Cho dẫu có trùng hợp ngẫu nhiên về thời điểm, việc phía Mỹ thông qua quyết định bán hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cho Ả rập Xê út với tổng giá trị 15 tỷ USD đã làm cho ý nghĩa của chuyến thăm Nga của Quốc vương Ả rập Xê út Salman càng thêm nổi bật.
Cũng không thể loại trừ khả năng chính vì chuyến công du này của ông Salman mà phía Mỹ phải nhanh chóng có quyết định ấy. Nguyên cớ trực tiếp là việc phía Ả rập Xê út có ý định và ông Salman ở Nga đã bàn thảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vương triều này mua hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-400 của Nga.
Lý do sâu xa hơn đối với Mỹ chắc phải là việc chuyến thăm Nga của ông Salman đã tạo ra bước chuyển giai đoạn cho mối quan hệ giữa Nga và Ả rập Xê út.
Đối tác hoá đối tượng
Ông Salman là quốc vương đầu tiên của Ả rập Xê út tới thăm Liên Xô trước đây và Nga ngày nay. Cách đây đúng 10 năm, ông Putin là người đứng đầu nhà nước đầu tiên của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay tới thăm Ả rập Xê út.
Hai sự kiện này có trọng lực chính trị, ngoại giao, tâm lý và dư luận của chúng khi Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới công nhận Ả rập Xê út - năm 1926.
Mỹ-Ả rập Xê út đã đạt loạt thỏa thuận hấp dẫn trong chuyến thăm Riyadh hồi tháng 5 của Tổng thống Trump. Ảnh CNN
Vương triều này ở vùng Vịnh vốn xưa nay là một trong những đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở khu vực, là thành viên trong tập hợp lực lượng của Mỹ đối địch Liên Xô về ý thức hệ và đối địch Nga về địa chiến lược.
Giữa Nga và Ả rập Xê út hiện vẫn tồn tại xung khắc lợi ích rất cơ bản ở Syria và trong quan hệ với Iran và Qatar. Trong bối cảnh tình hình như thế, chuyến thăm Nga của ông Salman là bằng chứng thời sự nhất về chủ ý và quyết tâm của hai bên trở thành đối tác quan trọng của nhau về mọi phương diện.
Họ đều nhằm tới những lợi ích thiết thực hiện tại và chiến lược lâu dài ở việc đối tác hoá đối tượng.
Ngoài chuyện mua bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, ông Salman và ông Putin còn bàn thảo về nhiều dự án hợp tác đầu tư của Ả rập Xê út ở Nga, về tiếp tục thực hiện thoả thuận đã ký kết từ năm ngoái về hợp tác để ổn định giá dầu lửa trên thị trường thế giới thông qua hạn chế mức độ khai thác dầu lửa hàng ngày.
Nga thì không nhưng Ả rạp Xê út là thành viên với vai trò lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Thoả thuận nói trên giữa hai nước giúp cả OPEC lẫn Ả rập Xê út và Nga duy trì được vai trò và ảnh hưởng trong chuyện tác động tới biến động của giá dầu lửa trên thị trường.
Có thể dễ dàng nhận thấy Ả rập Xê út cần Nga trong vấn đề năng lượng nói trên, cần Nga làm đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư cho tương lai và đặc biệt là phải hợp tác với Nga chứ không đối kháng Nga nếu muốn bảo toàn được lợi ích trong vấn đề Syria, trong đối phó Iran và o ép Qatar khi Mỹ tiếp tục giảm bớt chứ không tăng cường cam kết và can dự trực tiếp về chính trị an ninh cũng như quân sự vào khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.
Nga muốn nhanh chân dần lấn vào "khoảng trống" ở khu vực hình thành cùng với việc Mỹ giảm dần mức độ can dự và cam kết về chính trị an ninh và quân sự ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh nên cần cải thiện cơ bản và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Ả rập Xê út, phân hoá vương triều này với Mỹ và các đối tác khác trong tập hợp lực lượng của họ ở khu vực, gây dựng và tăng cường được cho mình vai trò và ảnh hưởng trong chính sách và quan hệ của Ả rập Xê út với những đồng minh và đối tác quan trọng của Nga ở khu vực như Syria, Iran hay Qatar.
Trong tình cảnh Nga bị Mỹ và EU trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính do liên quan đến Ukraine, có được đối tác như Ả rập Xê út và lại còn chuyển biến nước này từ đối tượng thành đối tác là việc rất quan trọng và rất thiết thực đối với Nga.
Vì đã có được thoả thuận với Mỹ về THAAD và những hợp đồng mua vũ khí của Mỹ nhân chuyến thăm Ả rập Xê út của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ả rập Xê út thật ra không còn cần đến hệ thống S-400 của Nga để đảm bảo an ninh.
Nhưng chuyện mua sắm loại thiết bị quân sự này của Nga lại có tác động chính trị và tâm lý đặc biệt quan trọng đối với Ả rập Xê út. Nó giúp nước này vừa tranh thủ được Nga lại vừa gây được áp lực đối với Mỹ, giúp Ả rập Xê út dễ bề tiến trong quan hệ với Nga và thoái trong quan hệ với Mỹ.
Đối với Nga, việc này có ý nghĩa chiến lược lâu dài sau khi đã có thoả thuận tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ - là thành viên NATO - và với Iran cũng như đã được triển khai ở Syria. Nó trở thành biểu tượng cho sự hiện diện về quân sự của Nga ở khu vực và sự trở lại của vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh và quân sự của Nga ở khu vực.
Thời thế đã buộc và giúp hai nước này phát hiện lại nhau sau hơn 7 thập kỷ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội kiến Quốc vương Ả rập Saudi Salman ở điện Kremlin