm với gia đình nhà chồng chưa kịp quen, 2 con còn nhỏ dại, thì ông Đỗ Tất Túc lại được cử đi nghiên cứu sinh tại Liên xô, gánh nặng cơm áo dồn lên đôi vai bà Nguyễn Thị Liên.

"Đồng lương công chức hạn hẹp, mẹ tôi tìm việc làm thêm, cặm cụi dán từng vỏ hộp dầu cao sao vàng, nhận may màn thuê cho các bệnh viện..., ở đâu có việc, mẹ tôi đều vui vẻ nhận về nhà làm sớm khuya để có thêm tiền trang trải nuôi con và gia đình" - chị Đỗ Thúy Quỳnh, con gái lớn của ông bà Túc – Liên chia sẻ.

Chuyện tình đặc biệt của cặp đôi U70 từng tổ chức lễ thành hôn dưới bom đạn - Ảnh 3.

Vợ chồng bà Liên luôn cùng nhau vượt qua khó khăn, sống mẫu mực để con cháu noi theo

Cùng nhau vượt qua khó khăn, dốc lòng cho sự nghiệp

Sau 4 năm "dùi mài kinh sử" ở xứ Bạch Dương, tháng 6/1984, ông Đỗ Tất Túc trở về Trường ĐH Thủy Lợi với trọng trách của một Tiến sĩ, PGS, một người thầy tận tâm với nghề, ông đã đào tạo hơn 30 khóa sinh viên chuyên ngành thủy văn - môi trường tốt nghiệp.

Ông còn tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh, làm chủ nhiệm hoặc tham gia các đề tài khoa học về thủy văn, thủy lực và diễn biến dòng sông. Ông có nhiều dịp đến với mảnh đất Tây Nguyên, với miền Trung gắn bó cùng các công trình thủy lợi, các dự án bảo vệ bờ sông, bờ biển, phòng chống lũ lụt. Cũng từ việc tích lũy được những kiến thức qua quá trình giảng dạy và thực tiễn, ông cho ra đời nhiều cuốn sách chuyên môn phục vụ cho ngành Thủy lợi.

Khi các con đã khôn lớn, cũng là lúc bà Nguyễn Thị Liên sức khỏe suy yếu. Bà mắc bệnh hẹp van tim 2 lá. Trải qua 3 lần phẫu thuật, bà được các con đưa sang Singapore thay van 2 lá nhân tạo. Trái tim yếu, nhưng nghị lực của bà lại phi thường. Sau 6 tháng phẫu thuật lần thứ nhất (1989), bà Liên quyết định đi học thêm tiếng Anh để nâng cao vốn ngoại ngữ.

2 năm học miệt mài ôn luyện, trình độ tiếng Anh của bà nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, mỗi khi đi công tác đến các nước châu Âu, châu Á, bà đã tự tin giao tiếp với các đồng nghiệp nước ngoài về chuyên môn mà không cần phiên dịch.

Chuyện tình đặc biệt của cặp đôi U70 từng tổ chức lễ thành hôn dưới bom đạn - Ảnh 4.

Con cháu luôn tự hào với chuyện tình đặc biệt của cha mẹ đã đi cùng mốc son lịch sử của Hà Nội

Khi nghỉ hưu, vợ chồng bà Liên dành thời gian chăm sóc dạy dỗ các cháu nội, ngoại, sống biết yêu thương và chia sẻ. Riêng ông Đỗ Tất Túc vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở khu dân cư, vẫn luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu, bà con lối xóm noi theo.

"Kể từ năm 1997, lễ kỉ niệm 25 năm ngày cưới của cha mẹ được chị em tôi tổ chức đầm ấm. Từ đó, cứ đến ngày 25/12 hàng năm, khi người dân Thủ đô và cả nước rộn rã tổ chức ngày kỷ niệm lịch sử Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi lại tổ chức kỉ niệm ngày cưới cho cha mẹ.

Đây là dịp cả nhà tôi cùng ôn lại thời khắc lịch sử huy hoàng của đất nước, cũng là nhắc chúng tôi niềm tự hào về tình yêu sâu sắc của cha mẹ, về một cuộc tình đặc biệt đã đi cùng năm tháng của lịch sử Hà Nội, để chúng tôi có một đại gia đình ấm áp như hôm nay" - chị Đỗ Thúy Quỳnh tự hào nói khi chứng kiến nụ cười xúc động của cha mẹ, của họ hàng, con cháu trong lễ đám cưới vàng đặc biệt của cha mẹ mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại