Chuyện tình 60 năm đẹp như thơ của bố mẹ ca sĩ Long Nhật

Cao Thanh Hương |

"12 năm mẹ bệnh, ba lo cho mẹ từng cái tăm, từng ly nước, từng miếng giấy. Tất cả tấm hình gia đình, ba đều không nhìn ống kính mà chỉ nhìn mẹ", Long Nhật kể về chuyện tình của bố mẹ.

Theo lời kể của ca sĩ Long Nhật, mẹ của anh tên thật là Nguyễn Thị Quýnh nhưng kể từ ngày lấy chồng – nhà thơ nhà thư pháp Nguyệt Đình (tên thật Đinh Khắc Duyệt), bà mất luôn tên thật của mình.

Ông đặt tên cho bà là Quỳnh Hương còn hàng xóm láng giềng, ai cũng gọi bà theo tên chồng: Chị Duyệt, bác Duyệt, O Duyệt... Đến lúc chết, chính bà cũng quên luôn tên thật của mình!

Mẹ chồng con dâu, tình hơn cả mẹ đẻ con ruột

Bố của Long Nhật là con trưởng nên từ ngày về làm dâu, bà gánh vác giang sơn nhà chồng. Bà yêu cha mẹ chồng như cha mẹ đẻ. Các em của chồng đều còn nhỏ, chính bà là người tắm cho em út và dựng vợ gả chồng cho từng người.

Long Nhật chia sẻ: "Mẹ lo cho các cô chú từng cái áo sơ mi, từng cái bút cắm vào túi áo khi đi chơi với người yêu. Mẹ may cho các cô từng chiếc áo dài, gội đầu cho từng người. Khi chú út bị điều về huyện Phú Lộc công tác, mẹ lặn lội xe đò, mua áo len, đồ ăn thức uống tiếp tế cho em.

Con dâu với mẹ chồng còn đạp xe đạp chở nhau đi xem cải lương. Thấy con dâu xách nặng, bà nội bảo "đưa tao xách hộ cho". Khi bà nội ốm, chỉ có mẹ đút thuốc đút cháo bà nội mới chịu ăn. Con gái ruột của nội chăm, nội cũng không chịu, nhất định phải là con dâu trưởng.

Chuyện tình 60 năm đẹp như thơ của bố mẹ ca sĩ Long Nhật - Ảnh 1.

Có bao nhiêu tiền trong túi, bà nội đều giấu cho mẹ vì sợ các cô chú biết lại phân bì, ganh tị. Mẹ nói, nếu có kiếp sau, mẹ vẫn xin được làm dâu bà nội, được làm vợ của ba.

Khi mẹ mất, các cô chú ở xa cũng đều bay về đội tang. Đội tang lễ có ban tắm liệm cho người chết nhưng các cô, các thím không cho họ đụng vào người mẹ.

Các cô tự tay tắm rượu, mặc đồ gấm bà ba, chải tóc, trang điểm cho chị dâu rồi mới để người ta vào mặc áo quan âm cho mẹ. Các cô vừa làm vừa nói "chị ngoan để em mặc đồ đẹp, đánh son, chải tóc cho chị đẹp nhé".

Khi tôi thắc mắc tại sao mẹ mất, các cô các thím chỉ là em chồng em dâu thôi nhưng chẳng những không sợ mà còn tắm rửa sạch sẽ cho mẹ. Các cô các chú nói rằng "mẹ của con tuy là chị dâu nhưng mọi người đã quên mất là chị dâu từ lâu rồi mà coi như người mẹ thứ hai".

"Lòng tôi vẫn ấm bên em đó/ Mấy chục xuân rồi em biết không"

Đó là hai câu thơ mà bố của ca sĩ Long Nhật, nhờ thơ nhà thư pháp Nguyệt Đình viết về vợ mình, mà con cháu, ai cũng thuộc làu làu.

Nhắc tới chuyện tình của cha mẹ, giọng ca sĩ Long Nhật lúc vui lúc buồn, lúc cười lúc khóc. Anh nói: "Từ khi yêu đến khi về làm vợ ba, mẹ chu toàn mọi việc, yêu thương hi sinh cho chồng con hết mực.

Chuyện tình 60 năm đẹp như thơ của bố mẹ ca sĩ Long Nhật - Ảnh 2.

Chú Dũng là em trai của ba. Chú mất khi con gái mới 3 tháng tuổi. Vợ chú đi lấy chồng, mẹ sợ cháu khổ nên giữ lại nuôi. Đúng ra, mẹ chỉ là bác dâu thôi nhưng mẹ nuôi và thương bé Như như con mẹ đẻ ra. Chú Dũng mất, 40 năm, ngày giỗ nào của chú mẹ cũng khóc. Với mẹ, nỗi đau dường như chỉ mới ngày hôm qua.

12 năm mẹ bệnh, ba lo cho mẹ từng cái tăm, từng ly nước, từng miếng giấy và dẫn mẹ đi lẫm chẫm quanh nhà. Tất cả các tấm hình gia đình, ba hầu như không nhìn ống kính mà chỉ nhìn mẹ.

Ba lo các con mải chụp ảnh không ai để ý mẹ, lỡ mẹ sẩy chân ngã thì không đỡ kịp. 12 năm mẹ bệnh nhưng mẹ không bị liệt, không bị ngọng, mẹ chỉ chậm. Vậy mà tới bữa cơm, ba ngồi gỡ từng cái xương cá cho mẹ.

Ba chăm chút mẹ đúng như lời bài hát của Trịnh Công Sơn "áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". Chăm sóc mẹ như thế mà khi mẹ mất, ba vẫn bảo "có những lúc ba chưa chu đáo với mẹ"!

Nhắc tới ba mẹ là tôi vừa kính trọng, vừa ngưỡng mộ. Ba yêu mẹ vô cùng. Vào dịp Tết cách đây 2, 3 năm, cả nhà ngồi nấu bánh chưng. Ba nhìn mẹ đọc 4 câu thơ: 

Trời làm mưa bão rét tàn đông

Mấy chục năm qua má vẫn hồng 

Lòng tôi vẫn ấm bên em đó

Mấy chục xuân rồi em biết không"

Chuyện tình 60 năm đẹp như thơ của bố mẹ ca sĩ Long Nhật - Ảnh 3.

Nửa canh thức giấc nghe xe vắng/ Hình bóng theo nhau giấc mộng tan

Sau khi nghe Long Nhật kể về chuyện tình gần 60 năm của cha mẹ, như có sự sắp xếp từ định mệnh, tôi được duyên gặp trực tiếp trong chuyến ông vào Sài Gòn thăm con trai.

Khi đã đủ thân mật, tôi hỏi ông về người bạn đời vừa mất hồi tháng 3/2017. Vừa nghe tôi hỏi, mắt ông đã rưng rưng nước... nhưng ông không khóc. Ông bình tĩnh nói với tôi khi nước mắt lặng lẽ chảy xuống.

"Tôi và vợ tôi gắn bó với nhau gần 60 năm, khi tôi 26 còn bà ấy 23, giờ tôi chuẩn bị bước sang tuổi 80. Khi bà ấy mất, tôi bị một khoảng trống rất lớn.

Ở Huế, gia đình nào có người thân mất, họ thường làm một tấm bảng đặt trước quan tài để cầu nguyện cho hương hồn người vừa đi.

Nhưng tôi không làm giống họ. Tôi tự viết 8 chữ trước áo quan của bà ấy: "Ô hô, vân tà tuyết tiêu hoa tàn nguyệt khuyết". Với tôi, khi bà ấy không còn thì cũng giống như mây tan rồi, tuyết tiêu rồi, hoa tàn rồi, mặt trăng lui rồi... chẳng còn điều gì ý nghĩa nữa.

Bà ấy mất được 5 ngày, quan tài còn quàn trong nhà chưa đưa đi an táng. Khuya hôm đó, tôi ngồi một mình nhìn quan tài. Tôi buồn viết bài thơ "Khúc chia phôi".

Chuyện tình 60 năm đẹp như thơ của bố mẹ ca sĩ Long Nhật - Ảnh 4.

Hạ bút căn trường vĩnh biệt nhau

Mực nhoà nước mắt nén lòng đau

Chữ không in nét lời sai ý

Bạch lạp thương tâm nhỏ lửa sầu

Nỗi lòng khi vắng bóng xưa xa

Thui thủi mình tôi ở xó nhà

Phó mặc đồi hoang cho gió lạnh

Vui buồn chỉ cậy bóng trăng qua

Cải bức tâm can tạo mấy hàng

Thuỳ dương réo rắt nghĩ non sang

Nửa canh thức giấc nghe xa vắng

Hình bóng theo nhau giấc mộng tan"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại