Chuyến thăm Mỹ kỳ lạ của thủ tướng Malaysia

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/9 (giờ địa phương) đã có cuộc tiếp đón thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Nhà Trắng.

Cái lạ ở chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Razak là mãi đến bây giờ mới được thực hiện - gần 8 tháng sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống ở Mỹ.

Mối quan hệ giữa Malaysia và Mỹ vốn rất tốt đẹp và tin cậy. Vào cuối thời người tiền nhiệm của ông Trump, nó có bị trục trặc bởi chính quyền Barack Obama khi ấy không hài lòng với ông Razak về phương diện tôn trọng dân chủ nhân quyền ở Malaysia. Nhưng ông Trump thì lại hoàn toàn khác.

Cũng chính vì thế mà cái không lạ ở sự kiện này là nó được cả chủ nhà lẫn khách đến thăm khai thác triệt để và phát huy tối đa tác dụng phục vụ cho những mưu cầu riêng, đằng sau mục tiêu chung là thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Mỹ và Malaysia vốn luôn là đối tác chiến lược quan trọng của nhau về chính trị, quân sự, kinh tế cũng như thương mại, đến mức những trắc trở nảy sinh không hề cản bước phát triển của mối quan hệ ấy, dù đó là cáo buộc và phê phán của phía Mỹ về chính sách đối nội của ông Razak, hay thậm chí cả việc ông Razak bị Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra về cáo buộc tham nhũng liên quan đến một quỹ tài chính do chính ông phụ trách.

Ông Trump và ông Razak gặp nhau tại Washington không phải để tháo gỡ vướng mắc gì đối với bước chuyển mới cho quan hệ hợp tác song phương, mà đơn giản chỉ để tạo dấu ấn chính trị mới cho cặp quan hệ này. Cái mà họ cần có được trong thực chất là tác động của cuộc gặp trên những phương diện khác.

Chuyến thăm Mỹ kỳ lạ của thủ tướng Malaysia - Ảnh 1.

Ông Trump phát biểu trong cuộc hội đàm với đoàn đại biểu của thủ tướng Razak (thứ 2 từ trái) tại Nhà Trắng, ngày 12/9/2017 (Ảnh: AP)

Cùng hoàn cảnh, cùng mục đích

Ở đây có thể thấy hai nhà lãnh đạo đang ở trong cùng hoàn cảnh và có cùng mục đích.Ông Trump đang gặp khó khăn và khó xử như thế nào ở Mỹ thì ông Razak cũng như vậy ở Malaysia. Cũng bị điều tra về bê bối và tai tiếng. Cũng sa sút uy tín cá nhân. Cũng khó khăn phức tạp về kinh tế và xã hội. Cũng gặp chuyện khó xử về đối ngoại và an ninh.

Thủ tướng Razak đem đến cho tổng thống Trump những hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD và những ý định đầu tư lớn vào Mỹ giúp ông Trump có thể khuếch trương khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết", và coi đó là thành quả của việc thực hiện những cam kết tranh cử theo tinh thần của khẩu hiệu này.

Malaysia có những đơn đặt hàng lớn ở các hãng của Mỹ như Boeing hay General Electrics. Ngoài ra, việc đầu tư trực tiếp vào Mỹ đồng nghĩa với tạo công ăn việc làm cho Mỹ, góp phần giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng. Đó chính là thông điệp mà ông Trump cần có để gửi tới cử tri và dư luận ở Mỹ.

Ông Trump cần Malaysia của ông Razak để đối phó với Triều Tiên và Trung Quốc, cũng như phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là chống lại nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) xâm nhập Đông Nam Á.

Malaysia là một trong những đối tác đầu tiên của Mỹ nhanh chóng tuyên bố chấm dứt quan hệ thương mại với Triều Tiên. Điều này làm Mỹ không thể không đặc biệt hài lòng vì Kuala Lumpur xưa nay vốn là một trong những cửa ngõ quan trọng nhất của Triều Tiên cho giao thương với thế giới bên ngoài trong bối cảnh bị bao vây, cấm vận, cô lập và trừng phạt.

Malaysia trước đây, hiện tại và cả trong tương lai vẫn luôn là mắt xích quan trọng trong triển khai chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt trong việc đối phó những ý đồ chiến lược và hành động cụ thể của Trung Quốc ở Biển Đông.

Về phần mình, điều quan trọng nhất đối với ông Najib Razak trong chuyến công du Mỹ là hình ảnh vẫn được ông Trump đón tiếp trọng thị cho dù đang bị Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra.

Chuyến thăm Mỹ kỳ lạ của thủ tướng Malaysia - Ảnh 2.

Tác động của điều này vô cùng quan trọng đối với thủ tướng Malaysia, và vô cùng sâu sắc đối với cả Mỹ lẫn nội bộ ở Malaysia. Nó giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của vụ việc ở Mỹ và giúp ông Razak giải tỏa tình hình căng thẳng trong nước, vô hiệu hóa những phản đối và chống đối, xoay chuyển tình thế và gỡ gạc thanh danh cá nhân, từ đó củng cố nền tảng và vị thế quyền lực.

Ngoài ra, ông Razak cần tranh thủ và cả dựa vào Mỹ để đối phó với những thách thức đối ngoại và an ninh đang đặt ra cho nước này, trong đó có thách thức an ninh từ phía Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Ở trong cùng hoàn cảnh, lại nhằm tới cùng mục đích nên ông Trump và ông Razak mới có cuộc gặp vào thời điểm hiện tại. Hai bên mới đồng thuận quan điểm khoa trương hình ảnh, và người này nỗ lực giúp người kia thành công về đối nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại